Sinh năm 1933 tại làng Chàng Sơn, Thạch Thất, Sơn Tây, cảnh vật và con người cũng như những nét bản sắc văn hóa của xứ Đoài đã ngấm vào máu ông lão họa sĩ. Cảm giác chỉ cần nhắm mắt lại, là cụ vẽ ra được những ráng chiều trên nền trời, nổi bật trên đó là những chùa Cả, đền thờ Ngô Quyền, đình làng Hạ, cổng làng, cổng làng Đồi…
Nhà thơ Lương Tử Đức kể lại: “Lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan cuối thời Pháp thuộc, Chu Mạnh Chấn rời quê ra Hà Nội học nghề thợ may.... Ông được giới thiệu vào học trường Mỹ Thuật thủ công mỹ nghệ với giáo trình Mỹ thuật cổ điển châu Âu hướng về thủ công mỹ nghệ Việt Nam thuộc Pháp. Ngay sau khi tốt nghiệp, ông cùng các hoạ sĩ đồng môn, đồng lứa đã đem mọi kiến thức, kỹ thuật hội họa châu Âu ứng dụng vào đời sống sáng tạo nghệ thuật sơn mài Việt Nam. Họ đã sáng tạo hàng trăm mẫu mã, hình vẽ, hoa văn, hoạ tiết truyền thống, hiện đại, hướng dẫn các học viên thủ công mỹ nghệ thực hiện những mẫu mã này. Ngay sau hòa bình lập lại, họa sĩ Chu Mạnh Chấn cùng các họa sĩ đồng môn lại trở thành những giáo viên đầu tiên dạy Mỹ thuật công nghiệp sơn mài tại Trường thủ công mỹ nghệ Hà Đông vừa được thành lập lúc bấy giờ”.
Dạy nghề ứng dụng kỹ thuật sơn mài lên các sản phẩm, nhưng họa sĩ Chu Mạnh Chấn lại được đào tạo bài bản về hội họa, cho nên sáng tác sơn mài là lựa chọn của cụ bên cạnh việc tạo mấu sản phẩm. Những hình ảnh của quê hương từ mái đình, cây đa, lũy tre, đền chùa… cho đến con người, các di sản văn hóa đều được cụ đưa vào các tác phẩm của mình. Tranh của cụ có độ sâu về không gian, độ mở về ánh sáng, được tạo nên từ sự tinh tế trong từng chi tiết. Ở bức “Ca trù” cụ vẽ năm 1980, người xem có thể cảm nhận độ mịn của chiếc áo nhung the, độ bóng của chiếc áo lụa mà các đào nương, quan viên mặc trong tranh. Ở bức “Lâm Dương Quán Đa Sỹ”, có thể thấy ráng hồng của buổi chiều lẫn trong những áng mây còn nhuộm ánh vàng của nắng. Có những bức tranh, nếu nhìn kỹ, có thể thấy cả chi tiết hoa văn trên nền vải thổ cẩm, hoa văn trên nền vải gấm… Qua tranh của cụ, người xem hình dung được một xứ Đoài xưa bình yên, cổ kính.
Tranh của cụ Chu Mạnh Chấn còn là những câu chuyện kể về những nơi cụ từng đặt chân đến, những con người cụ đã gặp: những ông thầy đồ viết chữ nho, những thiếu nữ người Mông ở chợ Bắc Hà (Lào Cai), những phụ nữ giã gạo ở Đạ Oai (Lâm Đồng), bến sông Mã, bản Lạc Mường Vang, phố cổ Hà Nội…
Ở độ tuổi xưa nay hiếm, gần 90, nhưng họa sĩ Chu Mạnh Chấn vẫn cần mẫn với sơn mài. Tuổi cao sức yếu không sáng tác được, thì làm nốt những bức còn dang dở. Ít ai hình dung được, cụ từng làm ra bức “Hội Thầy” khổ lớn 5m, với hàng nghìn chi tiết tỉ mỉ, cẩn trọng như chính bản tính, con người của cụ. Ông lão họa sĩ trở thành người cha tinh thần chung của những người bạn của con trai cụ - họa sĩ, đạo diễn Chu Lượng, trong đó có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, họa sĩ Hoàng A Sáng…
Tự nhận mình là một “hậu bối” đã học hỏi được rất nhiều điều ở lão họa sĩ Chu Mạnh Chấn, họa sĩ Hoàng A Sáng chia sẻ, sơn mài là loại hình hội họa khó, đòi hỏi sự tỉ mỉ, rất nhiều công sức và thời gian. Nhưng cụ lại lựa chọn sơn mài làm con đường sáng tác của mình, và một mực tuân theo đúng những quy định chuẩn chỉ của sơn mài, đầy đủ từng khâu. Và đặc biệt, cụ không sử dụng sơn công nghiệp mới hiện nay cho tiện lợi, mà làm đúng theo lối cũ, dùng sơn ta, mặc cho những công đoạn làm sơn mài từ sơn ta phức tạp, rắc rối và mất nhiều công sức như thế nào.
Họa sĩ Hoàng A Sáng nói: “Mỗi lần chúng tôi đến chơi, ngắm nhìn cách cụ làm việc cũng rất thích. Cụ lặng lẽ, tỉ mẩn, cẩn thận làm, như quên hết chung quanh, chỉ còn tác phẩm trước mặt để hoàn toàn tập trung tâm trí vào đó. Ở độ tuổi gần 90, cụ chính là nguồn cảm hứng, động lực lớn nhất cho anh em chúng tôi trên con đường sáng tạo nghệ thuật”.
Triển lãm cá nhân của cụ ở độ tuổi gần 90 mang tên “Miền ký ức” vừa được gia đình và các bạn bè của con trai cụ - đạo diễn, họa sĩ Chu Lượng tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vừa qua, là nơi để kể những câu chuyện xứ Đoài mà cụ đã âm thầm, lặng lẽ ghi lại bao năm qua. Những câu chuyện đó, nếu không có triển lãm, sẽ chỉ nằm lặng yên ở trong gia đình cậu hoặc trong những bộ sưu tập cá nhân.