Người Hoa trong lòng đất Việt

TP Hồ Chí Minh hiện có dân số hơn bảy triệu người, gồm 52 dân tộc, trong đó người Hoa có hơn 414 nghìn người, chiếm 5,78% dân số toàn thành phố. Ðồng bào Hoa thật sự là một bộ phận không thể tách rời, cùng trải qua những biến đổi của lịch sử, của đời sống kinh tế - xã hội thành phố, cùng chiến đấu hy sinh trong cách mạng giải phóng dân tộc, cũng như thừa hưởng những thuận lợi và thách thức của thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Ðồng chí Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh thăm Công ty Bitis, một doanh nghiệp của người Hoa.
Ðồng chí Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh thăm Công ty Bitis, một doanh nghiệp của người Hoa.

Ðã là máu thịt Việt Nam

Ðồng chí Hà Tăng, nguyên Trưởng Ban Hoa vận TP Hồ Chí Minh nhớ lại những năm tháng kháng chiến: "Năm 1967, Ban Hoa vận Ðặc khu Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Ðịnh đã quán triệt tư tưởng cách mạng tiến công, nhạy bén, sáng tạo trong vận dụng đường lối chiến tranh nhân dân của Ðảng ta, chủ động tổ chức lực lượng vũ trang trong người Hoa, liên tục tổ chức hơn trăm trận nhằm tiêu hao sinh lực địch, tiến công địch một cách linh hoạt, cơ động, táo bạo, bất ngờ. Có những trận đánh đã gây khiếp đảm, kinh hoàng đối với kẻ địch, tạo được tiếng vang lớn trên chiến trường Sài Gòn, lập nhiều chiến công vang dội. Thành tích của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào người Hoa thành phố hết sức vẻ vang. Bên cạnh đó cũng có nhiều hy sinh mất mát: 576 gia đình có công cách mạng là người Hoa (tám Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, bốn AHLLVTND, 236 liệt sĩ, 115 thương binh). Do những thành tích đặc biệt xuất sắc, Ban Hoa vận đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu AHLLVTND. Người Hoa ở Việt Nam đã định cư từ lâu đời, trải qua rất nhiều thế hệ và đã trở thành máu thịt của cộng đồng các dân tộc Việt Nam".

Những năm qua, nhờ có chủ trương, chính sách đúng đắn của Ðảng và Nhà nước, đồng bào người Hoa ngày càng tin tưởng vào đường lối đổi mới; đời sống của đồng bào người Hoa ngày càng ổn định và phát triển; đồng bào Hoa ngày càng đoàn kết, gắn bó với đồng bào các dân tộc khác, tích cực tham gia các tổ chức chính trị xã hội, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tích cực đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố.

Tính đến năm 2013, toàn thành phố có 1.143 cán bộ, công chức, viên chức là người Hoa, gồm 50 cán bộ cấp xã, 129 công chức, 964 viên chức. Số người Hoa được kết nạp vào Ðảng Cộng sản Việt Nam tính đến cuối năm 2013 là 1.331 người, bằng 69,79% số đảng viên là người dân tộc thiểu số của thành phố, chiếm 0,69% đảng viên toàn Ðảng bộ thành phố. Thành phố còn có hai người Hoa là đại biểu Hội đồng nhân dân cấp thành phố (khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016); có một người Hoa là Thành ủy viên.

Ðồng chí Khưu Thiên Thành, Chánh Văn phòng Ban Dân tộc thành phố cho biết: "Cộng đồng người Hoa ở Việt Nam gồm năm nhóm ngôn ngữ chính: Quảng Ðông (nói tiếng Quảng, chiếm khoảng 50%), Triều Châu (nói tiếng Triều Châu, chiếm khoảng 30%), Khách Gia (nói tiếng Hẹ, chiếm khoảng 5%), còn lại là nhóm ngôn ngữ Phúc Kiến và nhóm ngôn ngữ Hải Nam. Tuy nhiên, do sinh ra và trưởng thành qua nhiều thế hệ, người Hoa đã xem Việt Nam là quê hương ruột thịt. Cộng đồng người Kinh và người Hoa sống chan hòa nhau và rất bình đẳng trên mọi phương diện. Một số phong tục hay như múa lân sư rồng, hoa đăng, lễ hội Nguyên tiêu... hay các món ăn độc đáo như mì, bánh hẹ, sa tế... của đồng bào Hoa đã thành niềm yêu thích hoặc món ăn khoái khẩu của người Kinh. Hiện địa phương có đồng bào Hoa sinh sống đông nhất là quận 11: 102.911 người, quận 6: 64.560 người, quận 5: 64.407 người, quận 8: 34.915 người, quận 10: 22.854 người".

