Người lính cơ yếu và con dấu đặc biệt

Từ bức ảnh mà đồng nghiệp cũ tình cờ nhờ tìm trên tờ Nhân Dân, tôi đã may mắn gặp được người trong ảnh để nghe ông kể lại câu chuyện về con dấu của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa mà ông đã thu được tại Dinh Độc Lập trong những ngày miền nam vừa hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất năm 1975. Thú vị là con dấu đó đã nằm im trong quên lãng suốt 22 năm trước khi nó được tìm thấy lại và được đưa ra trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Thượng tá, cựu chiến binh Tạ Minh Thanh (bên trái) xem lại kỷ vật thời chiến. (Ảnh THỦY NGUYÊN)
Thượng tá, cựu chiến binh Tạ Minh Thanh (bên trái) xem lại kỷ vật thời chiến. (Ảnh THỦY NGUYÊN)

Đúng là trong rủi có may bởi dù không tìm được bức ảnh mà đồng nghiệp nhờ, tôi lại biết được ông là Thượng tá, cựu chiến binh Tạ Minh Thanh, nguyên sĩ quan Văn phòng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Vụ trưởng Tổ chức Ban Cơ yếu Chính phủ và là người đã thu được con dấu Tổng thống Việt Nam Cộng hòa tại Dinh Độc Lập năm 1975. Và câu chuyện về con dấu nêu trên thật sự có những điều bất ngờ.

Từ câu chuyện bức ảnh trên Báo Nhân Dân…

Một ngày đầu tháng 11/2023, một đồng nghiệp cũ của tôi, gửi cho bức ảnh và nhắn tin nhờ tôi tìm cho một bức ảnh trên tờ Nhân Dân. Cô nói muốn tìm bức ảnh này để làm quà tặng bố chồng nhân dịp sinh nhật thứ 86 của ông. Khó khăn ở chỗ cô chỉ biết ông chụp bức ảnh đó trước Chiến dịch Quảng Trị năm 1972 và người chụp là Nguyễn Văn Bang, phóng viên ảnh Báo Nhân Dân. Cô cho biết thêm, ông Văn Bang sau khi gặp lại bố chồng cô tại Hà Nội có nói bức ảnh đã được đăng trên Nhân Dân nhưng ông lại không tiết lộ là thời điểm nào.

Tôi đã mất một buổi trong thư viện Báo Nhân Dân để lật giở từng số báo của năm 1972, soi từng bức ảnh và tên người chụp nhưng tiếc là không có kết quả. Rồi tôi lại nghĩ, có thể ảnh được đăng trên báo năm 1973, hoặc năm 1974 và năm 1975. Vậy là tôi trở lại thư viện một lần nữa để tìm kiếm nhưng đều không thấy.

Lại nói về bức ảnh. Thực ra là hai bức ảnh. Một bức ảnh chụp chân dung bố chồng của người đồng nghiệp-một chiến sĩ giải phóng ở mặt trận Quảng Trị có nụ cười hiền hậu đang ngồi trên võng, tay trái chống khẩu súng AK-47 xuống đất, bức ảnh kia chụp ông và các đồng đội đang ngồi trò chuyện quanh ấm nước. Theo Thượng tá, cựu chiến binh Tạ Minh Thanh, thời điểm đó là trước khi diễn ra Chiến dịch Quảng Trị.

Ông chỉ nhớ đơn vị của ông đóng quân trên Đồi 167 và vào một buổi sáng, khi các chiến sĩ đang ngồi nghỉ ngơi, uống nước, ông có nhờ phóng viên ảnh Nguyễn Văn Bang chụp cho bức ảnh kỷ niệm. Hai bức ảnh trên sau đó được ông Văn Bang gửi về cho gia đình Thượng tá Tạ Minh Thanh, còn những người trong ảnh thì sau khoảnh khắc đấy mỗi người di chuyển một hướng và đến giờ, Thượng tá Tạ Minh Thanh cũng không biết ai còn, ai mất.

Đã có lúc, tôi nghĩ rằng Thượng tá, cựu chiến binh Tạ Minh Thanh tuổi đã cao nên liệu ông có nhớ nhầm bức ảnh của mình được đăng trên tờ Nhân Dân hay không, nhưng khi lật giở những trang báo của năm 1972, tôi có thấy những bức ảnh được chụp từ chiến trường Quảng Trị có ký tên: Văn Bang. Như vậy thì không thể có chuyện Thượng tá Tạ Minh Thanh nhớ sai, chỉ là bức ảnh đó không rõ được đăng trên báo vào thời điểm nào vì phóng viên ảnh Nguyễn Văn Bang (sinh năm 1935, quê ở huyện Tiên Du, Bắc Ninh, sau là Trưởng Phòng ảnh của Báo Nhân Dân) đã qua đời năm 2006.

Tôi khá thất vọng vì không tìm được bức ảnh chụp Thượng tá Tạ Minh Thanh đăng trên tờ Nhân Dân. Lúc chia sẻ điều này với đồng nghiệp cũ, tôi lại được an ủi ít nhiều khi cô tiết lộ bố chồng cô từng có mặt ở Dinh Độc Lập vào những thời khắc quan trọng nhất của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 và ông là người đã thu giữ con dấu của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa.

Và để chứng minh, cô đã cho tôi xem bức ảnh con dấu đó vừa được cô chụp tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Trong bức ảnh là một con dấu bằng đồng, bên dưới có dòng chữ: Dấu “Tổng thống Việt Nam Cộng hòa”, đồng chí Thượng úy Tạ Minh Thanh, cán bộ Văn phòng Tổng cục Chính trị thu tại phòng của Tổng thống chính quyền Việt Nam Cộng hòa, ngày 1/5/1975.

… đến cuộc gặp nhân chứng lịch sử

Nhờ bức ảnh đó của đồng nghiệp cũ, tôi đã có dịp gặp Thượng tá, cựu chiến binh Tạ Minh Thanh tại nhà của ông ở huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ở tuổi 86, ông vẫn giữ tác phong nhanh nhẹn, dứt khoát dù từng bị ung thư dạ dày. Trong căn hộ nhỏ của một chung cư mới mà ông chuyển đến cách đây hai năm, ông Thanh đã kể lại một phần cuộc đời binh nghiệp của ông, đúng hơn là những gì liên quan con dấu “Tổng thống Việt Nam Cộng hòa”.

Ông Tạ Minh Thanh cho biết, ông sinh năm 1938 ở thôn An Lạc, xã Đồng Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Năm 1965, ông nhập ngũ, thuộc biên chế Sư đoàn 308. Trải qua ba tháng huấn luyện tại Thậm Thình (Phú Thọ), ông được cử đi học trường cơ yếu, với chương trình là một năm ở Thành Đỏ, thị xã Phúc Yên, tỉnh Phúc Yên (nay là tỉnh Vĩnh Phúc) nhưng do yêu cầu của chiến trường, lực lượng cơ yếu không đủ cho mặt trận nên nhờ học giỏi, ông được rút về Sư đoàn 308 khi mới học được ba tháng.

Ông ở Sư đoàn 308 đến năm 1972. Trước đó ông tham gia nhiều chiến dịch như: Mậu Thân 1968, 1969 là Junction City, 1971 là đường 9 Nam Lào. Ra vài tháng là lại đi Quảng Trị, đánh xong lại ra, ra lại vào. Sau Chiến dịch Quảng Trị, ông ra miền bắc. Năm 1973, Tổng cục Chính trị điều ông về Phòng Văn thư-Bảo mật thuộc Tổng cục. Tháng 10/1974, Thượng úy Tạ Minh Thanh được lệnh vào chiến trường miền Đông Nam Bộ (B2) cùng đoàn phái viên của Tổng cục Chính trị khi ấy gồm các đồng chí của Cục Cán bộ, Cục Tổ chức, Cục Chính sách và Cục Tuyên huấn.

Người lính cơ yếu và con dấu đặc biệt ảnh 1

Bức ảnh Thượng tá, cựu chiến binh Tạ Minh Thanh (bên phải) được phóng viên Báo Nhân Dân Nguyễn Văn Bang chụp trước Chiến dịch Quảng Trị năm 1972.

Hành trình khi đó rất gian nan. Theo ông Tạ Minh Thanh, các đồng đội của ông ngồi trên hai xe GAZ-69, còn ông phụ trách một xe tải cùng hai lái xe, một công binh. Từ Hà Nội vào Quảng Bình, đoàn toàn phải đi đêm. Đến Quảng Bình thì họ có giao liên dẫn đường từng trạm một nhưng vẫn là đi đêm. Lúc đó, đoàn di chuyển từ Quảng Bình sang Lào, vòng qua Campuchia rồi đến Đông Nam Bộ.

Tại Đông Nam Bộ, mỗi người được phân về từng đơn vị theo chuyên môn, trong đó ông được phân về Phòng Chính trị của B2, chủ yếu lấy số liệu toàn miền, quân, binh chủng. Thống kê xong ông sẽ gửi báo cáo ra miền bắc.

Theo nhiệm vụ thì đến tháng 2, tháng 3/1975, đoàn công tác sẽ trở ra miền bắc, nhưng khi xong nhiệm vụ thì họ được yêu cầu phải ở lại. Ở lại làm gì thì không biết nhưng về sau, mọi người mới biết có kế hoạch giải phóng miền nam. Lúc này, mỗi người lại nhận những nhiệm vụ khác nhau và Thượng úy Tạ Minh Thanh được phân công theo Quân đoàn 2.

Đến ngày 26/4, từ Lộc Ninh (Bình Phước), Quân đoàn 2 áp sát Sài Gòn. Ngày 28/4, họ vào đến Củ Chi, nằm ở đây chờ lệnh. Lúc này, pháo ta bắn vào, pháo địch bắn ra, cả một ngày, một đêm ông ngủ không được vì chỉ nghe tiếng súng đạn.

Đến ngày 30/4, Quân đoàn 2 được lệnh tiến vào giải phóng Sài Gòn và khoảng 1 giờ chiều, họ dừng ở căn cứ không quân Tân Sơn Nhất, đúng hơn là Trại Davis nằm ở phía tây nam, sau khi nội các Dương Văn Minh đầu hàng. Khung cảnh lúc này hỗn loạn, lính ngụy tháo chạy hàng loạt.

Sáng 1/5, Thượng úy Tạ Minh Thanh trong đoàn phái viên của Tổng cục Chính trị có mặt tại Dinh Độc Lập và được các chiến sĩ giải phóng đưa lên tầng 2, nơi trước đây là phòng làm việc của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu để thu thập hồ sơ, tài liệu mật. Vừa vào, ông thấy trên chiếc bàn lớn vẫn còn tấm bảng “Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu” và lá cờ vàng ba sọc đỏ bên cạnh. Phía bên phải bàn, sát tường là một tủ sắt lớn đã mở, ông kéo cửa tủ sắt ra thì thấy trong đó một hộp sơn mài đen thếp vàng.

Mở nắp, bên trong hộp bọc nhung đỏ đựng một con dấu đồng lớn với đường kính khoảng 6-7 cm. Mặt dấu khắc chung quanh dòng chữ “Tổng thống Việt Nam Cộng hòa”, bên trong khắc hai con rồng châu đầu vào nhau, ở giữa có hình lá cờ ba sọc.

Ông Tạ Minh Thanh cho biết, khi đó, ông suy nghĩ rằng, dưới bất cứ chế độ chính trị nào thì con dấu là biểu tượng cho quyền lực tối cao. Có lẽ vì buộc phải ra đi vội vã do sức ép của Mỹ nên Nguyễn Văn Thiệu không kịp mang theo con dấu hoặc bàn giao cho Phó Tổng thống Trần Văn Hương.

Đối với ta, con dấu của đối phương là một chứng tích, một hiện vật chứng minh cho sự sụp đổ hoàn toàn của một chính thể, cũng như thể hiện chiến thắng trọn vẹn của Chiến dịch Hồ Chí Minh. Vì thế, ông cho đây là một hiện vật giá trị cần phải bảo quản, giữ gìn theo các tài liệu, hồ sơ mà ông đã thu thập.

Ngày 15/5, ông ra Hà Nội, trong ba-lô chẳng có gì giá trị ngoài con dấu và đống hồ sơ, tài liệu. Sau đó, ông báo cáo tình hình với Đại tá Lê Văn Nhiễu, Chánh Văn phòng Tổng cục Chính trị và theo chỉ đạo, ông bàn giao vật chứng quan trọng là con dấu cho đồng chí Lê Vinh, cán bộ văn thư Phòng Hành chính để chuyển cho Bảo tàng Quân đội, nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, để bảo quản và trưng bày cho khách tham quan.

Thế nhưng, hơn 20 năm sau chiến thắng 30/4/1975, con dấu “Tổng thống Việt Nam Cộng hòa” vẫn chưa được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam…

Và câu chuyện đi tìm con dấu

Theo Thượng tá, cựu chiến binh Tạ Minh Thanh, đầu tháng 7/1997, một số cựu chiến binh và bạn bè đã hỏi ông về con dấu của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu ở đâu mà không thấy trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Đúng là việc chuyển tới Quân khu 2 công tác từ năm 1976-1979 khiến ông bỏ bẵng chuyện con dấu nhưng câu hỏi ấy cũng khiến ông phải băn khoăn, bởi ông nhớ rõ là đã bàn giao hộp dấu hơn 20 năm rồi nhưng không rõ vì sao bảo tàng không trưng bày để khách tham quan.

Vì vậy, ngày 26/10/1997, ông đã viết thư gửi lãnh đạo Văn phòng Tổng cục Chính trị để hỏi và đề nghị xác nhận ông đã bàn giao cho Phòng Hành chính giữa tháng 5/1975. Sau đó, ngày 30/10/1997, đồng chí Lê Vinh, lúc đó nguyên là Trung tá Văn phòng Tổng cục Chính trị, đã làm giấy xác nhận ông đã bàn giao con dấu và ghi rõ: Theo chỉ thị của Tổng cục Chính trị, Phòng Hành chính đã giao con dấu này cho Bảo tàng Quân đội làm chứng tích lịch sử.

Tuy nhiên, sự việc không dừng ở đây. Với sự xác nhận của Văn phòng Tổng cục Chính trị, Thượng tá, Cựu chiến binh Tạ Minh Thanh đã hỏi lại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam về con dấu. Qua kiểm tra lại hồ sơ lưu trữ hiện vật bảo tàng đã tiếp nhận vào thời điểm trước không hề thấy có con dấu “Tổng thống Việt Nam Cộng hòa”. Và ngày 3/11/1997, Trung tá Hoàng Lâm, Phó Trưởng phòng Kiểm kê-Bảo quản của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam có thư trả lời Thượng tá Tạ Minh Thanh và khẳng định bảo tàng hiện không có hiện vật nào là con dấu “Tổng thống Việt Nam Cộng hòa”.

Con dấu đã ở đâu? Với trách nhiệm và nghiệp vụ của một người lính cơ yếu, Thượng tá, Cựu chiến binh Tạ Minh Thanh đã viết thư phản ánh với Thanh tra Bộ Quốc phòng và đề nghị thanh tra làm rõ. Tiếp nhận thư phản ánh và đề nghị này, Thanh tra Bộ Quốc phòng đã cử người đến làm việc với Văn phòng Tổng cục Chính trị và đề nghị xác minh sự việc.

Và lãnh đạo Văn phòng Tổng cục Chính trị đã cho kiểm tra kỹ lại hồ sơ lưu cách đó 22 năm. Thật bất ngờ là bộ phận kiểm tra đã phát hiện hộp sơn mài đen đựng con dấu vẫn được cất giữ cẩn thận trong tủ mật của Văn phòng Tổng cục Chính trị. Ngày 17/11/1997, Đại tá Vũ Thịnh, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Chính trị có Văn bản số 513/VP trả lời Thanh tra Bộ Quốc phòng và hồi âm cho Thượng tá Tạ Minh Thanh biết, hiện con dấu có khắc dòng chữ “Tổng thống Việt Nam Cộng hòa” đang được lưu giữ cẩn thận ở Văn phòng Tổng cục Chính trị chứ chưa chuyển cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Sau đó là những gì mà tôi đã được nhìn thấy ngày nay. Vậy là sau 22 năm được đưa ra khỏi Dinh Độc Lập, con dấu “Tổng thống Việt Nam Cộng hòa” đã được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, để khách tham quan, nhất là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau thấy rõ chiến công hào hùng của ông cha trong cuộc chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc ở thế kỷ 20.

Dịp sinh nhật thứ 86 của ông mới đây, chúng tôi đã không tìm được cho ông bức hình chụp trên tờ Nhân Dân nhưng đối với ông, hai tấm ảnh mà phóng viên Văn Bang gửi tặng gia đình, câu chuyện con dấu “Tổng thống Việt Nam Cộng hòa” là những kỷ niệm không quên trong cuộc đời, là những khoảnh khắc mà ông luôn trân trọng, ghi nhớ để kể lại cho con cái, các cháu nội của mình.