Ngoại giao Việt Nam với công cuộc hồi sinh và phát triển đất nước Cam-pu-chia anh em

Cách đây đúng 40 năm, sát cánh cùng quân tình nguyện Việt Nam, quân và dân Cam-pu-chia đã đập tan chế độ Khmer Đỏ, giải phóng đất nước khỏi thảm họa diệt chủng. Chiến thắng ngày 7-1-1979 đã đi vào lịch sử như một mốc son của tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung và tình hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam - Cam-pu-chia.

Hàng chục nghìn người dân Thủ đô Phnôm Pênh lưu luyến tiễn đưa quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế trở về nước, tháng 6-1984. Ảnh: TTXVN
Hàng chục nghìn người dân Thủ đô Phnôm Pênh lưu luyến tiễn đưa quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế trở về nước, tháng 6-1984. Ảnh: TTXVN

Từ những năm tháng không thể nào quên ấy cho đến tận ngày hôm nay, Việt Nam luôn đồng hành với Cam-pu-chia, chung tay góp sức vào công cuộc hồi sinh và phát triển của đất nước Chùa Tháp anh em. Trong đó, hòa cùng với xương máu của hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ bộ đội tình nguyện, những đóng góp quan trọng của Ngoại giao Việt Nam đã góp phần tô thắm thêm những trang sử vàng của lịch sử quan hệ gắn bó mật thiết giữa hai dân tộc Việt Nam và Cam-pu-chia.

Cùng vững vàng trong gian khó

Năm 2017, nhân dịp thăm lại những nơi đặt chân đầu tiên đến Việt Nam bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước, lật đổ ách diệt chủng Khmer Đỏ để tìm lại tương lai cho dân tộc Cam-pu-chia, Thủ tướng Cam-pu-chia Hun Xen đã xúc động khẳng định: Không có sự giúp đỡ của Việt Nam thì Cam-pu-chia không có ngày nay, dứt khoát là thế.

Thật vậy, sau chiến thắng ngày 7-1-1979, chính quyền non trẻ của một nước Cam-pu-chia mới bắt đầu hồi sinh sau những năm tháng bi thảm đứng trước muôn vàn khó khăn, trở ngại. Vai kề vai cùng nhân dân Cam-pu-chia anh em, hàng chục nghìn chiến sĩ quân tình nguyện, hàng nghìn chuyên gia Việt Nam về nhiều lĩnh vực, trong đó có những cán bộ ngoại giao đã phát huy vai trò quan trọng trong việc góp phần giúp quân và dân Cam-pu-chia bảo vệ thành quả cách mạng. Ngay sau ngày 7-1-1979, giữa bộn bề những công việc để gây dựng lại bộ máy từ con số không, các lớp bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ và kinh nghiệm đối ngoại cho cán bộ ngoại giao Cam-pu-chia được tổ chức do một số đồng chí lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam trực tiếp tham gia. Nhiều thế hệ cán bộ ngoại giao Cam-pu-chia đã trưởng thành đi lên từ những ngày đầu khó khăn ấy.

Trong những năm tháng cam go nhất, khi vấn đề Cam-pu-chia luôn là chủ đề nóng ở các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là tại Liên hợp quốc, Ngoại giao Việt Nam đã cùng Cam-pu-chia bền bỉ đấu tranh phá thế bao vây, cô lập, cùng phối hợp chủ động đẩy mạnh thông tin để thế giới thấy rõ bản chất dã man tàn bạo của chế độ diệt chủng Pôn Pốt và tội ác mà chúng gây ra đối với nhân dân Việt Nam và nhân dân Cam-pu-chia, đồng thời phản ánh đúng sự thật về tinh thần vô tư, trong sáng của Việt Nam trong việc thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả tại Cam-pu-chia, giúp dư luận tiến bộ trên thế giới hiểu rõ chính nghĩa và lẽ phải. Nhờ đó, hai nước đã dần tranh thủ được dư luận đồng tình, ủng hộ và ngăn chặn những mưu đồ của một số thế lực bên ngoài lợi dụng vấn đề Cam-pu-chia để can thiệp vào công việc nội bộ của Cam-pu-chia và phá hoại quan hệ Việt Nam - Cam-pu-chia. Kết quả là chỉ sau một thời gian ngắn, đến năm 1980 đã có 36 quốc gia ủng hộ và chính thức công nhận Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Cam-pu-chia.

