Bạn bè đều ngạc nhiên khi Ngọc Diệp (nghệ danh Nina May, thường gọi thân mật là Mây) chuyển vào sống trong một ngôi nhà cổ ở xóm Hè, ngay gần đình làng Mông Phụ. Người ta quen với hình ảnh một nữ nhiếp ảnh gia năng động, nay bắc, mai nam, kia lại thấy những tấm hình cô khoe về cuộc sống đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Nhịp sống làng cổ chậm, mà buồn. Những đêm đầu tiên ngủ trong làng cổ, cô cũng thấy buồn. Đến 9 giờ tối, mọi người đã đóng cửa, không gian ngôi làng tịch mịch. Nhưng chính trong cái yên tĩnh ấy, cô chiêm nghiệm những câu chuyện về làng cổ Đường Lâm.
Hình ảnh về những nếp nhà đá ong, những bậu cửa gỗ, những cây cột lên mầu mưa nắng, những cụ bà răng đen… trôi một cách chầm chậm, chầm chậm trong cô. Ngọc Diệp như nghe được những câu chuyện của làng cổ trong cái tịch mịch ấy. Để rồi, sáng hôm sau, cô dậy từ sớm, xách máy ảnh đi trong sương. Cô “lê la” khắp các xó xỉnh của ngôi làng, chụp những vạt nắng bên chiếc cổng cổ; hay những bà cụ răng đen đang sảy thóc trong sân nhà…
Xuân về dưới nếp nhà cổ xứ Đoài. |
Đã gần 10 năm Ngọc Diệp sáng tác về Đường Lâm. Cô thân quen với người dân trong làng. Đi đâu người làng cũng í ới, người mời nước, người mời ăn quà. Nhưng nửa năm sống cùng người làng, cô hiểu thêm nhiều điều mà những chuyến đi sáng tác chốc lát không có được. Cô tự hào khi người ta bảo: “Bây giờ Mây thuộc ngóc ngách làng cổ hơn người làng rồi”.
Trong một thời gian ngắn cuối năm 2023, đầu năm 2024, Ngọc Diệp đã tổ chức hai cuộc triển lãm ảnh, tất cả đều chung một nội dung về cuộc sống làng cổ Đường Lâm. Mới nhất là triển lãm ảnh trong khuôn khổ chương trình “Tết làng Việt” do Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây, Trung tâm Xúc tiến đầu tư Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội tổ chức. Khách tham quan không khỏi có những phút giây xao xuyến khi ngắm những bức ảnh về làng cổ, nhất là những bức ảnh Tết của Ngọc Diệp.
Tác giả và người dân làng cổ Đường Lâm. |
Dưới mái ngói nâu cổ kính, bên những cây cột nhà nhuốm mầu thời gian, nổi bật lên là sắc đỏ của đôi câu đối, sắc hồng của những cánh đào. Ở đó, có hình ảnh gia đình quây quần gói bánh. Hoặc một bức ảnh khác là hình ảnh những người dân thôn quê rửa lá bánh, vo gạo bên giếng làng, trong khói sương của ngày xuân đang đến bên thềm… Những bức ảnh khiến khách nước ngoài tò mò về cuộc sống, còn người Việt lại xôn xao những ký ức về Tết xưa, về nguồn cội. Còn nhiều bức ảnh khác về những khoảnh khắc cuộc sống ở làng cổ Đường Lâm mà phải là người hiểu, người yêu làng cổ mới nắm bắt được.
Ngọc Diệp sinh năm 1986, ở mảnh đất Kiên Giang, lớn lên ở Thành phố Hồ Chí Minh. Duyên nợ đưa cô gắn bó với đất bắc. Lần đầu đến Đường Lâm cách đây 10 năm, cô đã nhận ra làng cổ Đường Lâm như một “hóa thạch” từ quá khứ. Như bất cứ ai đến đây, Ngọc Diệp cảm thấy như bị mê hoặc khi đi trên những con đường lát gạch đỏ, đi trong những con ngõ mầu vàng nâu của đá ong, hay ngắm những nếp nhà rêu phong trăm năm mưa nắng, những chiếc giếng cổ mà chung quanh đầy những câu chuyện kỳ bí... Ngọc Diệp vội ghi lại những hình ảnh ấy.
Nét đời thường người dân làng cổ. |
Nhưng rồi cô không lưu lại bức nào. Ngọc Diệp chia sẻ: “Nếu chỉ tham quan Đường Lâm trong chốc lát thì những bức hình mới chỉ lột tả được “phần vỏ” của Đường Lâm. Sau lần đầu ấy, em quyết định phải gắn bó với ngôi làng, mình trở thành người làng thì mới thẩm thấu được cái hay, cái đẹp của làng cổ”. Những con người, cảnh vật nơi đây khiến cô sống lại ký ức quê nhà. Cô nhớ những cánh đồng lúa và những nét mộc mạc của ngôi nhà phương nam. Ngọc Diệp coi làng cổ như một chốn đi về. Cô kết thân với người làng, đặc biệt là những cụ già có hàm răng đen nhức hạt na.Những bà Năm, bà Lạc… trở thành nhân vật của cô và cũng coi cô như con cháu trong nhà. Cô chụp những bức ảnh người Đường Lâm ra đồng buổi sớm. Cô chụp cổng làng lúc chiều buông, cô chớp lấy những bức hình khi các cụ già hàn huyên trò chuyện… Và từ tình yêu với mảnh đất hai vua này, tình yêu của cô mở rộng ra đến cuộc sống, đến di sản của cả vùng xứ Đoài.
Thành cổ Sơn Tây trầm mặc qua ống kính Ngọc Diệp. |
Mười năm theo dõi cuộc sống Đường Lâm, cuộc sống người dân xứ Đoài cũng khiến Ngọc Diệp băn khoăn. Không gì thoát được khỏi vòng xoay biến đổi của cuộc sống. Cuộc sống của người dân nơi đây cũng thay đổi khá nhiều. Điều đó khiến cô có thêm động lực chắt chiu, lưu giữ những khoảnh khắc về cuộc sống của người dân làng cổ Đường Lâm, người dân xứ Đoài. Và những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn này, Ngọc Diệp lại một lần nữa “kể chuyện” Tết Đường Lâm, “kể chuyện” xứ Đoài trong một triển lãm ảnh thuộc khuôn khổ chương trình Tết Việt - Tết Phố 2024 trong Khu phố cổ Hà Nội…