Người dân sống chung với ngập

Đường phố ngập khiến giao thông hỗn loạn, xe chết máy nằm ngổn ngang trên đường, người dân khổ sở tìm đường đi sau cơn mưa… không còn là cảnh tượng xa lạ trên địa bàn thành phố, nhất là vào dịp cuối năm, đợt triều cường đạt đỉnh điểm. Trong khi đó, các cơ quan chức năng thành phố lại hứa hẹn chờ các dự án chống ngập… dài hơi.
0:00 / 0:00
0:00
Nước dâng cao do triều cường trên đường Lê Văn Lương, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn (Ảnh Anh Thế)
Nước dâng cao do triều cường trên đường Lê Văn Lương, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn (Ảnh Anh Thế)

Vật vã với triều cường

Năm nào cũng vậy, nhất là vào khoảng tháng 8 âm lịch, bà Nguyễn Thị Lan (64 tuổi), trú tại hẻm 793/33A đường Trần Xuân Soạn, Quận 7 (đoạn gần chùa Kiều Đàm) dọn sẵn đồ đạc lên cao để tránh triều cường. Tuần trước, ngay đợt triều cường dâng cao bà Lan cùng các con cật lực tát nước rồi dùng bao cát chèn trước cửa ra vào để nước không tràn vào.

Bà Lan chia sẻ: “Người dân ở đây sống cảnh ngập lụt riết cũng quen nhưng bất tiện đủ bề, nhất là sinh hoạt, ăn ngủ. Có lần, mực nước kênh Tẻ dâng cao đến ngang mặt đường Trần Xuân Soạn, mọi sinh hoạt của hộ dân gần như bị đảo lộn, nhiều nhà đành phải mua máy bơm để hút nước từ trong ra bên ngoài. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là phương án “cấp cứu” còn lâu dài phải có cách gì để ngăn thủy triều…”.

Nỗi lo lắng của bà Lan cũng là trăn trở của ông Nguyễn Hữu Tài, ngụ mặt tiền đường Trần Xuân Soạn. Ông Tài ngán ngẩm vì ba tháng cuối năm luôn phải “sống chung với lụt”, có những lúc, nước dâng cao gia đình ông phải chuyển qua Quận 4 bên nhà vợ tá túc tạm. Ông Tài băn khoăn vì thành phố làm dự án ngăn triều với số tiền lên đến 10 nghìn tỷ đồng để chống ngập úng cho phía nam thành phố đã nhiều năm nay nhưng không biết khi nào người dân mới được hưởng lợi từ dự án này.

Ở phía bắc thành phố, khu vực ngập lụt “kinh niên” có thể kể đến là các tuyến đường Lê Văn Thọ, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Khối (đường Cây Trâm cũ), Phan Huy Ích. Chỉ cần mưa lớn kéo dài một giờ đồng hồ, người lưu thông tại đây khó có thể phân biệt được đâu là đường đâu là nhà. Giao thông hỗn loạn, ùn ứ vì ô-tô “thi nhau” chết máy. Cảnh tượng người, xe ngổn ngang, chen chúc gây bất tiện, nhất là vào những giờ tan tầm đã trở nên quen thuộc với người dân khi đi qua những tuyến đường này.

Ông Nguyễn Ngọc Chiểu, sinh sống ngay mặt tiền đường Nguyễn Văn Khối cho biết: Ngập là câu chuyện nói hoài không hết, cứ lặp đi lặp lại hằng năm ở khu vực này vì các điểm ngập “kinh niên” như đường Lê Văn Thọ, Nguyễn Văn Khối, đường số 20… vẫn chưa được giải quyết. Chúng tôi không mong gì hơn là hệ thống thoát nước được thành phố cải tạo, đầu tư đàng hoàng để câu chuyện ngập úng không còn là nỗi ám ảnh của người dân khi trời đổ mưa.

