Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống yêu nước nồng nàn, mà trước khi là người tín hữu họ đã là người Việt Nam, cho nên người công giáo cũng mang trong huyết quản của mình dòng máu Lạc Hồng, cũng tràn đầy tinh thần dân tộc yêu nước thiết tha và thể hiện lòng yêu nước, tinh thần dân tộc đó dưới một bản sắc riêng.
Để tập hợp và phát huy sức mạnh của đồng bào các tôn giáo, trong đó có giới công giáo trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, ngay từ những văn kiện đầu tiên của Đảng, đã đưa ra chủ trương "dần dần cách mạng hóa quần chúng, mà lại bảo đảm tự do tín ngưỡng của quần chúng, đập tan luận điệu phản tuyên truyền: cộng sản là vô chính phủ, vô gia đình, vô tôn giáo"(1).
Cách mạng Tháng 8-1945 thành công đã thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước vẫn âm ỷ cháy trong cộng đồng công giáo thành một cao trào sâu rộng. Hàng trăm nghìn đồng bào công giáo ở Vinh, Huế, Thái Bình đã xuống đường biểu tình ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh. Cả bốn giám mục người Việt Nam lúc đó đã cùng ký tên vào bức điện văn gửi Tòa thánh và Ki-tô hữu toàn thế giới, yêu cầu ủng hộ nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng thời bày tỏ quyết tâm bảo vệ đất nước đến cùng. Các giám mục, linh mục và giáo dân ở Vinh, Hà Tĩnh, Quảng Bình đã gửi thư lên Chủ tịch Hồ Chí Minh cam kết: "Dù phải hy sinh xương máu để kiến thiết một nước nhà tự do hạnh phúc hoàn toàn, thì chúng tôi cũng sẵn sàng không ngần ngại"(2). Nhiều giám mục, linh mục, giáo dân đã ra gánh vác những trọng trách của chính quyền nhân dân buổi đầu trứng nước như các giám mục Hồ Ngọc Cẩn là Cố vấn Chính phủ; linh mục Phạm Bá Trực là Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội; các ông Vũ Đình Hòe là Bộ trưởng Giáo dục, Vũ Đình Tụng làm Bộ trưởng Y tế, Nguyễn Mạnh Hà là Bộ trưởng Kinh tế...
Từ ngày 8 đến 11-3-1955, 191 đại biểu, trong đó có 46 linh mục, tám tu sĩ và 137 giáo dân đã về thủ đô Hà Nội dự Đại hội thành lập Ủy ban Liên lạc những người công giáo Việt Nam yêu Tổ quốc, yêu hòa bình, với tôn chỉ là: Nâng cao tinh thần kính Chúa, yêu nước của người công giáo. Cùng toàn dân củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất đất nước bằng tổng tuyển cử tự do, tạo điều kiện để hoàn thành độc lập dân chủ trong toàn quốc. Đoàn kết với toàn dân, đập tan mọi âm mưu lợi dụng tôn giáo của đế quốc. Tôn chỉ đúng đắn đó đã mau chóng được sự tán thành của nhiều giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân cả nước.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc thắng lợi bằng chiến thắng vĩ đại ngày 30-4-1975, đã đưa non sông đất nước ta thống nhất thành một dải và bức thư chung tháng 5-1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam với đường hướng "Sống phúc âm giữa lòng dân tộc" đã mở ra thời kỳ mới cho tổ chức và phong trào yêu nước của người công giáo Việt Nam. Điều này đòi hỏi phải đổi mới cả về tổ chức và chỉ đạo phong trào để đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới. Vì vậy, Hội nghị mở rộng của Ủy ban đã họp ở TP Hồ Chí Minh từ ngày 24 đến 26-8-1983. Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình đã đến dự và phát biểu ý kiến động viên phong trào. Hội nghị đã quyết định mở Đại hội toàn quốc những người công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình tại thủ đô Hà Nội. Và, Đại hội lần thứ nhất ngày 8-11-1983. Từ đó đến nay, đã thêm ba kỳ đại hội nữa, số đại biểu tham dự đại hội ngày càng đông và số linh mục, tu sĩ có mặt trong ủy ban.
Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ủy ban suốt nửa thế kỷ vừa qua luôn đặt ra là kiên quyết đấu tranh vạch trần những âm mưu lợi dụng tôn giáo, chia rẽ của kẻ địch, tập hợp đông đảo đồng bào công giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh của giới công giáo và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, theo lời Chủ tịch Hồ Chí Minh "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" hàng trăm nghìn thanh niên công giáo đã lên đường đánh giặc. Chỉ tính riêng tỉnh Nam Định và Ninh Bình, trong các cuộc kháng chiến cứu nước, có 600 nghìn người công giáo, thì trong các cuộc chiến tranh vệ quốc đã có 59.833 thanh niên nhập ngũ, 6.948 người là liệt sĩ, 3.042 người là thương binh. Nhiều người được phong danh hiệu Anh hùng LLVTND như Trần Văn Chuông, Khúc Văn Lượng, Đỗ Văn Chiến, Phạm Quang Hạnh, Nguyễn Văn Hiếu, Nguyễn Thị Nho...
