Người dân Anh loay hoay trong “bão” giá

Người dân Anh đang loay hoay tìm cách vượt cơn bão lạm phát khi giá cả các loại hàng hóa, từ lương thực cho đến năng lượng, đều tăng vọt. Khó khăn chồng chất khi nền kinh tế “xứ sở sương mù” được cảnh báo sắp rơi vào suy thoái.
0:00 / 0:00
0:00

Theo nhà nghiên cứu thị trường NielsenIQ, có chín trong số 10 người Anh được khảo sát cho biết, họ ngày càng phải cân nhắc khi rút ví tiền mua thực phẩm. Việc người dân Anh tiết kiệm chi tiêu khiến doanh số bán hàng tại các siêu thị giảm 4,1% so cùng kỳ năm 2021. Doanh số các mặt hàng thiết yếu cho bữa cơm gia đình như thịt, cá và gia cầm giảm 9,4%, trong khi các mặt hàng gia dụng cũng ghi nhận mức giảm 8,1%, hàng tạp hóa đóng gói giảm 6,4%.

Tháng trước, tập đoàn siêu thị Sainsbury thông báo doanh số bán hàng theo quý giảm 4%. Giám đốc điều hành Simon Roberts quan ngại rằng, áp lực lên ngân sách chi tiêu của các gia đình sẽ tiếp tục gia tăng trong những tháng còn lại của năm.

Siêu thị Asda hồi tháng 6 cho biết, khoảng 20% số khách hàng đang mua sắm ít hơn, đồng thời lựa chọn các mặt hàng mang thương hiệu riêng và bình dân của siêu thị thay vì các sản phẩm có thương hiệu nhưng đắt đỏ nhằm tiết kiệm tiền. Xu hướng này cũng được ghi nhận ở tập đoàn siêu thị Tesco, khi người tiêu dùng mua sắm ít hơn, chuyển sang sử dụng các sản phẩm rẻ hơn.

Chuỗi cửa hàng bánh mỳ và thức ăn nhanh Greggs Plc, vốn nổi tiếng với món bánh mỳ cuộn xúc xích, cho biết nhiều người Anh có xu hướng lựa chọn bữa sáng đơn giản và ít tiền. Theo công ty, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt cũng có thể thúc đẩy nhóm tiêu dùng mới khi mọi người dần ít lui tới các cửa hàng sang trọng.

Về lĩnh vực nhà ở, hãng cung cấp vật liệu xây dựng Travis Perkins từng được hưởng lợi từ sự gia tăng nhu cầu đối với các công cụ cải tạo nhà cửa khi người dân Anh làm việc tại nhà trong thời gian lệnh phong tỏa được áp đặt để chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, công ty này dự đoán, thị trường kinh doanh các trang thiết bị, dụng cụ xây dựng cảnh quan và cải tạo nhà ở đang có xu hướng chững lại. Công ty đang có kế hoạch tập trung cắt giảm lượng hàng dự trữ do nguồn cung vượt cầu.

Công ty xây dựng lớn thứ ba nước Anh Taylor Wimpey dự báo, tiết kiệm năng lượng đang ngày càng trở thành một trong những tiêu chí hàng đầu đối với những người mua nhà tương lai vì các hóa đơn điện, khí đốt ước tính sẽ tăng chóng mặt, lên 70% trong tháng 10 tới.

Công ty nghiên cứu Cornwall Insight cho biết, giá trần nhiên liệu của Anh dự báo sẽ tăng lên hơn 4.200 bảng (5.100 USD)/năm vào tháng 1/2023, đạt tỷ lệ tăng 230% so năm 2021, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng phí sinh hoạt tại “xứ sở sương mù”. Theo ước tính mới nhất, mức trần đối với các hợp đồng mua năng lượng của các gia đình dự báo sẽ tăng 82% trong tháng 10, nâng tổng hóa đơn thanh toán khí đốt và điện trung bình lên 3.582 bảng, do giá bán buôn tăng và những thay đổi trong cách tính toán các mức trần. Mức này dự báo sẽ tăng lên 4.266 bảng/năm vào tháng 1/2023 so dự báo trước đây là 3.616 bảng.

Theo số liệu Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) công bố, kinh tế Anh giảm trong quý II năm nay. Theo ONS, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia vừa chia tay “mái nhà chung” Liên minh châu Âu (EU) giảm 0,1% vào quý II, sau khi tăng 0,8% trong ba tháng trước đó.

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cảnh báo, nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu có nguy cơ rơi vào suy thoái kéo dài kể từ cuối năm nay khi người dân Anh tiếp tục phải hứng chịu cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt cùng với lạm phát lên tới 13%, mức cao nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Giám đốc bộ phận thống kê kinh tế của ONS Darren Morgan cho rằng, giá các loại hàng hóa tăng chóng mặt trong khi ngân sách của các gia đình vẫn “giậm chân tại chỗ” là nguyên nhân chính khiến kinh tế Anh suy giảm và nhiều nhà bán lẻ rơi vào khó khăn.

Bộ trưởng Tài chính Anh Nadhim Zahawi cho biết, sẽ sớm làm việc với BoE nhằm kiềm chế lạm phát và khôi phục tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên điều khó là, quỹ thời gian nắm quyền của Thủ tướng Boris Johnson còn quá ít ỏi khi rời nhiệm sở vào tháng 9 tới, khiến ông không thể triển khai các biện pháp can thiệp tài chính quy mô lớn và dài hơi.