Tôi gặp Nguyễn Ngọc Anh vào một buổi sáng. Chỗ chúng tôi chọn là một quán cà-phê ven hồ rất thoáng với những hàng cây xanh phủ bóng. Vẫn vóc dáng đó, tính tình cởi mở đó, kể từ khi chúng tôi gặp nhau lần đầu gần một năm trước. Nhưng tôi nghĩ, ngồi trước mặt mình đã có thể là một nghệ sĩ tuồng nếu như anh theo nghiệp của gia đình; một nghệ sĩ xiếc nếu anh theo đuổi đến cùng việc học và biểu diễn; một võ sư nếu anh theo học võ đường Lâm Sơn Ðộng của chú anh; một nghệ sĩ kèn sona (hay còn gọi là kèn đám hiếu) nếu anh có đủ đất diễn…
Thế nhưng, Ngọc Anh được biết đến nhiều hơn như là một nghệ sĩ sáo, dù anh từng được xem là nghệ sĩ kèn sona số 1 Việt Nam cách đây… chín năm khi ra mắt trong liveshow "Ôi quê tôi" của nhạc sĩ Lê Minh Sơn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chàng trai sinh năm 1982 này có 23 năm gắn bó với nghề, nếm trải đủ mọi cay, đắng, ngọt, bùi. Dẫu công việc này tiếng sáo không giúp anh trở nên giàu có, nhưng anh vẫn coi đó là niềm đam mê, là thú vui và vì tâm niệm âm nhạc thì phải phục vụ cuộc sống, phục vụ mọi người.
Lớn lên ở làng Dương Cốc, xã Ðồng Quang, huyện Quốc Oai, Hà Tây cũ, Ngọc Anh có rất nhiều lựa chọn về nghề nghiệp. Làng anh có hẳn một đội tuồng nổi tiếng ở Hà Tây cũ, hiện là Câu lạc bộ Tuồng Dương Cốc. Bố anh là Nghệ sĩ Ưu tú Ngọc Khánh nổi tiếng với tiếng kèn sona làm say đắm lòng người. Ông Khánh có thể chơi được kèn, sáo, nhị và nhiều nhạc cụ dân tộc nhưng xuất sắc nhất vẫn là kèn, đến mức ông có biệt danh "Khánh kèn" không chỉ để nói về tài năng mà còn sự sáng tạo trong âm nhạc của ông. Có lẽ đây là lý do giúp Ngọc Anh thành công với một nhạc cụ khác trong bộ hơi là sáo. Anh cũng có cơ hội để trở thành một võ sư khi hai người chú của anh là giáo sư, viện sĩ, võ sư Lương Ngọc Huỳnh và võ sư Lương Ngọc Hải thuộc phái Lâm Sơn Ðộng danh tiếng.
Tuy nhiên năm 1993, Ngọc Anh phải tìm đến xiếc để tập luyện do sức khỏe không tốt, thay vì môn võ gia truyền của dòng họ mà võ sư Huỳnh là trưởng môn. Cứ ngỡ bốn năm học xiếc sẽ khiến Ngọc Anh theo đuổi đến cùng môn nghệ thuật biểu diễn.
Thế nhưng, một ngã rẽ trong cuộc đời chàng trai mới 15 tuổi khi anh quyết định gắn bó với cây sáo, thay vì là tác động từ bố anh, một nhạc công của Nhà hát Tuồng Trung ương lúc đó hay ông nội anh, người cũng có thể chơi được nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Muốn thành tài với những cây sáo, tiêu, pí… hay kèn sona, phía trước cậu là cả một chặng đường dài.
Tám năm trời miệt mài ở Học viện Âm nhạc quốc gia, như Ngọc Anh tâm sự thì thời gian trôi nhanh như chớp mắt nhưng đủ để anh xác định âm nhạc chính là sự nghiệp của mình, để anh chứng minh cho gia đình thấy quyết định đúng đắn của bản thân. Và nếu cái nghề biểu diễn nay đây mai đó hay giảng dạy tại Học viện Âm nhạc quốc gia không giúp anh giàu có hơn, nó cũng đã mang lại cho anh một cuộc hôn nhân hạnh phúc với người vợ cũng là đồng nghiệp, hai đứa con xinh xắn, những tấm huy chương vàng tại các cuộc thi và danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú vào tháng 8-2019.