Suốt hơn một thập kỷ tiếp theo, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến rất phức tạp, trong tất cả các kênh hợp tác và đấu tranh ngoại giao song phương và đa phương, Việt Nam kiên định ủng hộ Cam-pu-chia củng cố và giữ nguyên trạng chính quyền và quân đội của Cộng hòa Nhân dân Cam-pu-chia để ngăn chặn sự quay lại của chế độ diệt chủng, kiên quyết loại bỏ Khmer Đỏ khỏi Liên hợp quốc, đồng thời nỗ lực tìm kiếm một giải pháp chính trị cho vấn đề Cam-pu-chia. Việt Nam đã tích cực tham gia vào các cuộc đàm phán về vấn đề Cam-pu-chia gồm Cuộc gặp không chính thức tại Gia-các-ta (JIM 1 vào tháng 7-1988, JIM 2 vào tháng 2-1989), Hội nghị Pa-ri về Cam-pu-chia (tháng 8-1989), Hội nghị không chính thức về Cam-pu-chia (Gia-các-ta, tháng 2-1990)…

Sự đấu tranh kiên trì, bền bỉ của Việt Nam và Nhà nước Cam-pu-chia đã đưa đến kết quả là Hiệp định Pa-ri về Cam-pu-chia năm 1991 được ký kết, theo đó nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Cam-pu-chia được bảo đảm, tính trung lập và thống nhất dân tộc của Cam-pu-chia đã cơ bản được các bên cam kết tôn trọng. Trong quá trình đàm phán dẫn đến Hiệp định Pa-ri tháng 10-1991, Ngoại giao Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Nhà nước Cam-pu-chia đấu tranh bảo vệ các thành quả cách mạng đạt được. Những kinh nghiệm quý báu và nhiều tài liệu quan trọng mà nền ngoại giao Việt Nam tích lũy được qua các Hội nghị quốc tế về Đông Dương trong các năm 1954, 1962, 1973 đã được chia sẻ với Cam-pu-chia, góp phần giúp nhân dân Cam-pu-chia anh em giành được kết quả thuận lợi nhất có thể trên bàn đàm phán.

Hiệp định Pa-ri về Cam-pu-chia được ký kết đã chấm dứt hoàn toàn vấn đề Cam-pu-chia kéo dài hơn một thập kỷ. Các kết quả đạt được của việc ký Hiệp định Pa-ri là tiền đề quan trọng đưa quan hệ hai nước bước sang một trang mới trên cơ sở một nước Cam-pu-chia thật sự có độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và được quốc tế công nhận hoàn toàn.

Đồng hành trên chặng đường hội nhập và phát triển

Nhìn lại lịch sử 40 năm qua, từ chỗ đất nước bị tàn phá nặng nề bởi nạn diệt chủng và bắt đầu hồi sinh từ con số không, ngày nay Cam-pu-chia đang phát triển mạnh mẽ, chính trị - xã hội ổn định, kinh tế tăng trưởng cao với tốc độ trung bình 7%/năm, vai trò và vị thế không ngừng được nâng cao ở khu vực và trên trường quốc tế. Trong suốt quá trình đó, Việt Nam luôn coi trọng và làm hết sức mình vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai nước; thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế, văn hóa, xã hội, sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm và phối hợp trên nhiều lĩnh vực phù hợp với lợi ích và khả năng của mỗi nước.

