Khoa Cấp cứu Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới T.Ư thời gian gần đây liên tục tiếp nhận các ca mắc viêm não ở người lớn, trong đó có hai trường hợp bị viêm não Nhật Bản (VNNB), trong khi bệnh này trước đây thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi. Mới đây, bệnh nhân Nguyễn H.Y, 20 tuổi ở huyện Đông Anh, nhập viện trong tình trạng đờ đẫn, liệt chân tay và liên tục có những cơn co giật. Theo người nhà bệnh nhân, trước khi nhập viện, bệnh nhân sốt cao, rét run. Hiện bệnh nhân Y. vẫn liên tục sốt cao, hôn mê sâu, phải thở máy và được chẩn đoán bị VNNB. Trước đó, trường hợp bệnh nhân Chu Thị T, 18 tuổi ở huyện Ba Vì, cũng bị VNNB, nhập viện trong tình trạng chậm chạp, lơ mơ, sốt cao liên tục, liệt chân tay, liệt cơ hô hấp... Sau gần ba tuần điều trị, bệnh nhân đã tự thở được, nhưng chân tay vẫn bị liệt. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư), vi-rút VNNB nguy hiểm do tiến công trực tiếp vào não gây tổn thương thần kinh nặng nề. Bệnh có tỷ lệ tử vong và để lại di chứng cao, nếu không được điều trị sớm. Với cả hai bệnh nhân này dù được điều trị tích cực, người bệnh có thể qua khỏi nguy hiểm, nhưng vẫn có thể để lại di chứng liệt chân tay và di chứng về thần kinh.
BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cũng mới tiếp nhận một bệnh nhân nữ 19 tuổi, ở huyện Ứng Hòa, bị viêm não nặng, hiện đang chờ kết quả xét nghiệm xem có phải VNNB hay không. BS Nguyễn Trung Cấp cho biết, những năm trước đây đã từng có những trường hợp là người lớn mắc bệnh VNNB, tuy nhiên, số lượng không nhiều như năm nay.
Theo PGS, TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh VNNB có thể xảy ra quanh năm, nhưng dịch thường bắt đầu vào mùa hè. Đỉnh điểm dịch là vào các tháng 6, 7, 8, nhất là khi thời tiết nắng nóng. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 325 trường hợp bị viêm não vi-rút tại 31 tỉnh, thành phố. Đã có năm trường hợp tử vong tại: Gia Lai, Hà Nội, Điện Biên và Bạc Liêu. Trong đó, ở các tỉnh, thành phố miền bắc có số người mắc bệnh VNNB nhiều nhất, chiếm 65,8%, miền trung 12,3%, miền nam 17,5% và Tây Nguyên 4,4%. Riêng tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay ghi nhận 16 trường hợp bị VNNB, trong đó một ca tử vong, tăng 12 trường hợp so với cùng kỳ năm 2013, có 75% trường hợp mắc bệnh chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ. Để phòng, chống bệnh VNNB, PGS, TS Trần Đắc Phu khuyến cáo, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, chuồng gia súc sạch sẽ để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, nên dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy. Khi đi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi trong các hộ gia đình, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc để đề phòng muỗi đốt. Ngoài ra, tiêm vắc-xin VNNB đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Tiêm chủng với ba liều cơ bản: mũi đầu tiên lúc trẻ được 1 tuổi, mũi thứ hai tiêm sau đó từ một đến hai tuần, mũi thứ ba tiêm sau mũi thứ hai một năm. Sau đó cứ ba, bốn năm thì tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Trước tình hình bệnh VNNB có chiều hướng phức tạp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương triển khai kế hoạch phòng, chống bệnh Sở Y tế cần theo dõi, giám sát chặt chẽ, khoanh vùng xử lý kịp thời, triệt để các khu vực phát sinh ca bệnh, không để bệnh diễn biến thành dịch, bảo đảm đủ cơ số thuốc, trang, thiết bị y tế và giường bệnh, xây dựng phương án phân tuyến, phân luồng, cách ly, phác đồ điều trị hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do VNNB. Duy trì và thành lập bổ sung các đội cấp cứu lưu động, sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn, hỗ trợ nhân lực cho các đơn vị tuyến dưới. |