Nghiêm cấm việc tự phát thả đèn trời

Thiệt hại đáng kể nhất là việc những chiếc đèn trời rơi xuống các đường dây trần làm chập điện các trạm đầu nguồn khu vực các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Long Biên, TP Hà Nội khiến cho hơn 110 máy hạ áp tại các khu vực này mất điện, gần 20 nghìn hộ dân tại các khu vực nêu trên bất đắc dĩ phải đón Giao thừa không có điện, không được chứng kiến quang cảnh mọi miền đất nước đón Xuân qua máy thu hình.

Vào lúc 22 giờ ngày mồng 1 Tết (26-1), một chiếc đèn trời đã rơi xuống sân thượng tòa nhà Bưu điện Hà Nội, số 75 phố  Ðinh  Tiên  Hoàng (Hoàn Kiếm - Hà Nội) gây cháy cáp viễn thông, làm ảnh hưởng thông tin của tuyến đường trục viễn thông bắc-nam của Công ty Ðiện toán và Truyền số liệu (DVC), Công ty viễn thông liên tỉnh (VTN), một số trạm phát sóng BTS của VinaPhone và MobiFone, tuyến cáp đồng của Bưu điện Hà Nội. Hầu hết các báo điện tử thuê đường truyền của DVC bị mất tín hiệu, người dùng in-tơ-nét không thể truy cập các tờ báo điện tử này trong nhiều giờ.

Một nhà dân tại phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội đêm mồng 4 Tết (29-1) đã bị một chiếc đèn trời rơi xuống làm cháy toàn bộ mái chống nóng được làm bằng lá cọ. Tại Quận Kiến An (TP Hải Phòng), đèn trời cũng đã gây ra một vụ cháy rừng, các lực lượng phòng cháy, chữa cháy và nhân dân đã kịp thời dập tắt, không gây ra thiệt hại lớn. Tại TP Hồ Chí Minh và một số nơi khác, việc thả đèn trời cũng đã gây cháy cho một số nhà dân và công trình kiến trúc.

Ðây là tình trạng đáng báo động, cần kịp thời rút kinh nghiệm và có biện pháp xử lý nghiêm minh. Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc thả đèn trời là do một số thanh, thiếu niên tự phát tổ chức. Những chiếc đèn này phần lớn có xuất xứ tại Trung Quốc, một số được sản xuất tại Việt Nam nhưng không có cơ quan nào đăng kiểm chất lượng, không có hướng dẫn sử dụng, và được làm bằng những vật liệu không bảo đảm các điều kiện an toàn phòng, chống cháy nổ. Giá mỗi chiếc đèn chỉ khoảng từ 15 đến 20 nghìn đồng. Nhiều chiếc đèn khung được làm bằng những dây kim loại đường kính từ 0,4 đến 0,5 cm. Khi thả đèn, người ta dùng đủ loại chất liệu cháy như giẻ tẩm dầu, thậm chí cả săm, lốp xe đạp, xe máy. Nhiều chiếc đèn thả lên gặp gió lớn làm cháy lớp vỏ bọc khi rơi xuống đất vẫn bốc cháy nghi ngút. Ðây chính là những lý do gây cháy nhà, cháy các đường dây bọc nhựa và làm chập điện các trạm biến áp nêu trên.

Ðiều đáng nói là, việc mua bán và tổ chức thả đèn trời đều nằm ngoài sự kiểm soát của các cấp, các ngành liên quan. Ngay cả khi có những thiệt hại do việc thả đèn trời gây ra, cũng không thấy cấp chính quyền và cơ quan quản lý nào quan tâm, xử lý thỏa đáng.

Việc thả đèn trời không phải là một hiện tượng mới phát sinh. Ở nước ta, từ xa xưa người ta cũng đã tổ chức thả đèn trời trong những dịp lễ hội. Một số nước láng giềng trong khu vực cũng có phong tục thả đèn trời những dịp lễ hội, nhưng được quản lý chặt chẽ và chỉ thả ở những khu vực quy định. Vì vậy, việc thả đèn trời cần được các cơ quan quản lý, các cấp chính quyền quan tâm một cách thỏa đáng. Trước mắt, cần nghiêm cấm việc thả đèn trời ở những khu vực đông dân cư, nhất là khu vực nội thành, nội thị các thành phố, thị xã trong cả nước. Việc thả đèn trời phải được tổ chức chặt chẽ, bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ. Việc sản xuất, kinh doanh, mua bán các loại đèn trời cần được đưa vào danh mục quản lý theo đúng quy định, không để tình trạng buông lỏng như dịp Tết vừa qua.

      Thanh Hà

Có thể bạn quan tâm