Nhân kỷ niệm Ngày sách Việt Nam 21-4

Nghĩ về văn hoá đọc trong các trường học ở Ninh Bình

NDO -

NDĐT- Trong xu hướng công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, văn hoá đọc dường như đang bị mai một dần. Điều đó, tác động trực tiếp đến đời sống, xã hội và lối sống của mỗi người, mỗi gia đình. Ý thức được tầm quan trọng của văn hoá đọc, Sở Giáo dục và Đào tỉnh Ninh Bình từ nhiều năm thường xuyên chú trọng xây dựng phòng thư viện và mô hình “Thư viện xanh” giúp học sinh từ tiểu học đến THPT hình thành thói quen đọc sách, từ đó giúp các em hoàn thiện hơn về nhân cách ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường…

Hằng năm, Đại tướng Trần Đại Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công An thăm và tặng sách trường THPT Kim Sơn B.
Hằng năm, Đại tướng Trần Đại Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công An thăm và tặng sách trường THPT Kim Sơn B.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình, Vũ Văn Kiểm cho biết: “Các trường bằng nhiều nguồn khác nhau, có nơi kêu gọi doanh nghiệp đóng trên địa bàn quyên góp ủng hộ kinh phí, cũng có nơi là học sinh, con em công tác xa quê thành đạt gửi về tặng sách, thư viện cho nên phong trào đọc sách ở trường học được hưởng ứng mạnh mẽ.”

Việc xây dựng thư viện trong trường học được ngành giáo dục chú trọng xây dựng nhằm phục vụ cho giáo viên giảng dạy nâng cao kiến thức tránh tình trạng giảng bài theo lối mòn. Học sinh tập trung đọc các loại sách toán, văn học nghệ thuật, truyện thiếu nhi, tiểu thuyết văn học…, để nâng cao nhận thức, xây dựng nhân cách hướng học sinh tham gia họat động văn hóa lành mạnh.

Phó giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Ninh Bình, Đỗ Văn Thông cho biết: “Hàng năm, Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh yêu cầu các nhà trường duy trì hoạt động ở các thư viện nhà trường học để giáo viên và học sinh có điều kiện tiếp xúc các loại sách giáo khoa, sách tham khảo, sách nghiệp vụ, tài liệu”.

Các trường học trong tỉnh trang bị phòng đọc, bàn ghế, ánh sáng cũng như đóng giá, kệ sách để bảo quản, sắp xếp sách khoa học phục vụ nhu cầu đọc, tra cứu tài liệu của giáo viên và học sinh. Mỗi dịp đầu năm học, các nhà trường dành nguồn kinh phí để mua bổ sung sách cho thư viện từ 2-3% trong tổng số tiền đầu tư của đơn vị theo Thông tư liên bộ số 30/TT-LB ngày 26-7-1990 của liên Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục - Đào tạo.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục còn gửi cán bộ thư viện các trường tham dự nhiều lớp huấn luyện nâng cao trình độ nghiệp vụ để hoạt động của thư viện trường học có hiệu quả cao.

Từ năm học 2013- 2014, để học sinh dễ dàng tiếp cận được với sách, báo, thường xuyên nhằm phát triển văn hóa đọc trong các trường tiểu học nhờ vậy mô hình “thư viện xanh”, “thư viện thân thiện” ra đời.

Sau ba năm triển khai, đến nay toàn tỉnh có 30 trường tiểu học phát triển mô hình “thư viện xanh”. Qua bước đầu cho thấy, “thư viện xanh” mang tính ưu việt là gắn kết học sinh với sách, báo tài liệu tra cứu kỹ thuật thông qua văn hóa đọc một cách dễ dàng hơn.

Thống kê của Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Ninh Bình cho thấy năm học 2013- 2014 toàn tỉnh có 97,9% trường tổ chức thư viện trong trường học. Trong đó, 255 thư viện trường đạt tiêu chuẩn thư viện tiên tiến, 169 thư viện đạt thư viện xuất sắc, tăng 10 thư viện tiên tiến, 20 thư viện xuất sắc so với năm học trước.

