Nghị lực sống của cô gái khiếm thị

Khi phát hiện bản thân không còn khả năng nhìn thấy “ánh sáng mặt trời”, Đào Thu Hương (SN 1985) không cho phép mình đầu hàng số phận. Thu Hương trở thành điều phối viên dự án Samaritan’s Purse (Tổ chức Cứu trợ nhân đạo quốc tế) của Mỹ tại Việt Nam và là một trong những người đầu tiên đưa công nghệ sản xuất sách DAISY (Digital Accessible Information System - Hệ thống thông tin kỹ thuật số dễ tiếp cận) vào thực tiễn.

Thu Hương tự học hỏi, trau dồi kiến thức cho bản thân.
Thu Hương tự học hỏi, trau dồi kiến thức cho bản thân.

Từ khi sinh ra, đôi mắt Thu Hương đã không được tinh nhanh như bao người khác. Chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh tình của Hương vẫn không hề thuyên giảm. Đến tuổi đi học với đôi mắt không nhìn rõ, Thu Hương vẫn bộc lộ tố chất thông minh, ham học hỏi. Học tới lớp 4, đôi mắt của Hương đã vĩnh viễn không còn nhìn được. Gia đình phải chuyển Hương sang học tại Trường Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội), ngôi trường chuyên biệt dành cho người khiếm thị. "Ngày đó, tôi vẫn không biết rằng mình khác biệt so với các bạn ở trường cũ. Khi vào Trường Nguyễn Đình Chiểu, các bạn chạy ra, bạn chạm tay, bạn chạm mặt... rồi hỏi tôi nhiều điều, tôi mới tin rằng mình là một cô bé khiếm thị", Thu Hương chia sẻ.

Buồn nhưng không phó mặc cuộc sống, Thu Hương dành hầu hết thời gian trên chiếc bàn học để làm quen với chữ nổi. Sau bao ngày miệt mài học tập, Hương đã được công nhận với những thành tích, như: Danh hiệu học sinh giỏi với điểm tổng kết hơn 9,0 trong nhiều năm học; một trong 20 học sinh tiêu biểu của Thủ đô (năm 2003)... Bằng những kiến thức được trang bị tại Trường Nguyễn Đình Chiểu, tự tin mình có thể hòa nhập với mọi người chung quanh nhưng Hương luôn tâm niệm rằng, không thể gắn kết thật sự nếu không hòa nhập. Niềm khát khao được học, được tìm tòi, được sống đúng với lứa tuổi của mình đã thành hiện thực khi Thu Hương được nhận vào Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội). Không phải là trường dành cho học sinh khiếm thị cho nên để có giáo trình học với Hương cũng là một điều khó khăn. Mẹ của Thu Hương phải đặt sách nổi từ Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Với sách tham khảo, sách nâng cao thì hằng ngày mẹ cô phải mua về đọc và thu âm vào băng cho Hương nghe. Vượt qua những trở ngại trên con đường đi tìm kiến thức, Hương trở thành niềm tự hào của gia đình và nhà trường. Năm 2008, Tập đoàn Microsoft trao tặng Hương danh hiệu “Anh hùng thầm lặng”. Hương còn là học sinh duy nhất được tuyển thẳng vào khoa Tiếng Anh, Trường đại học Sư phạm Hà Nội và bốn năm sau tốt nghiệp thủ khoa.

Năm 2012, Thu Hương nhận được học bổng khóa học đào tạo kỹ năng lãnh đạo cho người khuyết tật tại Nhật Bản. Hương có cơ hội được tiếp xúc và học hỏi về công nghệ sản xuất sách DAISY. Luôn đau đáu, khát khao làm những điều có ý nghĩa đối với cộng đồng người khuyết tật, nhất là những người khiếm thị, Thu Hương đã tìm hiểu kỹ lưỡng những tính năng vượt trội của công nghệ sản xuất sách DAISY để đem sách đến gần hơn với người khuyết tật ở Việt Nam. “Khó khăn với mỗi người khiếm thị là khi học đại học không có tài liệu, bản thân mỗi người khiếm thị phải tự tìm cách để có được một cuốn giáo trình, như nhờ người thân đọc lại sau đó thu vào file ghi âm; quét trên máy tính để chuyển định dạng… Phải mất cả tháng mới hoàn thành được một cuốn giáo trình, vì thế việc tiếp thu kiến thức trên giảng đường sẽ bị hạn chế”, Thu Hương cho biết. Năm 2016, tổ chức phi Chính phủ Malteser International (Tổ chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam về các lĩnh vực Giảm nhẹ rủi ro thiên tai bền vững và Cứu trợ khẩn cấp) đã đồng ý hợp tác với Thu Hương để sản xuất sách DAISY đầu tiên mang tên “Hướng dẫn Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng có hòa nhập người khuyết tật”, với hai bản tiếng Anh và tiếng Việt. Cuốn sách đã được phổ biến tới cộng đồng người khuyết tật, nhất là người khiếm thị và những tổ chức, ban, ngành hoạt động trong lĩnh vực giảm nhẹ rủi ro thiên tai ở các tỉnh miền trung Việt Nam.

Với mong muốn chia sẻ kiến thức với những người đồng cảnh ngộ, Hương cùng sáu người bạn thành lập nhóm Điểm tựa. Nhóm đã tổ chức nhiều hoạt động gia sư, mở các lớp định hướng việc làm, tập huấn kỹ năng giao tiếp với người khiếm thị... Các dự án của nhóm trở thành cầu nối kết nối người khuyết tật với xã hội, giúp người khuyết tật hòa nhập hơn với cộng đồng. Thời gian tới, Thu Hương mong muốn tiếp tục mở các lớp tập huấn về công nghệ DAISY để phổ biến, nhân rộng (trước hết là ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh) và làm việc với nhà xuất bản để sản xuất sách giáo khoa kỹ thuật số.

Sách DAISY là sách kỹ thuật số dễ tiếp cận đối với người khiếm thị, người khuyết tật, người bị rối loạn chức năng đọc hiểu, khó đọc, tự kỷ... Sách DAISY có tính năng vượt trội là âm thanh và văn bản chạy song song, cho phép điều chỉnh độ sáng, độ tương phản, cỡ chữ văn bản, di chuyển linh hoạt đến từng trang, từng chương của cuốn sách mà không cần tua lại nhiều để tìm kiếm, đánh dấu trang để đọc lần sau.