Nghiên cứu về Thiền sư Nguyễn Minh Không

NDO -

NDĐT- Ngày 6-9, tại Ninh Bình, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Thân thế, sự nghiệp Thiền sư Nguyễn Minh Không”.

Đền thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không, xã Gia Thắng, Gia Viễn, Ninh Bình.
Đền thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không, xã Gia Thắng, Gia Viễn, Ninh Bình.

Hội thảo nhằm nghiên cứu, làm rõ thân thế sự nghiệp của Thiền sư Nguyễn Minh Không cũng như đánh giá vị trí, vai trò và những đóng góp của ông trên các lĩnh vực văn hóa, tôn giáo, chính trị xã hội… trong tiến trình lịch sử dân tộc.

Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học thuộc các viện nghiên cứu, các trường đại học, các cán bộ làm công tác quản lý của tỉnh Ninh Bình cùng nhiều chuyên gia Phật học thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu để làm rõ các chủ đề: Thân thế, quê hương và thời cuộc của Thiền sư Nguyễn Minh Không; Sự nghiệp, uy danh và huyền thoại; Nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với Thiền sư Nguyễn Minh Không.

Vị Thiền sư tài năng từ đời thực bước vào đời sống dân gian

Nguyễn Minh Không (SN 1073, mất năm 1141) người làng Đàm Xá, huyện Đại Hoàng (nay thuộc xã Gia Tiến và Gia Thắng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) là một vị Thiền sư tài năng, có nhiều công lao đóng góp đối với đời sống chính trị, tư tưởng văn hóa của Đại Việt thời Lý. Thiền sư Nguyễn Minh Không được phong làm Quốc sư, chức vị cao nhất trong hệ thống tăng quan nhà Lý thể hiện rõ tầm quan trọng của ông trong lịch sử Phật giáo thời Lý nói riêng và lịch sử Phật giáo Việt Nam nói chung.

Ông cũng là một trong số ít các thiền sư được Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép lại các sự kiện liên quan: Năm 1131, triều đình nhà Lý dựng nhà cho Đại sư Minh Không; năm 1136, sư chữa khỏi bệnh cho vua Lý Thần Tông, được phong làm Quốc sư và sự kiện Quốc sư Minh Không qua đời cũng được ghi chép rõ ràng vào tiết mùa thu, tháng 8 Âm lịch, năm Đại Định thứ 2 (1141).

Cuộc đời và sự nghiệp của Thiền sư Nguyễn Minh Không là một không gian văn hóa đậm chất lịch sử và huyền tích. Các lớp văn hóa được bồi đắp chung quanh nhân vật Nguyễn Minh Không đa tầng, đa sắc thái và cùng với nó là những dị bản do sự tiếp xúc giao lưu và dịch chuyển không gian văn hóa từ quê hương nơi ông sinh ra cho tới những nơi ông đã đi qua, xây dựng sự nghiệp của một vị Thiền sư có vị trí đặc biệt trong văn hóa Việt Nam. Thiền sư Nguyễn Minh Không từ đời thực đã bước vào đời sống dân gian đậm màu truyền thuyết và huyền thoại với rất nhiều quyền năng. Trong tâm thức dân gian, Nguyễn Minh Không là người có khả năng phi thường, đi mây về gió; là người có phép thuật tài ba, là ông tổ nghề đúc đồng... Ông là một trong số rất ít những nhân vật lịch sử được dân gian phong Thánh (cùng với Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn). Ông được rất nhiều địa phương trong nước phụng thờ như Phật, như Tiên, như Thần, trong đó tập trung nhiều ở Ninh Bình và vùng châu thổ sông Hồng. Nguyễn Minh Không còn tồn tại trong hình tượng ông Khổng Lồ có sức mạnh phi thường, dời non, lấp biển, khai sơn, phá thạch. Ngoài ra, Nguyễn Minh Không còn (được coi là) ông tổ y dược và ông tổ nghề đúc đồng Việt Nam. Nguyễn Minh Không là người trông nom sức khỏe không chỉ cho vua mà còn cho hoàng tộc và gia đình quan lại dưới triều Lý. Dân gian vẫn còn truyền câu đồng dao kể chuyện Nguyễn Minh Không chữa bệnh “hóa hổ” cho vua Lý Thần Tông:

Tập tầm vông/Có ông Nguyễn Minh Không

Chữa cho vua khỏi có/Tập tầm vó

Muốn chữa cho vua khỏi có/Có ông Nguyễn Minh Không

Nghiên cứu về Thiền sư Nguyễn Minh Không ảnh 1

Hội thảo khoa học Thân thế, sự nghiệp Thiền sư Nguyễn Minh Không.

Hệ thống di tich và di vật cần nghiên cứu bảo vệ

Các loại hình di tích thờ Nguyễn Minh Không khá đa dạng gồm cả chùa, đình, đền và cụm đền chùa, tại một số nơi có lễ hội gắn liền với Nguyễn Minh Không. Hiện nay đã thống kê được 57 điểm thờ tự tại chín tỉnh, thành phố ở miền bắc, có liên quan tới Nguyễn Minh Không và cá vị Thiền sư (có lên quan đến): Từ Đạo Hạnh Không Lộ và Giác Hải. Tại Bắc Ninh (quê mẹ của Nguyễn Minh Không) có ba (trong số tám ) huyện có di tích thờ thiền sư Nguyễn Minh Không. Trong quan niệm của người dân vùng cửa biển Thanh Hóa, Thiền sư còn mang bóng dáng của một vị đạo sĩ có nhiều phép màu, có sức mạnh bảo vệ sự bình yên trong đời sống của họ...

Hơn thế nữa, vẫn còn lại hình ảnh (vật chất) của Thiền sư Nguyễn Minh Không. Hiện nay, tại “đền thờ thánh Nguyễn” còn lưu giữ bức tranh lụa vẽ thiền sư Nguyễn Minh Không với kỹ thuật sử dụng bột ngọc trai và vàng lá độc nhất vô nhị phản ánh thủ pháp nghệ thuật tranh Mật Tông Thangka Tây Tạng. Với những giá trị độc đáo, bức tranh lụa vẽ Thiền sư Nguyễn Minh Không tại đền Thánh Nguyễn, cần được Hội đồng Giám định tác phẩm mỹ thuật - nhiếp ảnh đánh giá giá trị tác phẩm, có những phương án phục chế, bảo tồn phù hợp.

Trong phát biểu tổng kết hội thảo, GS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đánh giá: “Thiền sư Nguyễn Minh Không là một nhân vật lịch sử rất đặc biệt. Ông để lại những dấu ấn dặc biệt trên nhiều lĩnh vực: lịch sử, tôn giáo, văn hóa dân gian, cả những dấu ấn trong lĩnh vực nghệ thuật,… việc nghiên cứu về ông một cách khoa học, với nhiều góc nhìn, trên nhiều lĩnh vực là điều cần thiết và thú vị”. Làm rõ về thân thế sự nghiệp của Thiền sư Nguyễn Minh Không còn có ý nghĩa, cung cấp những cứ liệu khoa học để tỉnh Ninh Bình thực hiện chiến lược xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững.