Nghi lễ và trò chơi Kéo co được UNESCO vinh danh

NDO -

NDĐT - Ngày 2-12, tại TP Windhoek, Cộng hòa Namibia, lúc 12 giờ 15 phút (khoảng 17 giờ 15 phút, giờ Việt Nam), tại phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 10 của UNESCO, Nghi lễ và trò chơi Kéo co ở Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc, Philippines đã chính thức được ghi vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của Nhân loại.

Nghi lễ và trò chơi Kéo co ở Vĩnh Phúc.
Nghi lễ và trò chơi Kéo co ở Vĩnh Phúc.

Nghi lễ và trò chơi Kéo co là Hồ sơ liên quốc gia do bốn nước cùng xây dựng và đệ trình UNESCO gồm Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc, Philippines.

Được thực hành rộng rãi trong văn hóa trồng lúa ở Đông và Đông - Nam Á, Nghi lễ và trò chơi Kéo co được thực hiện với mong ước cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu hay những tiên đoán liên quan đến sự thành công hay thất bại của nỗ lực trồng cấy.

Tùy vào mỗi quốc gia thành viên, nghi lễ và trò chơi kéo co được tổ chức ở cấp độ toàn quốc hoặc tại các vùng nhất định trong từng nước. Đơn cử như ở Campuchia, di sản được thực hành thường xuyên bởi các cộng đồng trồng lúa nằm chung quanh Hồ Lớn (Great Lake) của Biển Hồ Tonle Sap và khu vực phía bắc Angkor, di sản thế giới được nhiều người biết đến. Ở Philippines, Hungduan là một thị trấn thuộc tỉnh Ifugao, có ranh giới phía tây bắc là tỉnh Mountain và phía tây nam là Benguet. Ở chín barangay (cấp hành chính địa phương thấp nhất ở Philiipines) tạo nên thị trấn Hungduan, chỉ có Hapao Proper, Nungulunan, and Baang thực hành kéo co. Ba barangay này nằm ở trung tâm của thị trấn Hungduan và nổi bật với những ruộng bậc thang rộng ngút ngàn, được ngăn bằng các vỉa đá. Trong khi đó, ở Hàn Quốc, hầu hết các thị trấn ở các vùng nông nghiệp đều tổ chức nghi lễ và trò chơi kéo co. Thực hành này đặc biệt phổ biến ở các vùng đồng bằng rộng và bằng phẳng, thí dụ ở các khu vực phía tây nam của bán đảo Hàn Quốc. Các địa bàn nổi tiếng về nghi lễ và trò chơi kéo co gồm có: các khu vực nông nghiệp của Dangjin, Namhae, Milyang, và Uiryeong, Changnyeong cũng như các khu vực nửa nông nghiệp và nửa ngư nghiệp ở Samcheok.

Riêng ở Việt Nam, nghi lễ và trò chơi kéo co tập trung hầu hết ở vùng trung du, đồng bằng sông Hồng và bắc Trung Bộ, nơi được xem là vùng đất tụ cư lâu đời của người Việt, là cái nôi của nền văn minh lúa nước.

Theo các tài liệu thống kê, trung tâm của di sản độc đáo này nằm ở vùng Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, di sản còn được thực hành thường xuyên bởi các tộc người ở miền núi phía bắc Việt Nam như người Tày, người Thái và người Giáy tỉnh Lào Cai, vốn là những cư dân trồng lúa sớm trong lịch sử. Trong những năm qua, nhiều hồ sơ di sản về nghi lễ và trò chơi kéo co ở Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội… đã được đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Việc ghi danh này không chỉ mang ý nghĩa vinh danh di sản độc đáo này ở Việt Nam mà còn có ý nghĩa góp phần xây dựng Hồ sơ Liên quốc gia đệ trình UNESCO.

Theo Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể Nghi lễ và trò chơi Kéo co đáp ứng những tiêu chí sau để đăng ký vào Danh sách đại diện:

R.1: Nghi lễ và trò chơi Kéo co của của các cộng đồng liên quan trong hồ sơ đề cử là một tập quán xã hội có giá trị tạo ra sự bình đẳng; các biểu hiện thực hành đa dạng ở từng quốc gia thành viên; một số tri thức và kỹ năng được trao truyền qua truyền khẩu hoặc thông qua quan sát trực tiếp và tham gia, một số lại được truyền dạy tại các trung tâm đào tạo, trường học và các viện bảo tàng;

R.2: Thông qua các biểu hiện thực hành đa dạng cũng như sự thích ứng với điều kiện sinh thái ở mỗi cộng đồng, việc đề cử di sản có thể làm sáng tỏ vai trò quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể trong phát triển bền vững, cũng như giá trị của hằng số tái tạo dựa trên sự sáng tạo của con người; bản thân hồ sơ đề cử có giá trị như một dự án hợp tác giữa bốn quốc gia thành viên, cung cấp bằng chứng về giá trị của di sản này đối với việc khuyến khích đối thoại liên văn hóa;

R.3: Các biện pháp bảo vệ được xây dựng rõ ràng thông qua việc thiết lập kế hoạch, bao gồm các hoạt động cụ thể đáp ứng tình hình của từng quốc gia thành viên và của từng cộng đồng liên quan; bên cạnh đó là các biện pháp ứng phó với tình trạng không mong muốn như thương mại hóa di sản;

R.4: Hồ sơ đề cử được chuẩn bị với sự tham gia đầy đủ của các cộng đồng chủ thể, các nhóm, cá nhân, các chuyên gia và các cơ quan liên quan; đa dạng theo tình hình cụ thể của mỗi nước đệ trình; với các minh chứng thể hiện sự đồng thuận và tự nguyện đối với việc đề cử;

R.5: Nghi lễ và trò chơi Kéo co đã được kiểm kê tại các quốc gia thành viên: Hàn Quốc (1969), Campuchia (2013), Philippines (2013) và Việt Nam (2013).

Đây là hồ sơ di sản đa quốc gia đầu tiên mà Việt Nam tham gia đệ trình và được UNESCO ghi danh, thể hiện sự quan tâm và đánh giá cao của thế giới đối với cách tiếp cận mới của các quốc gia về di sản có chung đặc trưng cũng như sự chung tay bảo vệ di sản của các quốc gia thành viên đệ trình hồ sơ đa quốc gia này.

Nghi lễ và trò chơi Kéo co được UNESCO vinh danh ảnh 1

Chủ tịch phiên họp Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 10 của UNESCO gõ búa ghi danh Nghi lễ và trò chơi Kéo co.