Chung sức xây dựng thành phố giàu đẹp

Ðồng chí Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh vui mừng cho biết: Cùng với việc giúp đỡ các hộ nghèo, từ năm 2007 đến nay, thành phố đã dùng nhiều biện pháp xóa nghèo cho 2.005 hộ người Hoa có thu nhập dưới 12 triệu đồng/người/năm. Hiện thành phố đã cơ bản không còn hộ nào nghèo khó. Mặt khác, đồng bào người Hoa còn đóng góp 1,1 tỷ đồng xây dựng "Bia kỷ niệm truyền thống cách mạng người Hoa" trên diện tích 1.000 m2 tại Trung ương Cục miền Nam (Tây Ninh); giữ gìn, duy tu "Bia kỷ niệm truyền thống cách mạng người Hoa", di tích "Cơ sở bí mật của Thành ủy Sài Gòn - Gia Ðịnh".

Ðồng bào người Hoa đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế của thành phố, của đất nước. Các doanh nghiệp người Hoa luôn an tâm, tin tưởng chính sách phát triển kinh tế ngày càng thông thoáng, hoàn thiện, đại đa số doanh nghiệp người Hoa đều vận dụng tốt chính sách khuyến khích phát triển kinh tế của Nhà nước, nắm bắt nhanh thời cơ hội nhập, huy động nguồn vốn và mở rộng thị trường. Có thể kể tên các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp của người Hoa thường nhận các giải thưởng quốc gia và thành phố: Tập đoàn Kinh Ðô, Tập đoàn Hữu Liên Á Châu, Tập đoàn Thái Tuấn, Tập đoàn Thiên Long, Công ty VạnThịnh Phát, Công ty Tân Cường Thành, Doanh nghiệp tư nhân bánh Á Châu ABC,...

Những năm gần đây, đồng bào người Hoa có sự thay đổi lớn về quan niệm giáo dục lập nghiệp. Thay vì xem trọng nghề hơn học chữ như trước đây, ngày càng nhiều gia đình người Hoa có ý thức xem trọng đầu tư giáo dục văn hóa cho con em, đã có nhiều con em người Hoa học hành đến nơi đến chốn, được đào tạo chính quy. Cá biệt, có nhiều em có hai bằng đại học trở lên hoặc có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; nhiều gia đình người Hoa có điều kiện còn cho con em đi đào tạo ở nước ngoài.

Do nhận thức được tầm quan trọng của việc gìn giữ tiếng nói, chữ viết cũng như lợi ích của việc học Hoa văn trong giai đoạn đất nước hội nhập, nhiều bậc phụ huynh đã động viên con em mình học tiếng Hoa và không ít thanh, thiếu niên người Hoa cũng cố gắng học giỏi chữ Việt bên cạnh học tốt chữ Hoa. Trong năm 2013, toàn thành phố có 20 trường tiểu học, tám trường THCS, hai trường THPT có tổ chức giảng dạy môn tiếng Hoa tăng cường với 85 giáo viên, 4.812 học sinh. Ngoài ra, còn có 49 Trung tâm Hoa văn giảng dạy tiếng Hoa tại các quận, huyện. Bên cạnh đó, năm 2013 và quý I-2014, thành phố còn có chính sách riêng để chăm lo đồng bào các dân tộc góp phần an sinh xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân: trao 3.048 suất quà với tổng trị giá 1 tỷ 217 triệu đồng, miễn học phí cho học sinh người Hoa khó khăn...

Với diễn biến tình hình ở Biển Ðông hiện nay, người Hoa ở Việt Nam cũng như đồng bào các dân tộc khác cùng có sự bức xúc như nhau khi chính quyền Trung Quốc ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ông Phùng Kim Lâm, một người Hoa đang giữ kỷ lục "hiến máu nhân đạo nhiều nhất Việt Nam", hiện sinh sống ở phường 5, quận 5, bức xúc: "Người Hoa thế hệ chúng tôi sinh ra tại Việt Nam, lớn lên tại đây, sẻ chia dòng máu này với đồng bào Kinh, Chăm, Khmer... Chúng tôi cùng các dân tộc anh em khác trên đất nước Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan ra khỏi vùng biển chủ quyền của Việt Nam!".