Người khuyết tật là nguồn cảm hứng, động lực vượt khó cho toàn xã hội

NDO -

Sáng 13/12, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã gặp mặt Đoàn đại biểu dự chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2021. Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các đại biểu, đồng chí Nguyễn Khắc Định khẳng định: với nghị lực phi thường, người khuyết tật đã tiếp sức mạnh cho toàn cộng đồng. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định (đứng thứ 6 từ phải sang, hàng đầu trong ảnh) tạo hình tượng bình đẳng trong ngôn ngữ ký hiệu cùng các đại biểu chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2021.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định (đứng thứ 6 từ phải sang, hàng đầu trong ảnh) tạo hình tượng bình đẳng trong ngôn ngữ ký hiệu cùng các đại biểu chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2021.

Theo các báo cáo của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” lần đầu được tổ chức năm 2013, nhằm tìm kiếm, tôn vinh những tấm gương thanh niên khuyết tật, có ý chí vươn lên chiến thắng số phận, đóng góp tiêu biểu vào sự phát triển của cộng đồng.

Với thông điệp “Sống trung thực, sống trách nhiệm, sống nghị lực”, chương trình đã lan tỏa mạnh mẽ, trở thành hoạt động thường xuyên, nhân văn, ý nghĩa đối với cộng đồng người khuyết tật nói chung, thanh niên khuyết tật nói riêng. 

Giai đoạn 2014-2019, đã có 4 chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” cấp Trung ương được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Lâm Đồng, Nghệ An. Các cơ sở Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trên cả nước cũng đã triển khai khoảng 2.250 chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” cấp địa phương. Qua đây, tuyên dương hơn 546 nghìn thanh niên khuyết tật tiêu biểu, xuất sắc.

Còn nhiều bất cập

Chia sẻ tại buổi gặp mặt, đại biểu Lương Thị Kiều Thúy, Nhà sáng lập kiêm Nhà quản lý “Tiệm giặt là của người điếc” tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), xúc động nói: “Không ít người nghĩ tôi có mắt sáng, chân tay lành lặn, đi lại bình thường thì không hề khuyết tật. Đó là sự thật mà nhiều người khiếm thính như tôi phải chấp nhận trong nhiều năm nay”. 

Năm 2019, chị Kiều Thúy bắt tay khảo sát và thấy rằng, người khiếm thính gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhất là về việc phát âm. Ngoài ra, cộng đồng người khiếm thính có mức thu nhập rất thấp, chỉ từ 1-4 triệu đồng. Dịch Covid-19 ập tới, cuộc sống người khuyết tật nói chung, người khiếm thính nói riêng càng vất vả hơn. Vì vậy, chị và 2 người bạn đã quyết định mở “Tiệm giặt là của người điếc”.

“Ngày ngày, tôi vẫn thầm ước ngôn ngữ ký hiệu của người câm điếc trở nên phổ biến hơn. Mong rằng, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, tổ chức, đoàn thể vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, tạo điều kiện phát triển công bằng, nâng cao vị thế của người khuyết tật”, chị Lương Thị Kiều Thúy cho biết.

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Đoàn Ngọc Bảo, người mất 1 chân nhưng vẫn trở thành huấn luyện viên patin chuyên nghiệp, nhận định: nước ta có nhiều chính sách, quy định đặc thù dành riêng cho người khuyết tật. Tuy nhiên, có 1 thực tế là luật thì chặt chẽ nhưng khi thực thi lại chưa phát huy hiệu quả.

“Đơn cử như hệ thống đường lên xuống cho người khuyết tật ở vỉa hè hoặc các công trình công cộng còn chưa đầy đủ, hoặc việc vay vốn ngân hàng cũng còn nhiều vướng mắc, khiến người khuyết tật rất khó tiếp cận”, anh Đoàn Ngọc Bảo nói.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Nha, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật tỉnh Hải Dương, nêu ý kiến: “Độ mở tiếp cận nguồn vốn đã hẹp, các thủ tục còn phức tạp hơn. Thí dụ như tôi hằng ngày vẫn phải di chuyển 40 km đến Ngân hàng chính sách của tỉnh để hoàn thiện các thủ tục, rất khó khăn cho 1 người khuyết tật. Nhưng tôi vẫn luôn cố gắng hoàn thành trách nhiệm của người đứng đầu 1 cơ sở sản xuất với tất cả nhân công đều là người khuyết tật”. 

Tăng “độ mở” trong chính sách, dịch vụ đặc thù

Phát biểu ý kiến sau khi lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của các đại biểu, đồng chí Nguyễn Khắc Định khẳng định: Đảng, Nhà nước, Quốc hội luôn quan tâm đến công tác người khuyết tật, đã ban hành và triển khai nhiều chủ trương, chính sách chăm lo, bảo đảm quyền và phát huy vai trò của người khuyết tật, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội, phát triển bền vững đất nước. 

Người khuyết tật là nguồn cảm hứng, động lực vượt khó cho toàn xã hội -0
Đồng chí Nguyễn Khắc Định phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt. 

Nhiệt liệt biểu dương, bày tỏ khâm phục trước những thành tích, cống hiến của 50 đại biểu tham gia chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh: Đây đều là những tấm gương sáng về ý chí, không những luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, mà còn chăm lo gia đình, đóng góp cho xã hội, tạo niềm tin, lan tỏa cảm hứng cho cộng đồng người khuyết tật vượt khó, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

“Các đại biểu đã tạo công ăn việc làm, cải thiện điều kiện sống cho không chỉ người khuyết tật mà còn cả người không khuyết tật. Nghị lực phi thường đã giúp họ trở thành những hạt nhân tiêu biểu của toàn xã hội”, đồng chí Nguyễn Khắc Định nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã phối hợp Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam tổ chức hiệu quả chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt”, góp phần lan tỏa, làm sâu sắc những giá trị nhân văn, nhân đạo.

Đồng thời, đề nghị các tổ chức, đơn vị trong thời gian tới tiếp tục chung tay triển khai thêm nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện để người khuyết tật nói chung, thanh niên khuyết tật nói riêng vượt khó để học tập, lao động, sản xuất, trở thành người có ích cho cộng đồng.

Trong đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam cần phối hợp nghiên cứu những chính sách, dịch vụ đặc thù, phù hợp với từng đối tượng người khuyết tật, tạo môi trường để cộng đồng người khuyết tật tham gia mạnh mẽ hơn vào các hoạt động cộng đồng; hoàn chỉnh hệ thống pháp luật để người khuyết tật thực hiện tốt các quyền của bản thân, nhất là quyền bình đẳng.