Ngọc Anh có thể trở thành một nghệ sĩ kèn sona sau quãng thời gian ngắn ngủi được bố anh truyền dạy và xuất hiện trên sân khấu của Bài hát Việt với phần biểu diễn ca khúc Giọt sương bay lên do ca sĩ Ngọc Khuê thể hiện. Ai cũng nghĩ, kèn sona chỉ thích hợp trong tuồng hoặc đám hiếu, thế nhưng, Ngọc Anh đã đưa loại kèn này vào âm nhạc hiện đại cùng với bài hát đầu tiên là Ðá trông chồng của nhạc sĩ Lê Minh Sơn. Lúc đó, anh được nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng mời hợp tác phối khí bài hát Ðá trông chồng, trước khi anh gặp nhạc sĩ Lê Minh Sơn. Những gì sau đấy chính là phần biểu diễn kèn sona của chàng trai sinh năm 1982 trong liveshow "Ôi quê tôi" tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tháng 10-2011. Mấy ai dám đưa kèn đám hiếu vào một chương trình nghệ thuật, nhưng nhạc sĩ Lê Minh Sơn lại xem tiếng kèn sona là âm hưởng chủ đạo của tác phẩm Dòng chảy kéo dài 17 phút cùng với dàn trống 20 chiếc.
Thế nhưng, tiếng sáo chính là yếu tố giúp Ngọc Anh thành danh, nhất là sau khi anh giành giải nhất độc tấu sáo cuộc thi Ðộc tấu nhạc cụ dân tộc năm 2008, rồi hai huy chương vàng kèn tại Hội diễn ca múa nhạc toàn quốc năm 2009, năm 2010. Ngọc Anh được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú vào tháng 8-2019, lúc anh mới 37 tuổi và trở thành một trong những nghệ sĩ trẻ nhất được nhận danh hiệu này. Ðược biết thì ở đợt 9 trao tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú cho 312 nghệ sĩ khi đấy, Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long (Hà Nội) có ba nghệ sĩ được công nhận. Ngoài Ngọc Anh và ca sĩ Minh Thu thì nghệ sĩ trống Nguyễn Thành Nam là anh rể của anh cũng được trao danh hiệu này cùng đợt. Ðây thật sự là vinh dự lớn cho nghệ sĩ Ngọc Khánh khi Ngọc Anh và Thành Nam nối tiếp truyền thống biểu diễn nghệ thuật của gia đình.
Vợ anh là nghệ sĩ đàn tam thập lục Bích Ngọc. Họ học cùng nhau tại Học viện Âm nhạc quốc gia, rồi cùng công tác tại Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long, hai người có mặt tại nhiều chương trình nghệ thuật ở trong nước, ngoài nước trong những năm qua. Cậu con trai 9 tuổi cũng mang chút gien nghệ thuật khi bé có thể đánh trống bằng cách xem các clip trên Youtube mà không cần ai dạy. Ngọc Anh cho biết, anh sẽ cho con theo học đánh trống một cách nghiêm túc.
Một dự định khác của chàng trai 38 tuổi này là thực hiện một an-bum hòa tấu sáo trúc, với chủ đề Hà Nội. Tại sao lại là Hà Nội mà không phải chủ đề khác? Ngọc Anh cho biết, anh coi Hà Nội như quê hương thứ hai của mình. Ðấy không hẳn vì vợ anh là người Hà Nội mà vì mảnh đất này giúp anh nuôi dưỡng đam mê với âm nhạc dân tộc. Anh muốn làm một điều gì đó dành tặng nơi anh đã gắn bó, học tập và làm việc nhiều năm qua.
Ngọc Anh đi theo con đường mà ông anh, bố anh từng lựa chọn khi đến với âm nhạc dân tộc. Và chính âm nhạc dân tộc cũng là mạch nguồn góp phần nuôi dưỡng tâm hồn và đam mê nghề nghiệp các thế hệ của gia đình giàu truyền thống với âm nhạc dân tộc này.
MẠNH HÀO