Nghiên cứu về ngân hàng và khủng hoảng tài chính giành giải Nobel Kinh tế 2022

NDO - Chiều 10/10 (giờ Việt Nam), Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã công bố giải Nobel Kinh tế năm 2022 thuộc về 3 nhà kinh tế người Mỹ gồm Ben S. Bernanke, Douglas W. Diamond và Philip H. Dybvig, với nghiên cứu về ngành ngân hàng hiện đại và các cuộc khủng hoảng tài chính.
0:00 / 0:00
0:00
Các thành viên của Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố giải Nobel Kinh tế năm 2022 tại cuộc họp báo tổ chức tại trụ sở Viện ở Stockholm, Thụy Điển, ngày 10/10/2022. (Ảnh: TT News/Reuters)
Các thành viên của Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố giải Nobel Kinh tế năm 2022 tại cuộc họp báo tổ chức tại trụ sở Viện ở Stockholm, Thụy Điển, ngày 10/10/2022. (Ảnh: TT News/Reuters)

Theo đó, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke, thuộc Viện Brookings, Washington DC (Mỹ), và 2 đồng hương Douglas Diamond thuộc Đại học Chicago (Mỹ) và Philip Dybvig thuộc Đại học Washington (Mỹ) sẽ cùng chia sẻ giải thưởng cuối cùng của mùa Nobel năm nay, trị giá 10 triệu kronor Thụy Điển (khoảng 885 nghìn USD).

Thông báo của ban tổ chức cho biết, đồng nghiên cứu khởi đầu từ những năm 1980 của 3 nhà kinh tế kể trên đã có những đóng góp quan trọng trong việc làm rõ vai trò của hệ thống ngân hàng trong nền kinh tế, đặc biệt là trong các cuộc khủng hoảng tài chính, cũng như phương thức điều tiết thị trường tài chính.

Cũng theo đại diện Ban Tổ chức, bên cạnh việc chứng minh tầm quan trọng của việc ngăn chặn sự sụp đổ ngân hàng trên diện rộng, nghiên cứu của các ông Bernanke, Diamond và Dybvig đã góp phần làm giảm nguy cơ khủng hoảng tài chính phát triển thành suy thoái lâu dài với hậu quả nặng nề cho xã hội, cũng như có tầm quan trọng to lớn trên thực tế trong việc điều tiết thị trường tài chính và ứng phó với các cuộc khủng hoảng tài chính.

Nghiên cứu về ngân hàng và khủng hoảng tài chính giành giải Nobel Kinh tế 2022 ảnh 1

Chân dung 3 nhà kinh tế người Mỹ giành giải Nobel Kinh tế năm 2022. (Ảnh: Ban Tổ chức giải Nobel)

Giải Nobel Kinh tế năm nay đã bổ sung ngành ngân hàng vào danh sách các lĩnh vực nghiên cứu được tôn vinh trong thập kỷ qua, bao gồm việc tích hợp biến đổi khí hậu và đổi mới công nghệ vào kinh tế học vào năm 2018, đến các nghiên cứu liên quan đến nghèo đói toàn cầu và lý thuyết đấu giá trong những năm tiếp theo.

Phần lớn chủ nhân của giải Nobel Kinh tế trước đây đều đến từ Mỹ, và đa số là nam giới (87 người) từng nhận giải này, trong khi mới chỉ có 2 phụ nữ được vinh danh, gồm bà Elinor Ostrom năm 2009 và chuyên gia kinh tế Esther Duflo năm 2019.

Năm ngoái, giải Nobel Kinh tế cũng đã được trao cho 3 nhà kinh tế học người Mỹ là David Card, Joshua D. Angrist và Guido W. Imbens, với công trình nghiên cứu có đóng góp thực nghiệm về kinh tế lao động và phương pháp luận trong việc phân tích các mối quan hệ nhân quả trong lĩnh vực kinh tế.

Ban đầu, giải Nobel Kinh tế không nằm trong hệ thống 5 giải Nobel được lập theo di nguyện của nhà khoa học người Thụy Điển Alfred Nobel vào năm 1895.

Đây là giải thưởng do Ngân hàng Trung ương Thụy Điển sáng lập và được trao lần đầu tiên vào năm 1969, với tên gọi đầy đủ chính thức là "Giải thưởng của Ngân hàng Sveriges Riksbank trong Khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel".