Nghiên cứu xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô

Ngày 21/11, Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có Tờ trình Ban chấp hành Đảng bộ thành phố về việc đề nghị xem xét, thông qua chủ trương “Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Trung ương, các quy định pháp luật, xây dựng Thủ đô Hà Nội "văn hiến, văn minh, hiện đại”.
0:00 / 0:00
0:00
Huyện Mê Linh cùng với Đông Anh và Sóc Sơn được đề xuất xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (trong ảnh: Diện mạo hiện đại của huyện Mê Linh).
Huyện Mê Linh cùng với Đông Anh và Sóc Sơn được đề xuất xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (trong ảnh: Diện mạo hiện đại của huyện Mê Linh).

Tờ trình của Ban Can cán sự đảng UBND thành phố đã làm rõ căn cứ pháp lý và thực tiễn của việc điều chỉnh. Báo cáo về nội dung điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã thể hiện quan điểm, mục tiêu; tính chất đô thị; dự báo phát triển sơ bộ về quy mô dân số, quy mô đất đai; những trọng tâm đối với điều chỉnh quy hoạch chung; những yêu cầu cụ thể về nội dung nghiên cứu quy hoạch và hồ sơ sản phẩm.

Theo đó, thành phố đề xuất điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Hà Nội. Nghiên cứu tăng tỷ lệ đất phát triển đô thị; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục Nhật Tân-Nội Bài...

Điều chỉnh quy hoạch chung lần này còn nhằm phát huy hiệu quả mọi nguồn lực xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; tập trung ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng giao thông và hạ tầng số theo các chiến lược, mô hình phát triển kinh tế của Thủ đô và của vùng Thủ đô; cân đối quy mô phát triển dân số; hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn di sản, di tích lịch sử với phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo tồn, phát huy giá trị làng cổ, làng nghề; bảo đảm an ninh quốc phòng; phát triển đô thị, nông thôn giàu bản sắc văn hóa, thân thiện môi trường, ổn định và bền vững.

Việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô là cơ sở khoa học và công cụ pháp lý quan trọng để quản lý nhà nước về quy hoạch, đầu tư xây dựng và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển.