Nghi thức cúng trong lễ Vu Lan

NDO - Tùy theo điều kiện của từng gia đình, dịp lễ Vu Lan về cơ bản có thể cúng làm 3 lễ: cúng Phật, cúng gia tiên và cúng chúng sinh.
0:00 / 0:00
0:00
Một mâm cỗ chay cúng Vu Lan. (Ảnh: HÀ TÙNG LONG)
Một mâm cỗ chay cúng Vu Lan. (Ảnh: HÀ TÙNG LONG)
Nghi thức cúng trong lễ Vu Lan ảnh 1

Đĩa gạo, đĩa muối dành cho cúng chúng sinh. (Ảnh: HÀ TÙNG LONG)

Rằm tháng 7, lễ Xá tội vong nhân, hay còn gọi là lễ Vu Lan được coi là ngày rằm lớn nhất trong năm để tưởng nhớ đến những người đã khuất, làm việc thiện và tri ân cha mẹ. Vì thế, theo phong tục của người Việt, nghi lễ ngày rằm tháng 7 được thực hiện với những nghi thức cúng trang trọng.

Trong cuốn “Hội hè lễ tết người Việt”, Giáo sư, Tiến sĩ, nhà nghiên cứu, nhà sử học Nguyễn Văn Huyên mô tả những nghi thức cúng rằm tháng 7 của người Việt hồi đầu thế kỷ 20 không khác nhiều so với bây giờ.

Ở trong gia đình, các nhà bày lên ban thờ gia tiên quần áo, đồ đạc và “những thoi vàng, bạc” bằng giấy, bên cạnh mâm cúng gia tiên. Nhà nào thờ Phật thì cúng chay hoặc hoa quả, các loại đồ chay.

Nghi thức cúng trong lễ Vu Lan ảnh 2

Mâm cúng chúng sinh ngoài đường. (Ảnh: HÀ NAM)

Vào buổi tối hoặc từ khi trời xẩm tối, sau khi cúng gia tiên, các nhà sẽ đặt mâm cơm cúng các linh hồn bị bỏ rơi, hay còn gọi là các vong. Mâm cúng chúng sinh gồm cháo loãng, các loại bỏng ngô, bỏng gạo, khoai lang, ngô luộc, bánh kẹo, trái cây, quần áo chúng sinh…, và không thể thiếu gạo, muối, chén rượu hoặc chai rượu trắng nhỏ. Ngày trước, cháo loãng được đổ vào những chiếc phễu bằng lá đa, gài ở mâm cúng, hoặc gài ở các gốc cây ngoài đường, trong chùa…

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên mô tả, cả gia đình sẽ quỳ lạy trước mâm cúng này, có nhà mời một thầy cúng đến lễ cho chúng sinh. Khi hương sắp tàn, gia chủ sẽ vẩy cháo, gạo, muối ra bốn phía trước nhà, như một nghi lễ “phát lộc” dành cho các linh hồn. Vàng mã được đốt, tro rải xuống sông để từ đó cuốn về “suối vàng”. Những đồ cúng còn lại được phát cho những người hành khất, vốn đã chờ sẵn ở ngoài phố. Nghi thức cúng chúng sinh ngoài trời, vẩy cháo, gạo, muối vẫn còn được giữ cho đến ngày nay.

Còn ở các chùa lớn, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên mô tả, các buổi lễ cúng chúng sinh thường được tổ chức quy mô, với sự đóng góp của các Phật tử, thiện nam tín nữ. Một đàn lớn bằng tre được dựng lên trong sân chùa, trên đó đặt hoa quả, bánh kẹo mà các tín đồ mang đến hoặc do nhà chùa mua. Những người đến làm lễ sẽ góp vào đó các đồ vàng mã như quần áo, mũ, giày…

Khi làm lễ, nến và hương được thắp lên rất nhiều. Hòa thượng trụ trì nhà chùa và các sư sãi trong chùa, thậm chí từ cả các chùa nhỏ chung quanh cũng đến đọc kinh. Buổi lễ kéo dài đến khuya, và cuối buổi là cúng mâm cơm bố thí. Hòa thượng trụ trì nhà chùa cũng đọc cho các tín đồ nghe những lời răn của đức Phật để khuyến khích họ làm điều thiện.

Nói về lễ cúng Rằm tháng 7 ở chùa, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng nêu rõ trong “Tập tục đời người”: Ở các chùa thường thực hiện lễ cúng đàn “Mông sơn thí thực” của Phật giáo. Còn tại các chùa làng, người ta thường hay đọc bài “Văn tế thập loại chúng sinh” của Nguyễn Du, đọc thành 5 giọng kim, mộc, thủy, hỏa, thổ.

Trong cuốn “Nghi lễ thờ cúng truyền thống của người Việt”, tác giả Hồ Đức Thọ cũng viết về cách thờ cúng, cỗ bàn trong ngày lễ Vu Lan. Theo tác giả Hồ Đức Thọ, quan niệm dân gian cho rằng, sống trên đời khó ai vẹn toàn, không tội này thì tội khác. Nhưng dù tội lỗi gì thì vào dịp rằm tháng bảy, trong ngày lễ Vu Lan (còn gọi là tết Trung Nguyên), mọi vong nhân ở cõi âm đều được tha. Do vậy, trên trần gian, mọi nhà đều làm cỗ cúng Gia tiên, đốt vàng mã, hy vọng người chết sẽ nhận được, không bị rách rưới.

Tác giả Hồ Đức Thọ cũng nêu rõ, cúng lễ Vu Lan báo hiếu tại nhà thường có 4 lễ cúng: cúng Phật, cúng thần linh, cúng gia tiên và cúng thí thực cô hồn.

Lễ cúng Phật thường sắp cơm chay hoặc mâm ngũ quả, gia chủ đọc kinh Vu Lan để hiểu rõ về ngày này, và để hồi hướng công đức cho những người thân trong quá khứ được siêu sinh.

Lễ cúng thần linh và gia tiên thường cúng chay hoặc làm mâm cơm mặn, không thể thiếu hoa quả, bánh trái, hương, nến…

Ngoài việc cúng gia tiên, một số gia đình còn bày cỗ chúng sinh ở ngoài sân để cúng các cô hồn, mà dân gian thường gọi là cúng cháo.

Cúng cháo thường bày vào nong, nia, mẹt tùy theo cỗ nhiều hay ít. Lễ vật thường có cháo hoa, cơm vắt, chuối, ổi, bánh, kẹo, ngô rang, xôi chè nhưng đều cắt nhỏ như để chia cho nhiều người. Ngoài ra còn có giấy tiền, quần áo nhỏ...

Tác giả Hồ Đức Thọ giải thích, cúng cháo để bố thí cho các vong hồn không nơi thờ cúng, những người chết đường chết chợ, chết vì binh đao không ai hay biết, những cô nhi yểu vong không ai cúng giỗ... Tục lệ này mang tính nhân đạo, phản ánh bản chất thương đồng loại của nhân dân, dân tộc Việt Nam.

Nhiều năm qua, lễ Vu Lan cũng như những nghi thức cúng lễ đã có những thay đổi nhất định cho phù hợp với điều kiện xã hội. Tuy nhiên điều cốt lõi là tinh thần của lễ Vu Lan thì vẫn được giữ nguyên vẹn, đặc biệt là tinh thần hiếu kính đối với tổ tiên và các đấng sinh thành, tinh thần đùm bọc, sẻ chia tới cả những người đang sống và đã khuất của người Việt.