Thư viện trong các nhà trường phát triển, phong trào đọc sách được duy trì các em học sinh thường xuyên tiếp cận với sách, nhờ đó phong trào đọc sách, báo ngày càng nhân rộng trong thanh, thiếu niên.

Chúng tôi đến và chứng kiến các học sinh trường tiểu học Trần Phú (thị xã Tam Điệp) trong giờ ra chơi. Thầy giáo Lê Xuân Thắng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhà trường bố trí hai địa điểm gồm phòng đọc trong nhà và “thư viện xanh” ngoài trời đối với những ngày không mưa bão”.

Theo quan sát, “thư viện xanh” thu hút đông học sinh tham gia hơn bởi ngoài trời thoáng mát. Dưới tán cây, các em tha hồ đọc sách, báo.

Em Nguyễn Văn Thắng chia sẻ, “thư viện xanh” khá thuận lợi cho chúng em vì tủ sách dưới tán cây trong sân trường, khi ra chơi là có thể tìm sách, báo để đọc.

Theo thầy Thắng, việc xây dựng thư viện nằm trong cơ cấu đầu tư cơ sở vật chất trường lớp hàng năm của đơn vị. Nhà trường huy động nhiều nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất cho thư viện trong đó, tập trung mua bổ sung đầu sách, báo, sách văn học, sách thiếu nhi phục vụ nhu cầu tìm hiểu thông tin, kiến thức, mở rộng tri thức cho giáo viên và học sinh. Do đó, để nhân rộng phong trào đọc sách trong học sinh, năm học 2014 - 2015 nhà trường xây dựng “thư viện xanh”, tổ chức thiết kế, bố trí khu vực ghế ngồi, nơi đọc để mỗi giờ ra chơi, học sinh có thể đọc sách.

Được biết, “Thư viện xanh” không chỉ có nguồn sách, báo của nhà trường, sự hỗ trợ của nhà tài trợ, mà các học sinh cũng góp sách, truyện, báo ở nhà mang đến giúp tủ sách thêm phong phú. Từ ngày có “thư viện xanh”, số lượng học sinh tham gia đọc sách khá đông, nhà trường phải chia lịch đọc bởi diện tích “thư viện xanh” còn hẹp.

Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo thị xã Tam Điệp, Dương Quốc Hưng cho biết: Thị xã có 14 trường tiểu học, THCS trên địa bàn đang duy trì hoạt động của thư viện trường học, tạo điều kiện cho giáo viên học sinh tiếp cận, cập nhật tin tức thời sự cũng như kiến thức khoa học, kỹ thuật.

Phòng Giáo dục - Đào tạo luôn lưu ý các trường duy trì hoạt động của thư viện thông qua việc mở cửa theo lịch, phục vụ nhu cầu đọc, mượn sách của giáo viên, học sinh. Đồng thời thống kê, phân loại sách theo thư mục, thể loại, đầu tư kinh phí để bổ sung sách cho thư viện. Vì thế, hoạt động của thư viện trường học ở thị xã Tam Điệp khá hiệu quả. Mỗi thư viện có khoảng từ ba nghìn đến năm nghìn đầu sách các loại. Trong đó, chủ yếu là sách tham khảo, sách nâng cao, truyện đọc phù hợp với lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Nhiều trường còn trang bị thêm sách pháp luật, tài liệu về học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh.

Văn hoá đọc đang ngày càng khẳng định vai trò nền tảng trong việc xây dựng nhân cách con người theo chuẩn mực Chân - Thiện - Mỹ. Nhờ văn hoá đọc tại các thư viện nhà trường đã giúp Ninh Bình hằng năm có số thi học sinh giỏi ngày càng nhiều. “Năm 2014, Ninh Bình có số học sinh đạt điểm bình quân ba môn thi đại học đứng thứ ba toàn quốc”, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, Vũ Văn Kiểm nói. Như huyện vùng biển Kim Sơn, phong trào đọc sách phát triển là điều kiện quan trọng giúp địa phương năm học 2014 có 688 học sinh đỗ vào các trường đại học và cao đẳng.