“Người hát rong” trong âm nhạc

Là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung, nhạc sĩ Trần Long Ẩn mang đến cho đời nhiều tác phẩm có giá trị, ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng qua nhiều thế hệ.
0:00 / 0:00
0:00
Tốp ca trình bày ca khúc “Một đời người, một rừng cây” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn.
Tốp ca trình bày ca khúc “Một đời người, một rừng cây” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn.

Chương trình chân dung âm nhạc “Trần Long Ẩn-Tiếng hát từ mặt trời và ánh lửa” do Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vừa diễn ra tại Nhà hát thành phố đã để lại nhiều cảm xúc cho khán giả. Những ai yêu thích ca khúc của người nhạc sĩ tài hoa này đã có dịp thưởng thức lại những tác phẩm tiêu biểu, nổi tiếng một thời của ông, để có thể nhận ra vẻ đẹp trong mỗi ca khúc ấy vẫn còn tỏa sáng đến khán giả hôm nay.

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn là người con của mảnh đất Bình Định. Ông tự nhận mình đến với âm nhạc có phần muộn hơn nhiều nhạc sĩ cùng thế hệ. Dẫu vậy, ngay từ những tác phẩm đầu tay, nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã kịp ghi dấu ấn trong lòng người nghe. Trước năm 1975, ông được biết đến là một thành viên nòng cốt của phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”, như một cách nói lên tiếng nói yêu nước của các thanh niên và nhanh chóng khẳng định được tài năng của mình với ca khúc “Người mẹ Bàn Cờ” mang đậm mầu sắc quê hương và tình yêu đất nước và con người. Bên cạnh đó, những ca khúc “Hoa lục bình”, “Hát trên đường tranh đấu”, “Hành khúc thành phố”,... cũng là những bài hát quen thuộc trong giới sinh viên, học sinh lúc bấy giờ.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Sanh, người bạn, người đồng nghiệp gắn bó với nhạc sĩ Trần Long Ẩn hơn 50 năm, nhớ lại, ông gặp nhạc sĩ Trần Long Ẩn vào năm 1969. Khi đó, ông là Trưởng đoàn văn nghệ học sinh, sinh viên Sài Gòn thì nhạc sĩ Trần Long Ẩn là Trưởng đoàn văn nghệ sinh viên Văn khoa. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Sanh cho biết thêm: Ông và nhạc sĩ Trần Long Ẩn, luôn có mặt trong phong trào ca hát sinh viên, học sinh thành phố, cùng nhau xuống đường, cùng thức đêm không ngủ, ngồi hát cho sinh viên, học sinh nghe. Đến khi vào chiến khu, cả hai người đi học chung một khóa đặc biệt.

Trong chương trình “Trần Long Ẩn-Tiếng hát từ mặt trời và ánh lửa”, khán giả bất ngờ được gặp bác sĩ, ca sĩ Lê Hành, người đầu tiên thể hiện thành công ca khúc nổi tiếng “Tình đất đỏ miền Đông” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn. Chia sẻ cảm nghĩ tại chương trình, bác sĩ Lê Hành xúc động cho biết: Ca khúc “Tình đất đỏ miền Đông” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã giúp ông đoạt giải nhất Tiếng hát những người lao động trẻ Thành phố Hồ Chí Minh năm 1976. Ca khúc này cũng mang tiếng hát của ông đến gần hơn công chúng yêu nhạc. Đặc biệt hơn, chính “Tình đất đỏ miền Đông” đã giúp ca sĩ Lê Hành có vinh dự được biểu diễn chào mừng Đại hội IV của Đảng tại Hà Nội.

Trong giới nhạc sĩ, Trần Long Ẩn được mệnh danh là triết gia trong âm nhạc cách mạng bởi những bài ca của ông vừa có tình vừa triết lý. Những ca khúc nổi tiếng như “Một đời người một rừng cây”, “Tình đất đỏ miền Đông”, “Người mẹ Bàn Cờ”, “Đi về mới có hoa lục bình”, “Chim gọi đàn chim tung cánh trắng”,... cho thấy giai điệu dễ nghe, ca từ sâu sắc, thể hiện được những tình cảm chân thành của tác giả đối với quê hương, đất nước và con người. Với nhạc sĩ Trần Long Ẩn, mỗi ca khúc đều gắn liền với một câu chuyện, câu chuyện đời chung hoặc câu chuyện tình riêng đều là thông điệp đầy lạc quan về con người. Ông đã ước nguyện cả cuộc đời làm một người hát rong, miệt mài hát về những triết lý sống đẹp-triết lý “sống vì mọi người”.

Qua hơn 50 năm sáng tác, ông sở hữu hơn 100 ca khúc với nhiều chủ đề, nhiều phong cách âm nhạc. Nhận xét về con đường sáng tác của nhạc sĩ Trần Long Ẩn, các nhạc sĩ lão thành cho rằng: “Trần Long Ẩn có bản sắc riêng trong ngôn ngữ âm nhạc, giai điệu của anh thường gần gũi với chất liệu âm nhạc miền nam bởi sự chủ tâm khai thác, tìm tòi và có thêm nhiều sáng tạo để biến thành của chính mình”. Nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã được trao tặng nhiều giải thưởng cao quý, trong đó có Huân chương Lao động hạng nhì và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.

Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, nhạc sĩ Trần Long Ẩn luôn có trái tim dành cho đồng bào Nam Bộ, đồng bào cả nước. Ông biết chắt lọc tinh hoa của cuộc sống, trong trái tim luôn có nhịp đập cuộc sống, của nhân dân, từ đó trở thành những nốt nhạc riêng. Đó là tính dân gian, tính nhân dân và tính riêng của nhạc sĩ Trần Long Ẩn. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân thích sự xê dịch của nhạc sĩ Trần Long Ẩn. Ông tích cực đi từ bắc tới nam, ra nước ngoài, đi đến đâu đều để lại dấu ấn qua những tác phẩm của mình ■