“Nghị quyết mới để xử lý công việc nhanh hơn, đáp ứng đòi hỏi phát triển của người dân”

NDO - Ngày 21/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cơ quan Thường trực tại miền nam Tạp chí Cộng sản, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Kinh tế-Luật phối hợp đồng tổ chức Hội thảo “Bàn giải pháp phát triển Thành phố Hồ Chí Minh theo tinh thần Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu chủ trì Hội thảo “Bàn giải pháp phát triển Thành phố Hồ Chí Minh theo tinh thần Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”.
Các đại biểu chủ trì Hội thảo “Bàn giải pháp phát triển Thành phố Hồ Chí Minh theo tinh thần Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”.

Hội thảo được tổ chức nhằm đưa ra dự báo ảnh hưởng của hai Nghị quyết đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới; bàn về các giải pháp chiến lược để có những cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần hai Nghị quyết; tạo diễn đàn khoa học để các nhà lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia nghiên cứu, các đơn vị liên quan, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức cùng trao đổi, thảo luận đóng góp trí tuệ giúp thành phố triển khai hiệu quả hai nghị quyết trên.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày tham luận cùng nhiều ý kiến phát biểu tâm huyết khác gợi mở nhiều giải pháp chiến lược dài hạn, ngắn hạn để Thành phố Hồ Chí Minh nhanh chóng đưa Nghị quyết số 31-NQ/TW và Nghị quyết số 98/2023/QH15 vào cuộc sống.

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Trên cơ sở định hướng, mục tiêu, tầm nhìn được xác định trong Nghị quyết số 31-NQ/TW, Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện việc rà soát để điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2060.

Bước tiếp theo là Thành phố khẩn trương hoàn thiện quy hoạch ngành, lĩnh vực gắn với quản lý đô thị, tạo điều kiện phát triển nhanh, bền vững, có bản sắc và không ngừng nâng cao đời sống của người dân.

“Nghị quyết mới để xử lý công việc nhanh hơn, đáp ứng đòi hỏi phát triển của người dân” ảnh 1

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo.

Cũng theo bà Phạm Phương Thảo, Thành phố cần quan tâm triển khai các giải pháp như: nhanh chóng khởi động lại những công trình “đóng băng” và chuẩn bị khởi công những công trình mới; đẩy mạnh liên kết với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên; xây dựng chất lượng nguồn nhân lực; tiếp tục hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương; tăng cường sự lắng nghe, chỉ đạo thực tiễn.

Kết thúc bài phát biểu, bà Phạm Phương Thảo chia sẻ: “Tôi thường nghe câu hỏi của người dân là được lợi gì khi có Nghị quyết mới? Câu trả lời tâm đắc nhất là Nghị quyết mới để xử lý công việc người dân nhanh hơn, đáp ứng được đòi hỏi phát triển của người dân”.

PGS,TS, Vụ trưởng Trưởng Cơ quan Thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền trung-Tây Nguyên Trần Thọ Quang, nhấn mạnh, trong hai Nghị quyết mới, nhiều cơ chế, chính sách mới đã được ban hành, áp dụng cho Thành phố với 44 cơ chế, chính sách đặc thù. Đây được xem là một “đột phá”, “bệ phóng” để thúc đẩy Thành phố phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.

Tuy nhiên, để xây dựng được Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, thành phố cần tập trung giải quyết tốt các nhiệm vụ giải pháp như: đẩy mạnh hơn nữa tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để sớm đưa các công trình, dự án vào hoạt động. Đặc biệt, chú trọng giải ngân các dự án trọng điểm mang tính kết nối vùng, có tác động lan tỏa cao, như dự án Me-tro số 1, Me-tro số 2, Vành đai 3, nhà ga T3, cao tốc Hồ Chí Minh - Mộc Bài,…|

“Nghị quyết mới để xử lý công việc nhanh hơn, đáp ứng đòi hỏi phát triển của người dân” ảnh 2

PGS,TS, Vụ trưởng Trưởng Cơ quan Thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền trung-Tây Nguyên Trần Thọ Quang phát biểu tại hội thảo.

“Đồng thời, Thành phố cần tích hợp cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất thân thiện với môi trường, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, hạn chế chất thải; thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn…”, ông Trần Thọ Quang nêu đề xuất.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Minh Hải, Trưởng phòng Báo chí-Xuất bản thuộc Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đề xuất sự cần thiết phải liên kết thông tin, truyền thông vùng trong tổng thể liên kết vùng

Vùng Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm công nghiệp, công nghệ cao chuyên sâu, là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ chất lượng cao mang tầm cỡ quốc gia và khu vực. Đây cũng là trung tâm du lịch văn hóa lịch sử, du lịch rừng, cảnh quan tầm quốc gia; là trung tâm thể thao, văn hóa, giáo dục, trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của cả nước và trong khu vực.

Ông Nguyễn Minh Hải đánh giá, cơ chế, chính sách đặc thù dành cho các địa phương, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh, bước đầu đã phát huy được nhiều kết quả tích cực, nhưng để tiếp tục đạt được những kết quả lớn hơn, bền vững hơn thì cần phải thực hiện việc liên kết, phối hợp giữa các địa phương, nhất là các địa phương trong Vùng Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong việc liên kết vùng, vấn đề liên kết về thông tin, truyền thông cần được nghiên cứu một cách toàn diện để có giải pháp phù hợp, nhằm phát huy hiệu quả truyền thông tốt nhất của cả Vùng và cho từng địa phương.

“Đương nhiên, với điều kiện, vai trò và vị thế của mình, Thành phố Hồ Chí Minh phải luôn phát huy tính tích cực, chủ động, gợi mở cho cả vùng và cho các địa phương khác, trên tất cả các lĩnh vực; trong đó có vấn đề thông tin và truyền thông, nhằm tạo điều kiện để Thành phố phát triển mạnh mẽ hơn nữa, làm đầu tàu cho sự phát triển ổn định và bền vững của cả vùng”, ông Nguyễn Minh Hải nhấn mạnh.