Sau gần 2 năm ứng phó đại dịch Covid-19, nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác phòng, chống dịch. Đến nay, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát; số người mắc và số người tử vong do dịch bệnh những ngày qua liên tục giảm. Cuộc sống đang dần trở về trạng thái bình thường mới. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội đang được khôi phục và ngày càng sôi động hơn.
Từ thực tiễn tình hình, Chính phủ xác định mục tiêu công tác phòng, chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội; chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Trên tinh thần này, ngày 11/10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Nghị quyết 128 được dư luận, người dân đánh giá cao và cho rằng đã tạo ra bước ngoặt trong tư duy, cách thức mới trong phòng, chống dịch; chính sách chống dịch sẽ quy về một mối, thống nhất trong toàn quốc, phá vỡ tình trạng "đóng băng" trong sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động kinh tế - xã hội ở một số nơi trong thời gian vừa qua; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới.
Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Để làm tốt công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới, chúng ta cần có bài học kinh nghiệm:
Thứ nhất, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, đồng bộ, nhất quán từ Trung ương đến địa phương. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành và phải huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động tất cả các nguồn lực ở trong nước cũng như nước ngoài, nguồn lực của người dân, doanh nghiệp để tham gia phòng, chống dịch.
Phân cấp phân quyền và phát huy tính chủ động linh hoạt ở từng cấp để tổ chức thực hiện, nhất là cấp cơ sở, đi đôi với tăng cường kiểm tra giám sát hướng dẫn hỗ trợ thực hiện, kết hợp hài hòa giữa việc thực hiện 4 tại chỗ. Kịp thời huy động mọi nguồn lực từ Trung ương đến địa phương, tập trung nguồn lực hỗ trợ các địa phương đang hoặc có nguy cơ bùng phát dịch.
Bám sát thực tiễn, nắm chắc và dự báo sát tình hình dịch bệnh để đưa ra các biện pháp kịp thời, hiệu quả. Cùng với đó, chủ động xây dựng kịch bản, phương án chống dịch từ sớm, đồng bộ tại các cấp để thực hiện.
Bình tĩnh, không hốt hoảng, đồng thời không lơ là chủ quan vì chúng ta chống dịch chưa có tiền lệ, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm; kịp thời tham khảo kinh nghiệm của các nước và các biện pháp, giải pháp mà chúng ta đã thực hiện, được chứng minh hiệu quả. Đồng thời kiên định, kiên trì, nhất quán trong lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch, đặc biệt khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội thì phải thực hiện nghiêm, dứt khoát, xác định rõ mục tiêu, biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời triển khai các biện pháp một cách linh hoạt theo phạm vi, đối tượng, thời gian và thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội cũng như trật tự an toàn xã hội.
Huy động tổng lực ngành y tế và điều trị từ sớm từ xa để giảm nguy cơ tử vong. Hình thành được trạm y tế lưu động để cung cấp dịch vụ y tế cho người dân ngay từ cơ sở, đặc biệt là các địa bàn thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách, để bảo đảm cho người dân tiếp cận được dịch vụ y tế ban đầu, không chỉ y tế cho phòng, chống dịch mà cả chăm sóc y tế, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Cùng với đó, chúng ta phải tiếp cận và chuẩn bị các nguồn lực vaccine, thuốc điều trị để chủ động trong phòng, chống dịch.
Cuối cùng, làm tốt công tác thông tin, truyền thông tạo sự đồng thuận cho người dân. Thông tin phải chủ động đi trước một bước từ đó để người dân hiểu, đồng cảm, thống nhất, đồng thuận với các biện pháp để thực hiện thống nhất từ T.Ư đến địa phương.
Tùy mỗi thời điểm phòng chống dịch khác nhau, chúng ta đưa ra những giải pháp khác nhau, phù hợp với tình hình thực tế. Đợt dịch thứ 1, 2, 3, chúng ta đều đưa những giải pháp phù hợp. Đặc biệt đợt dịch thứ 4 này, sau thời gian dài triển khai các biện pháp với nhận định của WHO và của các nước trên thế giới, chúng ta thấy, trong bối cảnh hiện nay, phải thực hiện theo nguyên tắc linh hoạt, an toàn, kiểm soát dịch hiệu quả.