Khi cả nước thống nhất, được hướng dẫn của các giám mục qua Thư chung 1980 "quyết tâm gắn bó với vận mạng quê hương, đồng hành với dân tộc, phục vụ hạnh phúc đồng bào", giới công giáo càng thêm vững tin vào con đường đồng hành với dân tộc mà mình đã chọn lựa nên đã cùng với đồng bào cả nước thi đua lao động xây dựng đất nước sau chiến tranh. Nhất là khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới, thì phong trào yêu nước lại có thêm động lực mới, vì các khả năng của giới công giáo được phát huy. Người công giáo bây giờ có mặt trong mọi lĩnh vực của đời sống tham gia giữ nhiều trọng trách từ tổ dân phố đến đại biểu Quốc hội. Thế mạnh của giới công giáo là từ thiện nhân đạo bây giờ được hoạt động với rất nhiều hình thức phong phú từ lập quỹ khuyến học, cấp học bổng cho các học sinh, sinh viên nghèo, đến quy tụ các trẻ em đường phố vào lớp học chữ, học nghề...
Nhờ phong trào yêu nước của người công giáo được đẩy mạnh mà đã làm xuất hiện rất nhiều tấm gương cá nhân cũng như tập thể công giáo tiêu biểu được cả nước biết đến như các Trung tâm Mai Hòa, Thiên Phước, chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS, nạn nhân chất độc da cam ở TP Hồ Chí Minh; dòng Nữ tử Bác ái Vinh Sơn với nhiều hoạt động từ thiện nhân đạo; chị Trần Thị Mai (Quảng Bình) dũng cảm hy sinh để cứu người bị nạn, đã được truy tặng danh hiệu liệt sĩ; hay anh Nguyễn Văn Mỳ (Quảng Trạch, Quảng Bình) dù mù hai mắt vẫn cần mẫn hằng ngày theo dõi thời tiết để báo cho bà con đi biển được an toàn. Ủy ban đã làm tốt vai trò cầu nối giữa đạo và đời. Ủy ban đã nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của giáo dân, chủ động đề xuất với chính quyền địa phương đáp ứng các nhu cầu về xây, sửa nhà thờ, hay các sinh hoạt tôn giáo khác. Có được bầu khí thông thoáng hiện nay giữa đạo và đời là có sự đóng góp của ủy ban qua nhiều thời kỳ.
ĐỂ có thể thu hút được đông đảo đồng bào công giáo hưởng ứng các phong trào do ủy ban phát động, ủy ban luôn có nhiều phong trào, hình thức phù hợp, như "Toàn dân đoàn kết đấu tranh giải phóng miền nam thống nhất đất nước", "Toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa mới ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo", "Xây dựng xứ họ đạo tiên tiến, gương mẫu"... Nhờ vậy, phong trào không những được sự ủng hộ của chính quyền, Mặt trận các cấp mà còn thu hút được sự tham gia của nhiều đồng bào có đạo. TP Hồ Chí Minh năm 2004 có 52 khu phố, 55 khu dân cư có đông đồng bào công giáo được công nhận khu dân cư văn hóa... Hoạt động đó đã biến đường lối "đồng hành cùng dân tộc" của các giám mục, linh mục thành việc làm cụ thể và dấn thân cho công tác xã hội, bác ái cũng là truyền giáo trong thời đại mới.
Hoạt động của ủy ban cũng như phong trào yêu nước nơi đồng bào công giáo ngày càng được sự ủng hộ và cộng tác của nhiều giám mục trong cả nước. Các giám mục không chỉ tham gia viết bài trên các tờ báo Người công giáo Việt Nam, Công giáo và dân tộc..., mà còn cho phép, cổ vũ các linh mục tham gia vào ủy ban ngày càng đông. Hiện nay, có 460 linh mục tham gia UBĐKCGVN các cấp, chiếm 1/6 số linh mục trong cả nước. Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 50/61 ủy viên ủy ban nhiệm kỳ 2002-2007 là linh mục.
Về phía ủy ban cũng ngày càng lớn mạnh cả về quy mô và chất lượng hoạt động. Ủy ban đã vươn cơ sở ra 38 tỉnh, thành phố. Có nhiều nơi đã có ban đoàn kết công giáo ở cấp quận, huyện. Chính vì những thành tích to lớn trên đây mà Đảng và Nhà nước đã tặng nhiều phần thưởng cho tổ chức và phong trào yêu nước của người công giáo Việt Nam trong thời gian qua như Huân chương Độc lập hạng nhất (năm 1983) và Huân chương Hồ Chí Minh đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập ủy ban.
-----------------
1- Văn kiện Đảng về Mặt trận dân tộc thống nhất VN, tập 1, H. 1999, tr.64-65
2- Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào công giáo - Huy Thông tuyển chọn và giới thiệu, Nxb CTQG 2004, tr.41