Người khởi xướng phong trào “Thi đua làm nghìn việc tốt”

Từ thầy giáo làng...

Vâng theo lời kêu gọi thi đua ái quốc của Hồ Chủ tịch, năm 1958, chàng thanh niên 18 tuổi Nguyễn Đức Thìn trở thành thầy giáo làng, phụ trách môn Văn-Sử tại trường cấp II Tam Sơn, Từ Sơn- Bắc Ninh (lúc đó gọi là trường Liên Sơn).

 Tháng 9-1961, ngày khai giảng đầu tiên của năm  học, thầy Thìn cùng chi đoàn giáo viên trường Liên Sơn  thành lập liên đội Thiếu niên tiền phong mang tên Ngô Gia Tự, người chiến sĩ lỗi lạc của Đảng, người con của quê hương Tam Sơn với tinh thần “Thắp sáng ngọn đèn Ngô Gia Tự” với mong muốn học sinh của mình noi gương Ngô Gia Tự.

Cùng với tinh thần thanh niên tình nguyện vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) do Trung ương Đoàn phát động, thầy trò trường Tam Sơn cũng dấy lên cuộc vận động “Đọc và học tập sách báo”, lấy những tấm gương người tốt việc tốt trên báo chí làm tấm gương soi mình.

Cuộc vận động này đã được báo Thiếu niên tiền phong giới thiệu với cái tít mang tính cổ vũ mạnh mẽ “Liên đội nào bắt tay thi đua với Liên Sơn đọc và học tập sách báo?”. Từ đó, thiếu nhi Tam Sơn được giao lưu học hỏi với rất nhiều bạn bè khắp nơi, chẳng mấy chốc thành phong trào sâu rộng trong các trường toàn miền Bắc.

 Đến phép tính của lòng nhân ái

Nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn 26-3, thầy Thìn, Tổng phụ trách đội kiêm Bí thư chi đoàn trường  cùng học sinh trồng cây hai bên đường vào nhà đồng chí Ngô Gia Tự. Ngay sau đó, trong buổi tổng kết, thầy Thìn chính thức phát động phong trào "Thi đua làm nghìn việc tốt" với mơ ước việc tốt được nhân lên thì việc xấu phải hổ mình co lại.

Báo chí hồi ấy tốn khá nhiều giấy mực biểu dương phong trào: "Còn gì tốt đẹp bằng từng đội và mỗi đội viên của chúng ta thi đua làm được nhiều việc tốt, thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy. Mong rằng các liên đội hãy hưởng ứng hoạt động này của liên đội Tam Sơn, phát động phong trào nghìn việc tốt trong trường và thôn, xã mình, làm cho những người tốt, việc tốt nảy nở khắp nơi như một mùa hoa nở rộ…”.

Thầy Thìn luôn tâm niệm: “ Thiếu niên vốn tính hiếu động, năng lượng luôn tự sản sinh. Không dùng vào việc tốt cũng coi như tiêu phí đi, có khi lại làm những việc xấu có hại. Tổ chức giáo dục các em làm nhiều việc tốt là hướng cho các em một đường đời thật tốt đẹp để các em vững bước trong tương lai".

Thầy Thìn cùng các thầy cô giáo bên bức ảnh Bác Hồ
về thăm trường Tam Sơn, trong buổi triển lãm
"Bác Hồ với phong trào thi đua ái quốc" .

Biết bao thế hệ học trò trường Tam Sơn vẫn nằm lòng bài thơ mà thầy Thìn đã dạy như một phép tính của lòng nhân ái. Từ các phép tính cộng, trừ, nhân, chia tưởng chừng như khô khan, thầy đã gieo vào biết bao thế hệ học sinh một niềm tin và sự phấn đấu không ngừng để trở thành một người tốt: “Làm nghìn việc tốt-Cùng trừ việc xấu-Cộng, nhân yêu thương, chia niềm thông cảm”.

Thầy Thìn đã dựa trên nền tảng 5 điều Bác Hồ dạy để phát động phong trào làm nghìn việc tốt. Trong đó, ông lấy điều thứ nhất “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào” là mục đích, tinh thần, thái độ, động cơ, lý trí, tình cảm để có nghị lực, quyết tâm say mê sáng tạo thực hiện tiếp bốn điều sau: ‘Học tập tốt, lao động tốt- Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt-Giữ gìn vệ sinh thật tốt-Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Ông nói, làm được tốt 5 điều này chắc chắn các em sẽ trở thành Cháu ngoan Bác Hồ.

Ngày hội lớn của quê hương

Chính người tổng phụ trách năng nổ và nhiệt tình Nguyễn Đức Thìn cũng không thể tưởng tượng được rằng phong trào ấy chỉ hai tháng sau, đã lan rộng  khắp miền bắc, được không chỉ các em nhỏ mà cả người lớn cũng hưởng ứng nhiệt tình.

 Ngay chính quê hương Tam Sơn của ông, nghìn việc tốt đã trở thành hoạt động xã hội lớn. Từ nhà trường cho tới từng xóm thôn đâu đâu cũng có khẩu hiệu “Lớp học nghìn việc tốt, Xóm thôn nghìn việc tốt” với tinh thần mỗi tháng một chủ điểm, mỗi ngày một cao điểm nghìn việc tốt.

Thầy Thìn nhớ lại: “Trước đây, chỉ có hội đình, hội chùa nhưng kể từ khi có phong trào thi đua làm nghìn việc tốt, ngày 24-3 hằng năm, quê hương tôi còn có thêm một ngày hội lớn. Ngày đó, là ngày già trẻ, gái trai tập trung để báo cáo những thành tích, những việc làm tốt mình đã đạt được trong năm qua".