Chính vì thế, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ cũng như Quyết định 4800 của Bộ Y tế và các hướng dẫn của các bộ, ban ngành được quy định trong Nghị quyết 128, các địa phương có thể linh hoạt áp dụng các biện pháp cụ thể nhưng không trái các quy định của T.Ư, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất, việc đi lại của người dân.
Sau khi ban hành các hướng dẫn của Bộ Y tế cũng như của các bộ, ngành khác, trong trường hợp các quy định, hướng dẫn của T.Ư khả năng thực thi chưa kịp thời hoặc khó khăn, đề nghị các địa phương báo cáo kịp thời về các cơ quan của T.Ư để các bộ, ngành có hướng dẫn kịp thời, phù hợp, tháo gỡ khó khăn ngay cho các địa phương.
Đồng thời, các địa phương tổng hợp báo cáo về Bộ Y tế để tổng hợp, báo cáo với Ban Chỉ đạo quốc gia, để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, có điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên, đây là Nghị quyết hiện nay được các cấp, các ngành và nhân dân đón nhận rất tích cực, vì vậy, Bộ Y tế đề nghị một lần nữa các địa phương không đưa ra các biện pháp bổ sung không phù hợp Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Đình Thọ: Trước hết, chúng ta phải hiểu và nhận thức đúng là trong mọi điều kiện, kể cả trạng thái bình thường hay trong giai đoạn chống dịch thì ngành GTVT luôn luôn phải đáp ứng được mọi yêu cầu.
Từ nhận thức đó và từ quan điểm, chỉ đạo của Chính phủ và của ngành, chúng tôi xác định là khi đất nước đang ở trạng thái bình thường bắt đầu phòng chống dịch thì chúng ta chuyển sang trạng thái mới. Khi đã chuyển sang trạng thái mới rồi thì ngành GTVT cũng phải thích ứng kịp thời và phải bảo đảm phục vụ lưu thông hàng hóa, phục vụ đi lại của người dân và phục vụ phòng, chống dịch tốt nhất.
Chính từ quan điểm chỉ đạo, từ nhận thức đó, trước hết, chúng tôi quán triệt toàn ngành, từ T.Ư đến địa phương, phải nắm được quan điểm này để tổ chức thực hiện đồng bộ, thể hiện vai trò của ngành trong phòng, chống dịch. Kết quả này cho thấy, tuy chúng ta tổ chức triển khai giãn cách xã hội, có những địa phương thực hiện theo Chỉ thị 15, nhưng cũng có địa phương thực hiện theo Chỉ thị 16, và có những địa phương thực hiện trên Chỉ thị 16, điều kiện còn ngặt nghèo hơn. Hoặc sau này, chúng ta thực hiện theo Chỉ thị 19. Tức là theo cấp độ phòng, chống dịch thì ngành GTVT cũng phải thích ứng kịp thời.
Có thể nói năm 2020, trong lĩnh vực vận tải hàng hóa và vận tải hành khách, đến giờ chúng tôi nhận định và đánh giá ngành GTVT vẫn đang đáp ứng được nhu cầu phục vụ phòng, chống dịch; đồng thời thực hiện mục tiêu kép là phục vụ phát triển kinh tế và sự đi lại của người người dân, đáp ứng rất kịp thời, thể hiện ở một số lĩnh vực.
Thứ hai, đối với ngành GTVT, trước tình hình diễn biến như thế, ngoài đưa ra quan điểm chỉ đạo sát tình hình, sát chủ trương của Đảng, của Chính phủ trong chỉ đạo phòng, chống dịch, chúng tôi còn đưa ra giải pháp cụ thể sát với tình hình của ngành.
