Ngọt ngào mùa na Chi Lăng

NDO -

Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng khi bước vào mùa thu hoạch na, bà con nông dân trên đất ải Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) vẫn phấn khởi vui mừng vì vụ na năm nay vừa được mùa, lại trúng giá.

Chợ na Đồng Bành, thị trấn Chi Lăng, luôn tấp nập người mua, kẻ bán.
Chợ na Đồng Bành, thị trấn Chi Lăng, luôn tấp nập người mua, kẻ bán.

Anh Hoàng Văn Chức ở thôn Lũng Cút, thị trấn Đồng Mỏ (Chi Lăng) vui mừng chia sẻ, gia đình anh trồng na từ năm 2003, đến nay, vườn na có hơn 2.000 cây đều cho thu hoạch. Nếu bình quân mỗi cây cho thu hoạch từ 10 kg trở lên thì vụ na năm nay gia đình sẽ thu về hơn 10 tấn na, với giá bán dao động từ 20.000 đồng/kg (loại 8-10 quả/kg) đến 70.000 đồng/kg (loại 2-3 quả/kg). Trừ mọi chi phí, gia đình cầm chắc trong tay từ 250 đến 300 triệu đồng vụ na này, hái đến đâu đều bán hết trong ngày. Nhiều tư thương đến tận vườn thu mua...

Ngọt ngào mùa na Chi Lăng -0

Một góc chợ na Đồng Bành.

Chị Lý Thị Vân ở thị trấn Chi Lăng, vui vẻ nói: từ 4 giờ sáng, cả nhà đã vội vã lên núi hái na, đến 9-10 giờ mới gánh na về đến chợ kịp giao cho tư thương. Na được hái buổi sáng trông đẹp mắt, hơi sương vẫn còn đọng trên quả nên bán lúc nào cũng được giá. Cây na dễ trồng, chỉ sau ba năm trồng cây đã bói quả, nhưng phải dày công chăm sóc thì quả na mới đẹp, to. Mấy năm gần đây, người tiêu dùng lại ưa chuộng quả na bở. Cây na bở dễ chăm sóc hơn na dai và cũng ít sâu bệnh hơn, trong khi đó giá bán lại cao hơn na dai bình quân từ 30 đến 80 nghìn đồng/kg. Vì vậy, gia đình đang đầu tư vào trồng cây na bở.

Mới vào vụ thu hoạch na gần nửa tháng nay, nhưng hằng ngày chợ na Đồng Bành, (thị trấn Chi Lăng) luôn tấp nập người mua, kẻ bán từ sáng đến trưa. Anh Đặng Thanh Hà, ở thành phố Thái Bình (tỉnh Thái Bình) hồ hởi cho biết, từ nửa đêm, anh đã chạy xe từ Thái Bình lên để kịp mua na, rồi lại về sớm để còn giao hàng. Mỗi chuyến xe trở được sáu tấn na, về giao bán sạch trong ngày, rồi nửa đêm lại lên chợ Đồng Bành lấy na. Vụ na năm ngoái anh tiêu thụ hơn 200 tấn na Chi Lăng, năm nay phấn đấu nhiều hơn, vì na bây giờ mới vào đầu vụ, lại được người tiêu dùng ưa chuộng...

Ngọt ngào mùa na Chi Lăng -0
Người dân trồng na ở thôn Lũng Than, thị trấn Đồng Mỏ phấn khởi thu hoạch na.

Theo, Chủ tịch UBND xã Chi Lăng, ông Hoàng Văn Khai, xã Chi Lăng là vùng trọng điểm của vùng na huyện Chi Lăng, nhiều gia đình có 0,5-3 héc-ta na, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Hiện nay, toàn xã có hơn 355 héc-ta na. Trong đó có 120 héc-ta được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và tiêu chuẩn GlobaIGAP. Những diện tích còn lại đều thực hiện sản xuất theo hướng an toàn. Vụ na năm nay, toàn xã ước thu được hơn 4.500 tấn quả na. Cây na thật sự là cây xóa đói, giảm nghèo, giúp nhiều hộ gia đình có cuộc sống ổn định, sau đó góp công sức, tiền của, hiến đất xây dựng công trình hạ tầng giao thông, nhà văn hóa... Nhờ đó, từ năm 2014, xã Chi Lăng trở thành một trong những xã đầu tiên trong tỉnh hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới và hiện nay đang là xã kiểu mẫu nông thôn mới của tỉnh.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới của huyện Chi Lăng, ông Lương Thành Chung cho biết, đến năm 2020, diện tích sản xuất na là hơn 1.860 héc-ta, trong đó, diện tích cho sản phẩm khoảng 1.600 héc-ta, năng suất hơn 101 tạ/héc-ta, sản lượng ước đạt trên 16 nghìn tấn, bảo đảm đời sống dân sinh cho khoảng 3.500 hộ dân tại tám xã, thị trấn gồm: thị trấn Chi Lăng, thị trấn Đồng Mỏ; các xã Chi Lăng, Mai Sao, Y Tịch, Hòa Bình, Thượng Cường, Vạn Linh và các vùng lân cận.

Để nâng cao giá trị sản phẩm, những năm gần đây huyện Chi Lăng chú trọng các biện pháp, phát triển sản xuất na theo hướng na an toàn. Đến nay, huyện đã triển khai sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap đạt hơn 406 héc-ta; còn lại khoảng 1.430 héc-ta sản xuất na an toàn thực phẩm. Có được kết quả này, những năm gần đây, chính quyền, ngành chuyên môn của huyện phối hợp với các xã, thị trấn thực hiện các giải pháp: tuyên truyền, tập huấn kiến thức về trồng na; tổ chức tập huấn kỹ thuật; xây dựng bẩy vườn mẫu tại các xã có na; bằng các nguồn vốn xây dựng mô hình vườn mẫu, hỗ trợ bẫy bả ruồi vàng; tổ chức ký cam kết với người dân thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn na an toàn...; thực hiện hỗ trợ về bao bì đóng gói sản phẩm Na Chi Lăng; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm...

Na Chi Lăng những năm gần đây, không chỉ tiêu thụ trong nước mà bước đầu đã xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, với số lượng còn kiêm tốn. Tại chợ bờ sông Kỳ Cùng, mỗi buổi sáng từ ba đến bốn giờ, nhiều hộ trồng na ở xã Mai Sao, (Chi Lăng) trực tiếp vận chuyển na lên giao bán cho các tư thương để xuất khẩu tiểu ngạch sang biên giới. Chị Nguyễn Thị Vân, ở thị trấn Đồng Đăng (Cao Lộc) chuyên làm đại lý thu mua hàng nông sản, chia sẻ, năm nay do có dịch Covid-19, các tư thương bên Trung Quốc không vào trực tiếp mua na được, nên mình phải thu gom rồi vận chuyển lên biên giới để giao hàng, mỗi ngày cũng được vài chục tấn na...   

Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng, Vi Nông Trường khẳng định: Để phát triển trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP, na an toàn, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, tập trung kết nối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp liên quan đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ; xây dựng các vườn mẫu để tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm; vinh danh người dân sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP.

Với sự đầu tư theo hướng sản xuất nông nghiệp tốt, sản phẩm na Chi Lăng đã được Tổng Hội nông nghiệp Việt Nam trao danh hiệu “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2018”. Năm 2011, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã ra Quyết định cấp giấy đăng ký nhãn hiệu: "Na Chi Lăng". Đến năm 2013, na Chi Lăng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đưa vào danh sách 50 cây đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam.  

Những năm gần đây, huyện Chi Lăng đang xúc tiến, thực hiện các thủ tục tìm đường xuất khẩu na chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.