Ngô Xuân Bính ra mắt triển lãm “Du và dội”

NDO -

NDĐT - Vào ngày 9-11 tới, Ngô Xuân Bính với họa sĩ Lê Văn Thìn sẽ có triển lãm hội họa với tên gọi “Du và dội” tại Bảo tàng Hà Nội. Đây được coi là triển lãm lớn nhất của họa sĩ Ngô Xuân Bính tại Việt Nam sau hai triển lãm cá nhân trước đó.

Họa sĩ Ngô Xuân Bính.
Họa sĩ Ngô Xuân Bính.

Họa sĩ Ngô Xuân Bính cho biết, đây có lẽ là triển lãm lớn nhất trong sự nghiệp hội họa của ông với hơn 200 tác phẩm khổ lớn với đủ mọi thể loại không riêng tranh sơn mài. Triển lãm tập trung hướng vào ý niệm tinh thần của truyền thống và hiện đại với mong muốn nhận ra thế giới luôn kỳ lạ, rất thương yêu và mới mẻ.

Hơn 200 tác phẩm triển lãm lần này dường như “phơi bày” cuộc sống “hỉ, nộ, ái, ố” của nghệ sĩ. Những bức như: “Hớp hồn”; “Tiềm thức”; “Hoang dại”; “Bí ẩn” hay như tác phẩm “Lên đồng”; “Vân tranh” được lấy ý niệm về chuyện cổ tích và huyền thoại trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam...

Với tài nghệ thuật của mình, Ngô Xuân Bính đã có ba lần triển lãm tranh ở Minxcơ, ba triển lãm cá nhân ở Matxcơva và hai triển lãm cá nhân ở Việt Nam. Năm 2006, ông đạt giải ARTIADA - Giải xuất sắc của Triển lãm Nghệ thuật tại Liên hoan Nghệ thuật tổng hợp quốc tế lần thứ 7 tại Matxcơva. Năm 2008, ông đạt giải xuất sắc và được bình chọn là một trong 10 hiện tượng hội họa trong tháng tại Triển lãm quốc tế lần thứ hai ở Matxcơva. Đặc biệt, năm 2010, Ngô Xuân Bính là một trong hai người nước ngoài duy nhất được Viện Hàn lâm nghệ thuật tạo hình Liên bang Nga trao tặng danh hiệu "Viện sĩ danh dự".

Ngô Xuân Bính hiện nay ghi dấu ấn trong giới hội họa nhờ những bức tranh sơn dầu nổi tiếng. Nói về bút pháp của mình, Ngô Xuân Bính bày tỏ “Hiện nay có hàng trăm nhà sơn mài, tự nhiên có một phong cách không giống người khác, không bị người khác chi phối là cả một vấn đề. Vì thế, tôi luôn theo dõi từng dòng chảy của hội họa và tự tìm cho mình một lối riêng. Tranh sơn mài với tôi là tình yêu, tình yêu này mang cho tôi nhiều xúc cảm để tạo ra sự đột phá khác biệt. Cái khác biệt ở đây không chỉ tiếp thu lối vẽ "âm" dùng mài để thể hiện cảm xúc, mầu sắc, đường nét, còn mạnh dạn kết hợp lối vẽ của phương Tây, diễn tả trực tiếp cảm xúc, màu sắc đường nét bằng cách vẽ đắp vào, bôi vào... tạo thành lối vẽ “dương”.

Họa sĩ Ngô Xuân Bính sinh ngày 17-1-1957, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Ông từng làm Giảng viên Trường Đại học Sư phạm nhạc họa từ năm 1980 – 1990. Từ năm 1990 – 2014, ông là chuyên gia Võ thuật và Y tế tại các nước Liên Xô cũ. Ông đã xuất bản gần 20 tập sách như “Nhất Nam căn bản” 5 tập; Truyện, thơ: Hoa đăng, Tiếng thở đêm, Cánh đồng thao thức…