Đó là ngành GTVT xác định không thể đứt được chuỗi cung ứng, trong đó khâu lưu thông là vấn đề vô cùng quan trọng phục vụ cho phòng chống dịch. Chúng tôi đã xác định những nơi áp dụng cấp độ khác nhau nhưng vẫn phải tổ chức vận tải, kể cả vùng có dịch hay vùng không có dịch. Rồi vấn đề phối kết hợp, thí dụ phải duy trì được cầu hàng không vận chuyển từ Hà Nội tới TP Hồ Chí Minh, vừa vận chuyển vật tư thiết yếu, thuốc men, đồng thời, vận chuyển nguồn nhân lực để hỗ trợ cho các tỉnh phía nam phòng, chống dịch; phục vụ sự đi lại trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.
Đối với hàng hóa, Bộ GTVT cũng xác định không để đứt gãy chuỗi hàng hóa nên phải duy trì bằng mọi cách, thí dụ như tại TP Hồ Chí Minh là khu vực cảng Cát Lái, và một số cảng của Đồng Nai, Bình Dương gắn liền với những khu công nghiệp, khu chế xuất. Ở đây, chúng ta vẫn tổ chức thực hiện sản xuất tại chỗ, duy trì sản xuất để vẫn có sản phẩm cho xuất khẩu hàng hóa.
Do đó, bộ phải giữ vững được chuỗi vận tải và đến bây giờ, có thể khẳng định hàng hóa xuất khẩu trong dịp vừa rồi, nhất là qua cảng biển lớn như Hải Phòng, khu vực cảng Cái Mép-Thị Vải, khu vực Đồng Nai, Quy Nhơn… vẫn được duy trì.
Vấn đề thứ hai là, khi tổ chức giao thông, bộ cũng phải đưa ra những giải pháp đế thích ứng kịp thời. Thí dụ, phải xác định đối tượng vận chuyển được ưu tiên, ưu tiên thì phải có nhận diện. Từ đó, bộ đưa ra mã QR để nhận diện những phương tiện được ưu tiên để cho phép lưu thông kịp thời.
Một vấn đề nữa là khi phòng, chống dịch, Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo một trong những giải pháp phải sẵn sàng là phương tiện và nguồn nhân lực để khi có yêu cầu là đáp ứng. Việc này vừa rồi đã thể hiện rất rõ, đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh, lực lượng giao thông ở thành phố đã có kế hoạch thích ứng rất kịp thời trong từng giai đoạn nên khi có điều động, có huy động người, phương tiện, nhân vật lực để phục vụ chống dịch là đáp ứng được.
Chúng ta đều biết, vừa rồi người dân trở về quê, đi qua các tỉnh, thành phố. Các địa phương đã chỉ đạo và các sở đã chuẩn bị sẵn sàng từ xe vận chuyển hàng hóa, đến vận chuyển người, khi có điều kiện là đưa lực lượng này tiếp ứng kịp thời… Tất cả những việc này, bộ phải có chỉ đạo theo ngành dọc để luôn sẵn sàng và đáp ứng được mọi yêu cầu. Có thể khẳng định đến thời điểm này, lĩnh vực GTVT, từ huy động nguồn lực đến phương tiện, con người để phục vụ vận chuyển hàng hóa, đi lại của nhân dân… chưa bị đứt gãy.
GS Nguyễn Anh Trí: Để thực hiện hiệu quả hơn nữa các biện pháp chống dịch, cần tập trung vào những vấn đề sau:
Đầu tiên là người dân tiếp tục phải tuân thủ 5K và quan trọng là khai báo y tế, đưa ứng dụng PC-Covid vào để kiểm soát rộng hơn.
Thứ hai là vấn đề tiêm phủ vaccine bây giờ rất cấp thiết, ai ai cũng cần vaccine, tỉnh, thành phố nào cũng cần vaccine. Bộ Y tế hiện nay vẫn đang ưu tiên tuyến đầu chống dịch. Cần ưu tiên thêm đội ngũ shipper là rất quan trọng và đối tượng học sinh, sinh viên cũng phải ưu tiên tiêm vaccine để các em có thể đi học lại bình thường.
