Từ quốc lộ 6, cách Thủ đô Hà Nội 235 km, đến địa phận xã Chiềng Hặc (huyện Yên Châu) rẽ phải, ngược dốc lên khoảng 14 km là đến trung tâm xã vùng cao Mường Lựm. Trưởng ban Quản lý dự án (QLDA) di dân TÐC huyện Yên Châu Hồ Như Hồng cùng đi với chúng tôi nói vui: "Ngày xưa, bà con ta lên Mường Lựm, phải đi bộ, bám đuôi con ngựa, thở ra đằng tai. Bây giờ đường đã trải nhựa, ô-tô leo dốc chỉ mất khoảng tiếng đồng hồ, điều này trước kia mấy ai dám mơ đến...".
Ngồi trên xe, anh Hồng bảo: "Ðổi thay ở Mường Lựm hôm nay là nhờ có đường lối, chính sách đúng đắn của Ðảng và Nhà nước, nhưng không có ông Mến thì Mường Lựm làm gì được như hôm nay". Ông Mến chính là Bí thư Ðảng ủy xã Mường Lựm Hoàng Văn Mến, người từng hai khóa làm Chủ tịch UBND xã, rồi hai khóa làm Bí thư, nay dù tuổi đã 60, nhưng cấp ủy và bà con trong xã vẫn chưa muốn để ông nghỉ. Câu chuyện về người bí thư được dân tin yêu càng khiến chúng tôi háo hức lên Mường Lựm.
Mường Lựm là một trong bốn xã vùng cao của huyện Yên Châu, diện tích 50.870 ha, dân số 2.950 người, gồm hai dân tộc Thái, Mông chung sống. Trong số 12 bản, có bốn bản người Mông, tám bản người Thái, trong đó hai bản là đồng bào dân tộc Thái từ huyện Mường La mới chuyển về TÐC. Trước năm 2000, Mường Lựm chưa có điện thắp sáng, chưa có đường, chưa có trạm y tế và chợ... Trường học cho con em đồng bào dân tộc trong xã chỉ là mấy ngôi nhà lợp phi-brô xi-măng xiêu vẹo. Cuộc sống của bà con chủ yếu là tự sản tự tiêu, không giao thương hàng hóa với bên ngoài, do đặc điểm địa lý núi cao, địa hình dốc, giao thông trắc trở. Tuy là vùng cao, vùng xa, đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn, nhưng đổi lại, thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất này nhiều tiềm năng. Ðặc điểm khác biệt rõ nét nhất là rừng ở đây còn nhiều và xanh tốt, môi trường trong lành, mát mẻ. Khai thác thế mạnh đó, cùng với nguồn nước dồi dào, xã đã thực hiện dự án ngăn đập Noong Luông thành hồ treo trên núi rộng hơn 33 ha mặt nước. Cả xã khai hoang được hơn 94,5 ha ruộng hai vụ, 67 ha ruộng một vụ, 465 ha ngô, 120 ha đậu đỗ, cây ăn quả, chăn nuôi 950 con trâu, 460 con bò, 2.115 con lợn, hơn 14.100 con gia cầm, 13,6 ha ao hồ để nuôi trồng thủy sản. Nhờ đó, đời sống của bà con Mường Lựm từng bước được ổn định, bảo đảm đủ lương thực, không có hộ nào thiếu đói. Mường Lựm đất rộng, giàu tiềm năng cho nên năm 2008, bà con TÐC ở huyện Mường La đã chọn nơi này làm quê hương mới.
Chúng tôi đến trụ sở xã đúng ngày Ban chấp hành Ðảng bộ xã họp triển khai công việc cho nên cuối giờ mới gặp được đồng chí Bí thư. Ðúng phong cách Bộ đội Cụ Hồ, nhanh nhẹn, cởi mở giống như cái tên của mình, Bí thư Ðảng ủy xã Hoàng Văn Mến giới thiệu cặn kẽ với chúng tôi về Mường Lựm. Tuy mới gặp lần đầu, nhưng ấn tượng của chúng tôi về người bí thư này là tầm nhìn xa trông rộng, dự báo tốt tình hình và quyết đoán. Với bà con dân bản, đồng chí gần gũi, lắng nghe, việc gì cũng đặt lợi ích chung lên trên. Với huyện, tỉnh thì đồng chí lại năng động, mạnh dạn đề xuất, dám nghĩ, dám làm. Từ khi giữ cương vị cán bộ chủ chốt cuối năm 2000, đồng chí Hoàng Văn Mến đã chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều dự án kết cấu hạ tầng của xã, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi thay.
Ðáng nhớ nhất, giai đoạn 5 năm vừa qua, cấp ủy và chính quyền xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong xã đón nhận bà con vùng di dân TÐC huyện Mường La về cùng chung sống, xây dựng quê hương mới. Nhờ có dự án di dân TÐC, xã Mường Lựm đã được Nhà nước đầu tư trải nhựa 14,6 km đường từ quốc lộ 6 về trung tâm xã, dự án xây dựng trường học hai tầng kiên cố, nhà văn hóa, lớp học mầm non, công trình nước sạch, các chương trình khuyến nông, hỗ trợ sản xuất. Chúng tôi thật sự ấn tượng khi nghe câu chuyện chia đất, san sẻ ruộng cho bà con TÐC. Thực hiện nghị quyết của Ðảng ủy xã, mỗi nhân khẩu người dân sở tại đã nhường 100 m2 ruộng hai vụ để hình thành nên quỹ đất 9,3 ha ruộng chia đều các hộ dân TÐC. Như vậy, bình quân một hộ dân phải rút bớt của gia đình mình từ 500 đến 600 m2 ruộng, đồng thời thực hiện dồn điền, đổi thửa, chia lại toàn bộ diện tích 94,5 ha ruộng toàn xã. Ðây đúng là cuộc cách mạng, phải có sự hy sinh lớn lao và sự cảm thông sâu sắc mới thực hiện được. Chúng tôi còn được biết, bà con TÐC ở hai bản Nà Ban và Nà Ngua còn được xã ưu tiên ruộng tốt, gần bản, có hệ thống thủy lợi mương phai cứng hóa để canh tác.