Trong lúc chờ đợi hệ thống thoát nước được cải tạo, bức xúc với tình trạng ngập nước ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt cho nên nhiều hộ dân trên đường Dương Văn Cam, thành phố Thủ Đức đã phải nâng nền từ 50 cm đến hơn một mét so với mặt đường để tránh nước tràn vào nhà mỗi khi đường ngập do mưa lớn. Theo các hộ dân, việc phải nâng nhà là bất đắc dĩ vì nâng nền cao sẽ bất tiện khi ra vào, vừa mất thẩm mỹ, vừa tốn kém nhưng nước lên thì nhà phải lên, giống như câu chuyện “Sơn Tinh Thủy Tinh”…

Hứa hẹn từ các dự án dài hơi

Theo dự báo, đầu tháng 10 năm nay, tại Thành phố Hồ Chí Minh, mức triều tại trạm đo Nhà Bè sông Đồng Điền đạt 1,66 m, trạm Phú An sông Sài Gòn đạt 1,64 m, đều vượt trên báo động 3. Thêm vào đó, trong khung giờ triều cường đạt đỉnh điểm kết hợp mưa có vũ lượng lớn thường xảy ra khiến cho cục diện ngập sẽ rộng hơn. Vậy là ngập nước vẫn là nỗi trăn trở của người dân thành phố.

Ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng thành phố cho biết: Hiện thành phố còn tồn tại 13 điểm ngập nặng gồm các tuyến đường: Lê Đức Thọ, Phan Anh, Bạch Đằng, Hồ Ngọc Lãm, Quốc lộ 13, Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Thảo Điền, Quang Trung, Kha Vạn Cân, Nguyễn Văn Khối (Cây Trâm cũ), Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng. Ngoài ra, có chín tuyến đường ngập do triều (khi đỉnh triều dự báo cao nhất đạt 1,7 m), gồm các tuyến đường: Trần Xuân Soạn, Đào Sư Tích, Lê Văn Lương, Quốc lộ 50, Phạm Hữu Lầu, Huỳnh Tấn Phát, Trịnh Quang Nghị, Nguyễn Thị Thập, Tôn Thất Thuyết.

Theo trung tâm này, để giải quyết ngập do triều ở khu vực các Quận 4, Quận 7, huyện Nhà Bè, thành phố đã đầu tư và triển khai dự án Giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (Giai đoạn 1). Đây cũng được xem là dự án trọng điểm của thành phố. Hiện nay, tiến độ dự án đã đạt hơn 90%, tuy nhiên do vướng mắc một số nội dung liên quan đến phương án thanh toán cho nhà đầu tư nên dự án phải tạm ngưng, chưa thể phát huy tác dụng chống ngập như mục tiêu đề ra.

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố nhận định, việc ngừng thi công dự án này thời gian dài đã gây ra nhiều hệ lụy về tài chính, kinh tế - xã hội đối với nhà đầu tư, thành phố và đặc biệt là người dân trong khu vực chịu tác động của dự án.

Đối với một số dự án chống ngập và hỗ trợ chống ngập được đầu tư mới, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thành phố cho biết: Để giải quyết tình trạng ngập nước tại khu vực quận Gò Vấp, thành phố đã phê duyệt và đầu tư thực hiện các dự án giải quyết điểm ngập có nguồn vốn khoảng 750 tỷ đồng, như Dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ; Dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Lê Đức Thọ (từ đường Phạm Văn Chiêu đến cầu Cụt); Dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Quang Trung (từ đường Phạm Văn Chiêu đến cầu Chợ Cầu); Dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Phan Huy Ích (từ đường Huỳnh Văn Nghệ đến đường Quang Trung).

Tuy nhiên, tất cả những dự án này đều dự kiến khởi công trong quý I/2024, hoàn thành trong năm 2025. Do đó, tình trạng ngập tại các khu vực này sẽ còn tiếp tục diễn ra cho đến khi các dự án hoàn thành.

Ngoài ra, thành phố đang triển khai thực hiện Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương-Bến Cát-Nước Lên nhằm tăng cường khả năng tiêu thoát nước cho khu vực. Thời gian sắp tới, thành phố sẽ tiếp tục ưu tiên bố trí vốn để triển khai thực hiện đối với các dự án nạo vét, cải tạo năm tuyến rạch là Bà Miêng, Cầu Cụt, Chín Xiểng, Ông Bầu, Ông Tổng, qua đó tăng cường khả năng thoát nước cho quận Gò Vấp cũng như khu vực phía bắc thành phố…■