Gương điển hình

Người dân làm giàu từ măng Bát độ

Về Yên Thành, xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện Yên Bình (Yên Bái), gặp anh Hoàng Văn Toan, dân tộc Tày, Trưởng thôn Liên Giáp vừa đi tổng kết vụ sản xuất măng Bát độ của Công ty cổ phần Yên Thành năm 2016 về. Nét mặt tươi vui anh Toan nói, thôn mình có 41 hộ trồng măng, mấy vụ vừa rồi đều bán được giá cao, mỗi hộ được bình quân từ 20 đến 25 triệu đồng, làm có bốn tháng mà nhiều hộ thoát nghèo rồi.

Công nhân Công ty CP Yên Thành chế biến măng tre Bát độ xuất khẩu.
Công nhân Công ty CP Yên Thành chế biến măng tre Bát độ xuất khẩu.

Giống tre Bát độ ưa đất ẩm, mà hồ Thác Bà trên đất huyện Yên Bình và Lục Yên có đến 1.300 hòn đảo lớn nhỏ, cứ ven hồ mà trồng thì măng phát triển tốt. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Yên Bái Trần Ðức Lâm, hiện Yên Bái đã trồng được gần 3.000 ha tre Bát độ (năm 2016 trồng mới đạt 318 ha), năng suất đạt 20 tấn/ha. Sản lượng thu hoạch hơn 50 nghìn tấn măng tươi, nếu tính nhanh bán tại vườn đồi với giá 4.000 đồng/kg măng luộc, cứ 3 kg măng tươi được 1 kg luộc, thì nông dân Yên Bái thu về gần 60 tỷ đồng. Ngoài ra, các cây bổi (cây tre nhỏ phải chặt tạo tán) làm nguyên liệu phục vụ nhà máy giấy hằng năm đạt một triệu cây (khoảng ba nghìn tấn) góp thêm thu nhập cho người trồng tre.

Bén duyên từ năm 2006, Công ty TNHH Vạn Ðạt có 100% vốn nước ngoài, trụ sở chính tại TP Hải Dương (Hải Dương) đã tổ chức liên kết với nông dân huyện Trấn Yên trồng tre Bát độ (hay gọi là tre điềm trúc) lấy măng. Với hình thức liên kết Công ty TNHH Vạn Ðạt ký hợp đồng cho người dân vay vốn không tính lãi bằng giống cây, phân bón và một phần công lao động, thu mua sản phẩm theo giá thị trường.

Còn nông dân chỉ trồng, bán sản phẩm cho công ty, trả nợ bằng việc khấu trừ vào tiền sản phẩm trong ba năm. Thời gian liên kết trong 10 năm, từ 2006 đến 2016. Năm 2006 trồng được 400 ha tại các xã: Kiên Thành, Tân Ðồng, Hưng Khánh, Hưng Thịnh và Hồng Ca, từ năm 2007 đến 2010, ngoài việc mở rộng diện tích ở các xã trên còn phát triển ở các xã: Y Can, Hòa Cuông, mỗi năm trồng mới từ 300 đến 400 ha.

Ðến nay, diện tích Công ty TNHH Vạn Ðạt liên kết trồng tre măng Bát độ với nông dân Trấn Yên được gần 2.000 ha, đủ nguyên liệu măng chế biến xuất khẩu, chấm dứt tình trạng tranh mua tranh bán như trước. Những năm gần đây, nhờ liên kết bền vững với nông dân, doanh nghiệp có lãi, nông dân hưởng lợi, Nhà nước có nguồn thu từ thuế, góp phần đưa độ che phủ của rừng Yên Bái đạt 62%.

Sản phẩm măng sau chế biến của Công ty xuất khẩu 100% sang Ðài Loan (Trung Quốc) với loại măng muối ngọn; thị trường Nhật Bản loại măng óng khô, với đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và giá bán hợp lý, sản xuất đến đâu tiêu thụ hết tới đó. Công ty tạo việc làm cho 180 lao động địa phương, thu nhập đạt gần năm triệu đồng/tháng; ngoài ra, công ty còn tạo việc làm cho hàng nghìn lao động là đồng bào dân tộc thiểu số tại vùng nguyên liệu, ổn định đời sống...