Người dân giám sát cán bộ cơ sở

Chuyên mục kỳ này, xin nhường lời cho ông Nguyễn Văn Lộc (một người dân cư trú tại thôn 6, xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng):
0:00 / 0:00
0:00

Là một cựu chiến binh, sau ngày nước nhà thống nhất, tôi cùng gia đình rời quê hương Hà Tây (Hà Nội) vào miền núi rừng Tây Nguyên này xây dựng vùng kinh tế mới và bây giờ đã trở thành huyện Lâm Hà (Lâm Đồng).

Sinh cơ lập nghiệp ở mảnh đất này hơn 40 năm, tôi chứng kiến sự đổi thay từng ngày trong cuộc sống người dân và vùng quê nơi mình lựa chọn lập nghiệp. Từ một vùng đất hoang sơ, gian khó, quê mới của chúng tôi bây giờ là một vùng nông thôn miền núi khang trang, trù phú. Ánh sáng điện, đường giao thông thảm nhựa đến tận những vùng xa xôi, hẻo lánh nhất. Nhiều công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng; trường học, bệnh viện khang trang.

Những đồi núi cỏ tranh nay đã trở thành những thị tứ, thị trấn hiện đại. Cuộc sống của những người nông dân chúng tôi khởi sắc từng ngày. Nhiều hộ như gia đình chúng tôi, với 5-7 ha cà-phê, thu nhập hằng năm đạt hàng trăm triệu đồng không hiếm ở vùng đất này. Nhà mới khang trang, các phương tiện phục vụ cuộc sống và sản xuất được sắm sanh đầy đủ.

Chúng tôi khẳng định rằng, nếu không có đường lối sáng suốt của Đảng, tính ưu việt của chế độ, sự quan tâm đầu tư của Nhà nước thì những người nông dân và những vùng quê Tây Nguyên xa xôi như chúng tôi thật khó đạt được những thành quả to lớn ấy. Từ đó, những người dân quê tôi vừa chí thú làm ăn, chăm lo cuộc sống, vừa thực hiện tốt trách nhiệm công dân của mình.

Ở một khía cạnh khác, xuất phát từ thực tế địa phương, chúng tôi cũng mạnh dạn bày tỏ suy nghĩ của bản thân. Trước hết, trong công cuộc xây dựng kiến thiết, phát triển đời sống nông thôn mà cụ thể là các chương trình mục tiêu, các dự án, cấp ủy các cấp cần chỉ đạo và giám sát bộ máy cán bộ địa phương một cách sát thực.

Điều đó sẽ giúp bộ máy cấp ủy và chính quyền vững mạnh hơn; tránh những thất thoát và lãng phí tiền của của Nhà nước; đồng thời không làm ảnh hưởng niềm tin của người dân đối với cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Bên cạnh đó, chúng ta đang tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước nên tạo một cơ chế phù hợp để người dân được “giám sát” cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Sự “giám sát” của người dân sẽ giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở “tự chỉnh đốn” mình, biết sống và làm việc xứng đáng với trọng trách, biết “làm theo” gương Bác.

Bởi vì, theo chúng tôi, học tập và nhận thức chỉ là bước khởi đầu, “làm theo” mới thật sự quan trọng và chính người dân ở cơ sở mới là người biết rõ nhất những cán bộ, đảng viên đang sống và làm việc trên địa bàn của mình đã “làm theo” gương Bác như thế nào, đã tự “xây dựng”, “chỉnh đốn” bản thân như thế nào. Điều đó sẽ phát huy ý thức, trách nhiệm của mọi công dân cao hơn, giúp cấp ủy, chính quyền cơ sở trong sạch và vững mạnh hơn.