Hai nhà kinh tế học của Mỹ đoạt Giải Nobel Kinh tế 2020

NDO -

Hai nhà kinh tế học của Đại học Stanford (Mỹ) sẽ chia đôi 10 triệu kronor Thụy Điển, khoản tiền thưởng của Giải Nobel Kinh tế năm 2020, nhờ công trình nghiên cứu cải tiến lý thuyết đấu giá và sáng kiến về các hình thức đấu giá mới.

Hai nhà kinh tế học đoạt Giải Nobel Kinh tế năm 2020.
Hai nhà kinh tế học đoạt Giải Nobel Kinh tế năm 2020.

Vào lúc gần 17 giờ ngày 12-10 (giờ Việt Nam), Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố, hai nhà kinh tế học Paul R. Milgrom và Robert B. Wilson là chủ nhân của Giải Nobel Kinh tế năm 2020.
 
Thông cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển cho biết: “Chủ nhân của Giải Nobel Kinh tế năm nay, Paul Milgrom và Robert Wilson, đã nghiên cứu cách hoạt động đấu giá diễn ra. Họ cũng đã sử dụng sự hiểu biết sâu sắc của mình để thiết kế các mô hình đấu giá mới đối với những loại hàng hóa và dịch vụ khó bán theo cách truyền thống, như tần số vô tuyến. Các phát hiện của họ giúp ích cho người bán, người mua và người đóng thuế trên khắp thế giới”.

Ông Peter Fredriksson, Chủ tịch Ủy ban Giải Nobel Kinh tế, nhấn mạnh, những người đoạt giải năm nay đã bắt đầu với lý thuyết cơ bản và sau đó họ sử dụng các kết quả thu được trong những lần ứng dụng thực tế. “Phát hiện của họ mang lại lợi ích to lớn cho xã hội”, ông Fredriksson khẳng định.

Nobel Kinh tế là giải thưởng thứ sáu và cũng là giải thưởng khép lại mùa Giải Nobel năm 2020. Trước đó, các giải Nobel Y học, Vật lý, Hóa học, Văn học và Hòa bình năm 2020 đã được công bố.

Năm 2019, Giải thưởng Nobel Kinh tế đã được trao cho ba nhà kinh tế học là Esther Duflo (người Mỹ gốc Pháp), Abhijit Banerjee (người Mỹ gốc Ấn Độ) và Michael Kremer (người Mỹ) vì những thử nghiệm của họ trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Nghiên cứu của các nhà kinh tế học này có tiềm năng cải thiện hơn nữa cuộc sống của người nghèo trên thế giới.

Giải Nobel Kinh tế không nằm trong các giải Nobel đặt ra theo nguyện vọng của nhà khoa học người Thụy Điển Alfred Nobel. Đây là giải thưởng do Ngân hàng Trung ương Thụy Điển khởi xướng và tài trợ bắt đầu từ năm 1968 để kỷ niệm 300 năm thành lập ngân hàng và cũng để tưởng niệm nhà khoa học Alfred Nobel. Giống như những người đoạt Giải Nobel trong các lĩnh vực y học, hóa học, vật lý, văn học, chủ nhân của Giải Nobel Kinh tế cũng do Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển bầu chọn. Mỗi Giải Nobel năm nay sẽ bao gồm huy chương, bằng chứng nhận cá nhân và một khoản tiền thưởng trị giá 10 triệu kronor Thụy Điển (khoảng 1,1 triệu USD).