"Lá vàng" đổi đời ở Là Si
Cuộc hành quân băng rừng, vượt núi dịp cuối năm 2009 lên xã, bản biên giới xa nhất của huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu) lưu lại ấn tượng thật khó quên.
Qua một đêm chợp giấc trong cái lạnh cắt da cắt thịt ở đồn biên phòng, 6 giờ sáng chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình lên với đồng bào La Hủ. Mất hơn bảy tiếng đồng hồ trèo đèo, lội suối, băng rừng, tới hơn 1 giờ chiều, bản Là Si thấp thoáng xa xa dưới rìa đồi thoai thoải với 21 nóc nhà của bà con La Hủ.
Hình ảnh ngỡ ngàng đầu tiên với chúng tôi là những đứa trẻ lấm lem, đen nhẻm, chân đất, mắt xoe tròn ngơ ngác nhìn những người lạ vừa đến. Tiết trời vùng đất rẻo cao heo hút lạnh tê cóng mà đám trẻ vẫn trần truồng như không. Cả những người phụ nữ trẻ địu con trên lưng, cả người lớn lẫn trẻ con đều vậy, áo quần vá víu, nhem nhuốc, phong phanh trong gió bấc.
Bao đời sinh sống trên các miền núi cao so với mặt biển tới 2.000 m, tộc người La Hủ sống chủ yếu dựa vào những sản vật sẵn có của những cánh rừng nguyên sinh. Người La Hủ chỉ dựng lều trong rừng thẳm, mái lều lợp lá chuối rừng và cành cây rừng. Quá đôi tuần nửa tháng, hết săn bắt dúi rừng, đào cạn củ mài, nguồn thực phẩm từ thiên nhiên hết dần, lá trên mái lán úa vàng là họ lại lên đường dời đến vùng đất mới. Vì vậy mới có chuyện "Lá vàng" được gán tên cho tộc người La Hủ một thời hoang dại, lang thang nay đây mai đó trên những đỉnh núi sương mù rừng thiêng nước độc.
Ngồi bên bếp lửa trong căn nhà mới, vợ chồng ông Lì Vàng Mừ, Trưởng bản Là Si tâm sự, cuộc sống du canh, du cư của người La Hủ trong những cánh rừng sâu. Một năm chỉ mùa no và mùa đói. Mà mùa đói như quanh năm.
Ðêm đầu tiên của ngày bàn giao nhà mới, những điệu múa, lời ca bằng tiếng dân tộc La Hủ, Hà Nhì vang lên giữa cánh rừng xa thẳm. Ðiều đặc biệt có "tốp ca" gồm các em nhỏ người La Hủ cùng nhau ngọng ngịu hát bài "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" và thêm mấy câu hát "Ðoàn quân Việt Nam đi / Chung lòng cứu quốc..." trong bản Quốc ca nữa! Tốp thanh niên người Hà Nhì gùi quà, hàng giúp bà con La Hủ rôm rả góp vui chương trình văn nghệ với nhiều tiết mục ca múa rất đặc sắc, trong đó có giai điệu bài hát giao duyên bay bổng, mê hoặc lòng người.
Nhà mới, bản mới
Ðoàn công tác của chúng tôi gồm đại diện nhiều ban, ngành, đoàn thể hành quân lên cùng BÐBP tặng nhà đại đoàn kết cho đồng bào La Hủ.
Tính đến cuối năm 2009, những chiến sĩ biên phòng Lai Châu đã tập trung xây dựng những ngôi nhà cho đồng bào La Hủ bằng chiến dịch "65 ngày đêm giúp đồng bào La Hủ". BÐBP xây dựng 21 căn nhà ở bản Là Si ở xã Thu Lũm và 20 căn nhà ở bản Là Si ở xã Ka Lăng... Theo số liệu thống kê, đến tháng 11-2009 đã có hơn 30 nghìn ngày công của chiến sĩ BÐBP cho việc vào rừng vác gỗ, xẻ gỗ và vác tôn qua gần 16 cây số đường rừng, leo núi lên giúp bà con. Ðại tá Trần Hữu Phúc, Chỉ huy trưởng BÐBP Lai Châu khẳng định, lực lượng biên phòng đã tìm ra người La Hủ, nay dựng nhà mới mời bà con về, từng bước giúp bà con La Hủ thay đổi nếp sống du canh, du cư. Ðồng chí cho biết thêm: Quan trọng hơn, bộ đội sẽ dạy bà con biết trồng lúa nước, trồng rau xanh, chăn nuôi trâu bò, giúp bà con đọc thông, nói thạo tiếng phổ thông nữa.
Tết về, năm nay là năm đầu trong cuộc đời từ chốn rừng sâu, những người dân La Hủ đã có một căn nhà thắm đượm tình nghĩa đồng chí, đồng bào qua mùa mưa nắng. Bà con La Hủ ở bản Là Si, xã Thu Lũm có 21 hộ, 102 khẩu; bà con bên bản Là Si, xã Ka Lăng có 18 hộ, 100 khẩu, tất cả đã có nhà mới dịp đón xuân.
Ðược biết, qua hai đợt vận động từ tháng 10-2008 đến tháng 11-2009, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân trong và ngoài tỉnh Lai Châu đã ủng hộ gần hai tỷ đồng xây dựng 108 nhà đại đoàn kết và chín công trình dân sinh tặng bà con dân tộc ba huyện biên giới Phong Thổ, Sìn Hồ và Mường Tè, giúp bà con các dân tộc La Hủ, Dao ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo.
Chủ tịch UBND huyện Mường Tè Lý Anh Hừ cho biết, được sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, vừa qua, các cấp, các ngành trong huyện giúp cứu đói giáp hạt cho 970 gia đình, với hơn 2.000 nhân khẩu. Với 4.353 hộ nghèo tại các xã, bản, hơn 1.000 gia đình bà con năm dân tộc đặc biệt khó khăn như La Hủ, Mảng... cũng được quan tâm hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh để vượt qua thời kỳ giá rét, chuẩn bị đón Tết.
Cuối năm, dù tiết trời vùng cao biên cương giá lạnh, người La Hủ đã ấm lòng trong căn nhà kiên cố. Chia tay Là Si, chúng tôi lên đường trở về thành phố, trong lòng vẫn xao xuyến khôn nguôi về một tộc người từng trong cảnh cơ cực, nay có cơ hội nhìn về tương lai phía trước tốt đẹp hơn.
Nơi đó, còn những ánh mắt trẻ thơ La Hủ vẫn đang khát khao niềm ước mơ ăn no, mặc ấm, được đến trường...
VĂN NGHIỆP CHÚC