Theo Ban Tổ chức, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ là hết sức thiêng liêng, mang ý nghĩa sinh tồn với mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Trải qua sự thăng trầm của quá trình xây dựng, gìn giữ và phát triển đất nước, các cộng đồng cư dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam hôm nay thấu hiểu và trân trọng giá trị của độc lập, hòa bình, thống nhất non sông và toàn vẹn lãnh thổ.
Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, những năm gần đây, tình hình khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, bao gồm cả vấn đề tranh chấp lãnh thổ, tiềm ẩn nguy cơ xung đột và mất ổn định. Vì vậy, việc tích cực nghiên cứu để đưa ra các luận cứ khoa học vững chắc và đề xuất các giải pháp thiết thực càng có ý nghĩa như là một biện pháp quan trọng nhằm góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia lãnh thổ.
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
Cách đây 10 năm, vào tháng 4/2014, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo sư-Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã phát động giới sử học cả nước đẩy mạnh nghiên cứu về chủ quyền quốc gia lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam. Trong 10 năm qua, chủ đề này đã được giới sử học cả nước tập trung nghiên cứu và đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.
Hội nghị sử học toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức nhằm tổng kết thành tựu 10 nghiên cứu về chủ quyền lãnh thổ quốc gia theo phương pháp tiếp cận toàn bộ, toàn diện của lịch sử Việt Nam, góp phần phục vụ các chiến lược xây dựng và bảo vệ đất nước trong bối cảnh mới. Việc tổ chức thành công hội nghị sẽ mở ra thông lệ để định kỳ luân phiên tổ chức với các chủ đề khác nhau, tại các cơ sở đào tạo và nghiên cứu sử học lớn trong cả nước, đáp ứng yêu cầu của khoa học và thực tiễn xã hội Việt Nam.
Ban Tổ chức thành lập một số tiểu ban để tập trung thảo luận chuyên sâu về chủ quyền quốc gia lãnh thổ. |
Sau thời gian triển khai khẩn trương và tích cực, đến nay, Ban Tổ chức Hội nghị Sử học toàn quốc lần thứ nhất đã nhận được 164 báo cáo tham luận của các nhà sử học đến từ mọi miền đất nước. Hội nghị là diễn đàn học thuật về những kết quả nghiên cứu trong thời gian qua; chia sẻ các nguồn tư liệu mới, thảo luận các vấn đề nhận thức mới…
Từ diễn đàn mang tính khai mở này, các cơ quan nghiên cứu và các nhà khoa học trong cả nước sẽ đưa ra được những kiến nghị để đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chủ quyền quốc gia lãnh thổ một cách rộng rãi cả trong nước và nước ngoài.