Một góc bản Nà Ngua, xã Mường Lựm (Yên Châu).
Về Mường Lựm lần này, chúng tôi được dự bữa cơm kỷ niệm tròn 5 năm bà con Mường La về quê mới. Nâng chén rượu trên tay, Bí thư Chi bộ bản Nà Ngua Quàng Văn Quyết, nói ý nhị: "Nhớ 5 năm trước, chúng tôi như con gái mới về nhà chồng, được bà con Mường Lựm cưu mang, giúp đỡ. Mới đó đã 5 năm rồi, thời gian nhanh quá, bây giờ mình đã là người một nhà. Hôm nay, gia đình không có gì, chỉ là cơm rau, chén rượu nhạt, xin chúc sức khỏe mọi người...". Lời nói chân thành, mộc mạc ấy làm mọi người ai cũng xúc động. Trong bữa cơm, chúng tôi nghe được nhiều câu chuyện xúc động. Ðó là vào trước Tết năm 2009, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã là ông Hà Ðức Minh, nêu một sáng kiến: Bây giờ không phân biệt dân cũ dân mới nữa, bà con Mường La về đây cùng là Thái Ðen, cùng họ, tiếng nói giống nhau. Ngày xưa ông cha mình dạy, người Thái đi đến đâu, thấy mái nhà sàn, có Khau Cút thì nhận anh em. Bây giờ đón anh em Mường La về, bên ấy có họ Cà, giống họ Hà bên này, bên ấy có họ Cầm giống họ Hoàng bên này, bên ấy có họ Lò, họ Quàng, bên này cũng thế, tại sao không nhận anh em? Ý tưởng đầy chất nhân văn, đúng với đường lối của Ðảng, với vận động của Mặt trận Tổ quốc đã được Ðảng ủy xã nhất trí. Tết năm ấy thật vui, các trưởng họ hai bên gặp nhau, làm lễ nhận họ, phân ngôi thứ anh em. Ông Hà Văn Sơn, trưởng họ Hà ở bản Nà Băng nhận ông Cà Văn Bương, trưởng họ Cà bản Nà Ngua (bản TÐC) làm anh em. Ông Hoàng Văn Phớ, trưởng họ Hoàng dân sở tại nhận ông Cầm Văn Phong, trưởng họ của 13 hộ họ Cầm bên bản Nà Ban (TÐC) làm anh em. Tiếp đến các họ Lò, họ Quàng của cả hai bên cũng nhận anh em. Mấy năm nay, cứ dịp lễ, Tết, ngày gia đình có việc, bà con đều báo cáo trưởng họ, xin ý kiến... Bí thư Mến bảo, việc này mãi mới đây Ban Dân vận huyện mới biết, "phê bình" xã: Sao không báo cáo sớm để lấy thành tích?
Nói về chuyện làm ăn, Bí thư Chi bộ Quàng Văn Quyết bảo: Ở đây, người ta không tính bằng tiền, mà thóc thì tính bằng bao, ngô thì tính bằng tấn. Gia đình Bí thư chi bộ ở bản Nà Ban Lò Văn Xoan có sáu khẩu, vụ vừa qua thu 57 bao thóc, 14 tấn ngô, chưa kể thu nhập từ chăn nuôi, trồng các loại cây khác. Cũng như vậy, cả 67 hộ dân Mường La về đây đều làm ăn hiệu quả, cho thu nhập khá và có tích lũy. Về chuyện làm ăn thì dân sở tại phải học tập người dân TÐC. Bây giờ bà con sở tại không ngủ muộn nữa, tranh thủ đi làm sớm cho mát. Ngược lại, kinh nghiệm canh tác lúa nước, sử dụng giống mới thì người TÐC lại phải học hỏi dân sở tại. Còn nhiều điều bà con hai bên học hỏi, trao đổi lẫn nhau, chính từ những điều nho nhỏ ấy đã gắn kết bà con với nhau, thành anh em một nhà.
Ngẫm ra, giờ tôi mới hiểu vì sao Mường Lựm đã làm được cái việc nơi khác không thể làm được, bà con dễ dàng chia đất, san sẻ ruộng, vườn cho nhau. Ðồng thời, trong thực tiễn sản xuất cũng đã có chuyện vướng mắc, nhưng khi đã là anh em thì chuyện to thành nhỏ, chuyện nhỏ coi như không có gì, dễ dàng bỏ qua. Vì thế mà ở Mường Lựm hôm nay tình hình an ninh trật tự trên địa bàn rất tốt, bà con sống với nhau có nghĩa tình, không to tiếng, con lợn, con gà sang nhà nhau không mất, không có trộm cắp, cờ bạc. Từ khi bà con Mường La về đây định cư đã có chín đôi bạn trẻ hai bên nên vợ nên chồng. Riêng gia đình ông Cầm Văn Châm ở bản Nà Ban, là người dân TÐC có hai cô con gái xinh đẹp đều lấy chồng là con các gia đình dân sở tại ở Mường Lựm. Cuộc sống nơi đây bắt đầu như thế, bình dị nhưng ấm áp tình người.
Người xưa bảo, đây là vùng đất bị lãng quên, nhưng những câu chuyên lay động tình người như thế thì không thể quên. Chúng tôi hẹn, sẽ còn về thăm Mường Lựm.