Bức ảnh "Cổ Pháp tường vân" do thầy giáo Nguyễn Đức Thìn
chụp bằng chiếc máy ảnh CANON cổ lỗ.

Trong ký ức của ông cũng như thầy trò trường Tam Sơn không bao giờ phai mờ hình ảnh vị lãnh tụ dân tộc về thăm trường ngày mồng một Tết năm Đinh Mùi (9-2-1967). Bác căn dặn : “Bác biết các cháu đã làm nghìn việc tốt, thế là tốt. Cần phát huy thành truyền thống. Các cháu hãy đoàn kết, giúp đỡ nhau thi đua học tốt, lao động tốt, cùng làm nghìn việc tốt chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bác mong năm mới các cháu đều tiến bộ hơn năm qua”. Và từ đây, các phong trào như Công tác Trần Quốc Toản, Kế hoạch nhỏ, Giúp đỡ gia đình nghèo khó, Chăm sóc gia đình thương bình liệt sĩ, Kết bạn cùng tiến, Tiếng kẻng khuyến học, Nói lời hay, lam việc tốt, Áo lụa tặng bà, Sạch làng tốt ruộng được học sinh Tam Sơn thực hiện xuất sắc dưới sự chỉ huy của thầy tổng phụ trách.

Bồi hồi và xúc động trong lễ kỷ niệm 45 năm ngày phát động Phong trào thi đua làm nghìn việc tốt, thầy Thìn phát biểu trước bao thế hệ thầy trò trường Tam Sơn: “ 45 năm trước, chỉ có 5 lớp với 141 học sinh, giờ đây trường đã có trên 700 học sinh với 20 lớp học. Cơ sở vật chất khang trang, đội ngũ giáo viên có trình độ hơn nhiều so với thế hệ trước. Duy có một điều không thay đổi, là phong trào thi đua làm nghìn việc tốt chưa một ngày ngơi nghỉ ở nơi đây"

Cô Giáo Ngô Thị Ngọc, hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Các thế hệ thầy trò chúng tôi luôn vinh dự và tự hào khi được dạy và học trên mái trường có bề dày truyền thống thi đua dạy tốt học tốt, trên quê hương phong trào Nghìn việc tốt do thầy Nguyễn Đức Thìn  khởi xướng.

Chúng tôi vẫn phát huy truyền thống trong việc giáo dục các cháu trở thành cháu ngoan Bác Hồ. Hằng tuần các em đều tự giác đánh giá số việc tốt để báo công  vào thứ bảy. Những em làm được nhiều việc tốt, thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy dược biểu dương toàn trường vào sáng chào cờ thứ hai. Hằng năm có tới gần 90% học sinh đạt danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ".

Về hưu viết sử làng

Gần 70 tuổi, đã thôi làm công tác giảng dậy từ lâu nhưng ông vẫn không chịu ngồi yên, ông vẫn nhiệt tình tham gia các công tác xã hội, giữ nhiều chức vụ: Uỷ viên Uỷ ban mặt trận tổ quốc, Uỷ viên hội đồng giáo dục, Uỷ viên hội khuyến học, Uỷ viên Hội văn học-nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh...

Ông còn là Tổ trưởng trong Tiểu ban tuyên truyền Khu di tích Đền Đô. Ngày ngày, ông cần mẫn và say sưa làm hướng dẫn viên du lịch cho khách tham quan nhìn ông luôn bận rộn, năng nổ và hoạt bát với các công việc xã hội, ít ai nghĩ ông từng có thời gian mắc bệnh Phong, phải điều trị ở Tuy Hòa (Quy Nhơn-Bình Định). Vượt qua số phận, những lời dị nghị ông đã chiến thắng bệnh tật, tái hòa nhập với cộng đồng, dẫu di chứng vẫn còn để lại trên một bàn tay co quắp. Nhưng chính từ bàn tay  không còn nguyên vẹn ấy, suốt 20 năm ròng, ông cần mẫn ghi lại sử làng, để rồi một ngày cuốn "Di tích lịch sử Văn  hóa đền Đô" xuất bản với hơn 200 trang trước sự ngỡ ngàng và cảm phục của nhiều người.

Chính ông cũng là tác giả của bức ảnh nổi tiếng  "Đền Đô" mà ông đặt tên là "Cổ Pháp tường vân", nghĩa là giải mây tốt lành trên đình Cổ Pháp. Đến bây giờ, du khách đến Đền Đô được ngắm nhìn bức ảnh ấy treo trên chính điện, đặt trang trọng trong khung kính.    

Lúc rảnh rỗi, thầy giáo già lại dành thời gian trở về trường nói chuyện truyền thống với các em học sinh bởi thầy còn là Tổng phụ trách danh dự của nhiều trường phổ thông trên địa bàn huyện.

Chia tay, thầy cảm động nói: “Nhờ có lời hiệu triệu của Hồ Chủ tịch mà thế hệ chúng tôi say sưa vâng lời Bác sáng tạo và lao động quên mình. Nhờ ơn Đảng ơn Bác, tôi từ một giáo viên trường làng, trở thành một nhà khoa học giáo dục. Lương tâm của một nhà sư phạm thôi thúc tôi sáng tạo nên phong trào thi đua làm nghìn việc tốt. Từ đó, được đi từ Cao Bằng đến mũi Cà Mau nhân rộng phong trào, và tham dự một số hội nghị quốc tế. Được đón nhận những danh hiệu cao quý  của Đảng và Nhà nước trao tặng, có vinh quang nào bằng”.