“Nghị quyết của Quốc hội sẽ bao gồm nội dung tăng xử phạt lái xe vi phạm nồng độ cồn”

NDO -

NDĐT- Thông tin trên được Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đưa ra trong buổi trao đổi với báo chí chiều 10-6, liên quan một số nội dung trong dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc (bên phải) và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi chủ trì họp báo chiều 10-6.
Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc (bên phải) và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi chủ trì họp báo chiều 10-6.

Mở đầu cuộc họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc một lần nữa giải thích, làm rõ về việc xin ý kiến đại biểu Quốc hội về nội dung quy định đối với lái xe tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn trong dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Cụ thể hai phương án được xin ý kiến tại Quốc hội nhưng không quá bán tỷ lệ tán thành là: Phương án 1: Quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn; Phương án 2: Quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông.

“Đây là xin ý kiến các phương án chứ chưa phải là biểu quyết thông qua dự thảo luật, trên cơ sở các phương án này, ban soạn thảo mới hoàn chỉnh dự án luật trình Quốc hội thông qua. Về phương án 2, ban soạn thảo muốn thể hiện quy định này trong Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia, các đại biểu không nhất trí thì quy định này vẫn ở trong Luật Giao thông đường bộ”, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết thêm, với hai phương án này Quốc hội đã biểu quyết và không nhất trí cả hai phương án thì đương nhiên cả hai phương án này không thể đưa vào luật được.

“Cần tránh hiểu sai rằng đại biểu Quốc hội không đồng tình với việc tăng nặng xử phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn, phương án này Quốc hội biểu quyết không đưa vào Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia còn quy định về xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn vẫn được giữ nguyên như trong Luật Giao thông đường bộ. Trong Nghị quyết chung tới đây của Quốc hội, chúng tôi sẽ đưa vào nội dung liên quan việc sẽ giao Chính phủ tăng hình thức xử phạt lên đối với lái xe vi phạm nồng độ cồn”, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.

Đề nghị có lộ trình tăng thuế thu nhập đặc biệt đối với sản phẩm rượu, bia

Về việc tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội nhằm tăng tính ngăn chặn và phòng ngừa việc tiếp cận và tiêu thụ rượu, bia cũng như hạn chế tác hại của rượu, bia, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã cùng cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội để tăng cường biện pháp ngăn chặn tình trạng lạm dụng rượu, bia gây tai nạn giao thông. Đặc biệt là ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đề nghị tiếp thu một số ý kiến trong đó có ý kiến quay trở lại Điều 3 là có lộ trình tăng thuế thu nhập đặc biệt đối với sản phẩm rượu, bia.

Bên cạnh đó, Điều 21 trong dự thảo luật cũng khuyến khích các giải pháp cấm tất cả các trường hợp người tham gia giao thông kể cả xe máy, ô-tô, tàu hoả sử dụng rượu, bia. Tuy nhiên, điều này không có tính chất pháp lý cao hơn như chúng ta xin ý kiến phương án 1 về quy định đối với lái xe vi phạm nồng độ cồn là cấm hoàn toàn, Điều 21 không cấm mà chỉ khuyến khích nên chúng ta phải tăng cường công tác giáo dục.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Chính phủ cũng đề xuất đưa vào Nghị quyết chung của Quốc hội một nội dung về việc tăng cường các biện pháp ngăn chặn tình trạng lạm dụng rượu, bia khi tham gia giao thông gây tai nạn giao thông. Chính phủ đang nghiên cứu sửa Luật Giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, nghiên cứu mức xử lý cứng rắn hơn, nếu đưa vào Nghị quyết như vậy thì Chính phủ sẽ có phương án xử lý tích cực hơn.