Thức dậy một làng nghề
Cẩm Thanh đã từng là một trong những làng nghề đặc trưng của thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam với những sản phẩm làm từ tre, dừa nổi tiếng. Nằm ẩn mình dưới mầu xanh bạt ngàn của rừng dừa Bảy Mẫu, làng nghề Cẩm Thanh đã có một thời huy hoàng, sung túc. Thế nhưng, sự phát triển của đời sống hiện đại khiến làng nghề có lúc tưởng như lụi tàn, mai một. Thật may, vẫn có những người dân Cẩm Thanh đau đáu với nghề, duy trì và vực dậy nghề làm nhà từ tre, dừa của ông cha, đồng thời sản xuất những mặt hàng thủ công mỹ nghệ độc đáo đáp ứng thị hiếu và nhu cầu của thị trường.
Lớn lên trong gia đình giàu truyền thống làm nghề thủ công mỹ nghệ ở xã Cẩm Thanh, từ nhỏ anh Võ Tấn Tân đã làm nhiều vật dụng sinh hoạt từ tre, dừa, nứa. Cha anh, ông Võ Tấn Mười là một thợ nổi tiếng ở Hội An, cho nên anh sớm được thừa hưởng những kỹ năng làm nghề thuần thục, cộng với lòng đam mê sáng tạo, anh đã cho ra đời nhiều sản phẩm mang tính nghệ thuật từ chính loại cây vô cùng thân thuộc của Việt Nam.
Xưởng tre Taboo Bamboo của gia đình anh Tân nằm dưới tán tre xanh mát, không chỉ được biết đến là xưởng sản xuất đồ lưu niệm, thủ công mỹ nghệ và vật dụng gia đình bằng tre, mà còn là một trong những điểm tham quan thu hút khách du lịch. Ở đây có rất nhiều sản phẩm thú vị được làm thủ công bằng tre: từ những chú ốc sên, chim cánh cụt, chuồn chuồn, những chú rối xinh xắn đến các vật dụng dùng trong gia đình như bàn, ghế, điện thoại bàn, cốc uống nước, ống hút, đũa, bát bằng tre…
Chia sẻ với chúng tôi, anh Võ Tấn Tân cho biết: Cách đây 20 năm, trong làng anh, nhà cửa phần lớn là nhà tre lợp lá dừa. Công việc làm tre, dừa diễn ra hằng ngày. Dần dần, xã hội phát triển, các sản phẩm truyền thống không còn chỗ đứng. Lớp trẻ không tha thiết theo nghề, người già, người lớn tuổi vẫn chỉ làm những vật dụng quen thuộc, ít thay đổi mẫu mã cho nên sản phẩm không đáp ứng được nhu cầu của thị trường, có lúc làng nghề gần như bị quên lãng.
Với tình yêu dành cho tre, anh Tân mày mò nghiên cứu đặc tính của tre, dần khắc phục được các nhược điểm của sản phẩm từ loại cây này, nhất là sự đơn điệu về kiểu dáng, mẫu mã. Anh đã sáng tạo ra những mẫu sản phẩm mới có tính ứng dụng cao trong cuộc sống hiện đại, đủ sức cạnh tranh với những mặt hàng thủ công khác. Đến nay, phần lớn các vật dụng trong gia đình anh đều làm từ tre, không chỉ gây ấn tượng độc đáo mà còn mang đến một không gian sống mát mẻ và sinh hoạt tiện dụng.
Hằng ngày, xưởng Taboo Bamboo của anh phục vụ rất nhiều khách đến trải nghiệm các công đoạn làm ra từng sản phẩm tre, dừa mà họ yêu thích. Chị Lưu Thanh Thảo, khách du lịch từ Hà Nội vào tham quan Hội An, đang tự tay làm chiếc cốc uống nước bằng tre chia sẻ: Lần đầu đến xưởng tre của anh Tân, chị rất ngạc nhiên vì không thể nghĩ từ tre lại có thể làm được các sản phẩm đa dạng, phong phú có tính ứng dụng cao như quạt trần, đèn trang trí, ốp lưng điện thoại… đem lại cảm giác mới lạ và thân thiện.
Tiếp sức cho tre
Không chỉ sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, anh Võ Tấn Tân còn được nhiều người ưu ái gọi là “cha đẻ” của xe đạp tre, ô-tô điện bằng tre độc đáo… Sau nhiều năm ấp ủ, nghiên cứu, anh đã cho ra đời những chiếc xe đạp từ nguyên liệu tre mang thương hiệu Taboo, được nhiều khách du lịch trong, ngoài nước đón nhận và yêu thích. Những chiếc xe đạp tre do anh thiết kế, sản xuất đã theo chân khách du lịch đến một số nước châu Âu… Gần đây nhất, anh chế tạo thành công chiếc xe ô-tô điện làm bằng tre. Sản phẩm vừa thân thiện với môi trường, vừa tạo được dấu ấn của Hội An và nghề làm tre truyền thống của làng nghề. Đây cũng là sản phẩm ghi dấu ấn sáng tạo và khẳng định tình yêu đặc biệt mà anh Tân dành cho tre.
Lấy cảm hứng từ tre, một số chương trình biểu diễn nghệ thuật ở Hội An cũng như ở Hà Nội đã mời anh Võ Tấn Tân kết hợp đưa sản phẩm làm bằng tre, nứa lên sân khấu. Trong vở kịch xiếc À Ố show tại Hội An, một trong những điểm độc đáo là tất cả các đạo cụ được làm chủ yếu từ cây tre. Những vật dụng quen thuộc hằng ngày như nong, nia, thúng, mủng, dần, sàng, quang gánh... được đưa lên sân khấu, tạo nên hiệu ứng nghệ thuật độc đáo chinh phục người xem. Bên cạnh đó, anh Tân còn nhận được rất nhiều lời mời từ chủ các nhà hàng, quán cà-phê, khu nghỉ dưỡng, khách sạn... đưa tre vào thiết kế nội thất, ngoại thất, sản phẩm trang trí và thi công công trình...
Nhà tre, mái dừa xuất hiện trở lại bên cạnh những căn nhà hiện đại. Ngay trong lòng phố cổ Hội An, những nét mềm mại của sản phẩm làm từ cây tre, cây dừa nước đã góp phần lưu giữ hình ảnh một Hội An giản dị, mộc mạc, cổ kính… Sản phẩm ống hút làm từ tre của anh thay thế cho ống hút nhựa dùng một lần được mọi người ủng hộ, đón nhận trong chiến dịch góp phần giảm đến mức thấp nhất rác thải nhựa tại Hội An…
Yêu tre, yêu nghề truyền thống của ông cha, những người dân phố Hội như anh Võ Tấn Tân đang từng bước sáng tạo nên những sản phẩm thân thiện với thiên nhiên, môi trường, đồng thời thông qua du lịch tạo nên một không gian văn hóa đậm đà bản sắc. Cây tre, cây dừa nước, những yếu tố dân tộc đang dần xuất hiện trở lại, song hành với đời sống hiện đại tạo nên một không gian sống xanh, có làng trong phố ở một Hội An thanh bình, mến khách.