Cùng với quá trình đổi mới, mở cửa và hội nhập của mình, Việt Nam đã tích cực ủng hộ và giúp đỡ Cam-pu-chia hội nhập vào khu vực và thế giới. Sau khi gia nhập ASEAN năm 1995, Việt Nam là nước ủng hộ mạnh mẽ nhất và đã kiên trì vận động, vượt qua không ít khó khăn để ASEAN kết nạp Cam-pu-chia làm thành viên ASEAN. Tháng 4-1999, lễ kết nạp Cam-pu-chia vào ASEAN đã được long trọng tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, hiện thực hóa giấc mơ ASEAN-10, góp phần đưa Đông - Nam Á từ chỗ chia rẽ, đối đầu trở thành anh em chung một nhà. Việt Nam cũng đã tích cực ủng hộ và hỗ trợ Cam-pu-chia trở thành thành viên ASEM năm 2004, lần đầu tổ chức đối thoại không chính thức APEC - ASEAN tại Đà Nẵng với sự tham gia của Cam-pu-chia tháng 11-2017.

Hai nước phối hợp chặt chẽ với nhau cùng nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh; thúc đẩy thực hiện các sáng kiến hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), tăng cường hợp tác với các nước khu vực trong khuôn khổ Ủy hội sông Mê Công (MRC), hợp tác tam giác phát triển ba nước Cam-pu-chia - Lào - Việt Nam (CLV), hợp tác bốn nước Cam-pu-chia - Lào - Mi-an-ma - Việt Nam (CLMV), chiến lược hợp tác kinh tế ba dòng sông Ay-ây-a-oa-đi - Chao Phray-a - Mê Công (ACMECS)...

Đặc biệt, quan hệ hai nước trong thời gian gần đây ngày càng được tăng cường, củng cố và phát triển. Hằng năm, hai nước đều trao đổi nhiều đoàn các cấp. Chỉ riêng trong tháng 12-2018, Việt Nam đã đón Quốc vương Cam-pu-chia Nô-rô-đôm Xi-ha-mô-ni thăm nghỉ dưỡng và Thủ tướng Hun Xen thăm chính thức. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Cam-pu-chia năm 2018 đạt 4,5 tỷ USD. Hai nước cũng đã ký kết và triển khai nhiều văn kiện hợp tác, nhất là trong lĩnh vực kết nối hai nền kinh tế và tham gia hợp tác, kết nối khu vực theo hướng phát triển bền vững, lâu dài, trên nguyên tắc bổ sung, tương trợ lẫn nhau và cùng có lợi. Giao lưu văn hóa nghệ thuật, hợp tác giáo dục đào tạo, y tế, giao lưu nhân dân ngày càng được tăng cường. Năm 2018 có hơn một triệu lượt khách Việt Nam và Cam-pu-chia sang thăm lẫn nhau, thể hiện mối giao lưu nhân dân vô cùng mật thiết giữa hai dân tộc.

Ngày nay, dẫu thế giới và khu vực có biến đổi đến đâu, thì Việt Nam mãi là người bạn thủy chung, là láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau của nhân dân Cam-pu-chia anh em, đúng như Quốc vương Nô-rô-đôm Xi-ha-mô-ni đã từng nói: Việt Nam là người bạn lớn, láng giềng gần gũi và thân thiết của nhân dân Cam-pu-chia; nhân dân Cam-pu-chia đánh giá cao và không bao giờ quên sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn, quý báu mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã dành cho nhân dân Cam-pu-chia trong mọi hoàn cảnh. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã khẳng định: Vận mệnh của hai dân tộc là không thể tách rời nhau, đó là một chân lý từ thực tiễn lịch sử của hai nước.

Nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua, càng tri ân nhớ ơn hàng chục nghìn anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nghĩa cả và tương lai chung của hai dân tộc, chúng ta càng vững tin rằng, quan hệ Việt Nam - Cam-pu-chia sẽ ngày càng được củng cố và vun đắp với tinh thần “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, vì lợi ích của hai nước, hai dân tộc, hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

NGUYỄN QUỐC DŨNG,
Thứ trưởng Ngoại giao