Tuy nhiên, có một vấn đề là ở một số nước, mới đầu mọi người rất hăng hái tiêm vaccine nhưng sau khi dịch tạm ổn thì lại không tích cực tiêm nữa. Thí dụ ở Mỹ, người dân bây giờ lại không chịu tiêm, hay Liên bang Nga - nước sản xuất vaccine - nhưng giờ mới có chừng 35% dân số tiêm đủ dẫn đến vài ngày gần đây, Nga có rất nhiều người tử vong vì Covid-19.
Thứ ba là vấn đề dập dịch, chúng ta đã có kinh nghiệm trong công tác dập dịch suốt thời gian vừa qua nhưng bây giờ làm phải gọn, phải đúng, phải trúng, không phong tỏa diện rộng nữa. Các biện pháp cách ly, phong tỏa phải làm rất nhanh và hợp lý.
Thứ tư là vấn đề xét nghiệm, không bao giờ được bỏ khâu này, WHO cũng khuyến cáo phải xét nghiệm. Nhưng bây giờ chúng ta phải rút kinh nghiệm là xét nghiệm phải thần tốc, nhưng thần tốc phải có trọng điểm, hợp lý, hiệu quả. Nếu ta không xét nghiệm đúng và trúng, để bỏ sót ca F0 nào trong cộng đồng sẽ dễ gây ra lây lan rất nguy hiểm.
Thứ năm, chúng ta tổ chức điều trị phải tốt và hiệu quả. Vừa qua những kinh nghiệm điều trị các ca bệnh ở TP Hồ Chí Minh và Bình Dương là bài học quý báu về vấn đề này và cần tiếp tục phát huy...
TS Lưu Bình Nhưỡng: Trong quy định về tổ chức thực hiện Nghị quyết, Chính phủ đã đề ra 28 vấn đề, trong đó quy định rất rõ các địa phương có 5 nhiệm vụ chính. Các địa phương phải căn cứ vào 5 quy định đã được giao để thực hiện một cách nghiêm túc, tất cả mọi lĩnh vực.
Trên cơ sở đó, các địa phương phải xây dựng được chương trình, kịch bản riêng cho mình về phát triển kinh tế xã hội và tôi thấy TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên đề ra được kế hoạch phát triển kinh tế thời kỳ hậu Covid-19.
Nghị quyết 128 được xây dựng trên cơ sở đánh giá tất cả tình hình của các địa phương, ý kiến của địa phương, ý kiến của chuyên gia, các nhà khoa học và Ban Chỉ đạo quốc gia. Ở khía cạnh nào đó, Nghị quyết này rất kín kẽ ở tất cả các mặt. Khi đã đặt ra 5 vấn đề cho các địa phương, địa phương phải tuân thủ, điều đó không có nghĩa là chúng ta buông lỏng những vấn đề chúng ta đã đề ra trong 2 Nghị quyết 105 và 116 được ban hành cách nhau nửa tháng trong tháng 9/2021. Các địa phương trên cơ sở đó phải phân bổ, huy động nguồn lực cho y tế và cho phát triển kinh tế xã hội, an sinh xã hội.
Trên cơ sở đó dự báo được tình hình, không được chủ quan mà phải dự báo địa điểm nào có. Khi ta mở cửa lại du lịch, mở cửa lại trường học thì phải đánh giá được tình hình để đặt ra các tình huống, kịch bản cụ thể. Đặc biệt là đẩy mạnh công tác truyền thông. Địa phương mà không truyền thông, không có hướng dẫn, không có tuyên truyền giáo dục phổ biến pháp luật cũng như phổ biến sự hiểu biết cho người dân, kể cả các biện pháp phòng, chống dịch, vận dụng tất cả các phương pháp mà chúng ta cứu chữa… thì người dân rất khó có thể chủ động.
Tất cả các địa phương phải tuân thủ, tiếp tục thực hiện các chiến lược vaccine theo quy định của Thủ tướng và của Bộ Y tế. Đồng thời chủ động linh hoạt trong vấn đề thuốc chữa. Bên cạnh điều trị bệnh nhân Covid-19 thì chúng ta cũng phải chăm sóc các bệnh nhân khác. Phải nghĩ ngay đến vấn đề hậu Covid-19 như thế nào, đặc biệt là đối với những địa phương vừa qua có tổn thất nặng nề.