Nghề truyền thống Hải Dương trong phát triển công nghiệp văn hóa

Hải Dương có nhiều nghề truyền thống tồn tại hàng trăm năm nay với những thương hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế như gốm Chu Đậu, múa rối nước Hồng Phong, tranh thêu Xuân Nẻo, chạm khắc vàng bạc Châu Khê…
Nghệ nhân hoàn thiện sản phẩm gốm Chu Đậu.
Nghệ nhân hoàn thiện sản phẩm gốm Chu Đậu.

Tiềm năng này đang được khai thác ở những bước đi đầu tiên để trở thành các sản phẩm hiệu quả của ngành công nghiệp văn hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và thụ hưởng văn hóa của nhân dân.

Đảy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình số 22-CTr/TU ngày 19/8/2021 của Tỉnh ủy Hải Dương về Phát huy giá trị văn hóa xứ Đông và xây dựng con người Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Qua nửa nhiệm kỳ, những dấu ấn về phát triển công nghiệp văn hóa đang dần hình thành, mở ra hướng đi để tỉnh bứt phá.

Là một trong những sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Hải Dương, sản phẩm gốm Chu Đậu của Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu (xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) có tên trong sản phẩm du lịch làng nghề và đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù “Con đường gốm Chu Đậu-Tinh hoa văn hóa Việt”. Từ nhiều năm nay, Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu là điểm du lịch, tham quan, học tập, trải nghiệm hấp dẫn trong chương trình du lịch làng gốm cổ Chu Đậu do tỉnh Hải Dương xây dựng.

Nổi bật với mầu men hanh vàng và họa tiết mầu lam đặc trưng, gốm Chu Đậu có hoa văn, họa tiết sắc nét, mang đậm bản sắc văn hóa Việt với bố cục hài hòa, thể hiện sự công phu trong quá trình chế tác. Làng nghề gốm Chu Đậu phát triển rực rỡ khoảng thế kỷ 15 đến thế kỷ 17. Do biến thiên lịch sử, dòng gốm này thất truyền gần 500 năm, không còn được nhắc đến nhiều, nhưng dư âm vẫn còn lại trong các tài liệu và không ít bộ sưu tập.

Năm 2001, Xí nghiệp Gốm Chu Đậu, nay là Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu thuộc Tổng công ty Thương mại Hà Nội-Công ty cổ phần (Hapro) thành lập dự án khôi phục làng nghề với mục tiêu khôi phục dòng gốm quý. Công ty đã mời các nghệ nhân từ nhiều địa phương, phối hợp nghiên cứu, thiết kế, đưa ra thị trường những sản phẩm mới dựa trên mẫu mã đặc sắc của gốm Chu Đậu.

Bên cạnh dòng sản phẩm phục dựng nguyên bản về họa tiết và hình khối những mẫu mã tinh xảo thời cổ như bình gốm phượng hoàng thời Lê, bình gốm thiên nga thời Lê Sơ, bình thiên phúc, hoa lam, tỳ bà… bốn dòng sản phẩm chủ lực hiện nay gồm đồ tâm linh, gia dụng, phong thủy và quà tặng. Các sản phẩm đều toát lên đặc trưng của văn hóa và nghệ thuật làm gốm Chu Đậu.

Sự hồi sinh của gốm Chu Đậu không chỉ làm sống lại tên tuổi một làng nghề truyền thống mà còn tạo việc làm cho nhiều người lao động. Hiện nay, công ty tập trung hơn 100 hộ gia đình làm nghề, tham gia vào các khâu sản xuất, trong đó có nhiều nghệ nhân và thợ thủ công lành nghề. Với đội ngũ thợ tay nghề cao, vừa trực tiếp sản xuất, vừa truyền dạy, các sản phẩm của gốm Chu Đậu luôn được hoàn thiện tỉ mỉ bởi đôi bàn tay tài khéo.

Gắn bó từ khi mới thành lập Xí nghiệp Gốm Chu Đậu, năm nay đã 85 tuổi nhưng Nghệ nhân Ưu tú Hạ Bá Định vẫn dành trọn tình yêu cho gốm Chu Đậu. Kế thừa tinh hoa tuyệt kỹ nghề của cha ông, ông Hạ Bá Định đã phục dựng nhiều mầu sắc cổ kết hợp kiểu dáng, mầu men, hoa văn, họa tiết phù hợp. Đến nay, ông tiếp tục truyền dạy, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ trong công ty kỹ thuật vẽ trang trí hoa văn và tạo hình gốm, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm.

Mẫu mã đặc sắc, hoa văn, họa tiết mềm mại mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, sản phẩm gốm Chu Đậu không chỉ đáp ứng thị trường nội địa mà còn thu hút khách hàng quốc tế. Trong quá trình phát triển, công ty chú trọng từ khâu sáng tạo sản phẩm, phát triển kỹ thuật và kiểu dáng, phù hợp thị trường, xây dựng nhận diện thương hiệu đến giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; mở rộng liên kết với du lịch, trở thành điểm du lịch văn hóa và làng nghề truyền thống hấp dẫn du khách.

Phường rối nước Hồng Phong ở thôn Bồ Dương, xã Hồng Phong, huyện Ninh Giang mới được Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương công nhận là điểm đến du lịch của tỉnh vào cuối năm 2023. Điểm nhấn độc đáo hấp dẫn thu hút du khách, trước tiên chính là những nghệ nhân của phường múa rối nước Hồng Phong.

Là những người nông dân nhưng sau giờ lao động, họ trở thành những nghệ sĩ biểu diễn múa rối thực thụ.Tự tạo tác con rối, dựng lại các tích trò cổ tái hiện và mô tả sinh động cảnh lao động, sản xuất chăn nuôi, sinh hoạt văn hóa của người dân bản địa, các trò múa rối nước dân gian cổ truyền như múa rồng, múa rắn, tễu chăn vịt, cày bừa… rất được khách nước ngoài ưa chuộng.

Theo các nghệ nhân trong phường, múa rối nước làng Bồ Dương (nay là xã Hồng Phong) có từ thế kỷ 17 hoặc sớm hơn. Trong di tích lịch sử văn hóa quốc gia, đình Bồ Dương nằm trong khuôn viên phường rối nước Hồng Phong lưu giữ các sắc phong và hoa văn chạm khắc hình ảnh của nghệ thuật múa rối nước. Đình làng Bồ Dương sau nhiều lần tu bổ, sửa chữa vẫn giữ được kiểu kiến trúc ngôi đình truyền thống vùng Đồng bằng Bắc Bộ.

Quần thể kiến trúc và di tích lịch sử hiện hữu gồm đình làng Bồ Dương, khu vực ao, nhà thủy đình, nhà văn hóa và nhà trưng bày con rối… rộng hơn 3.000 m2, phường rối nước Hồng Phong hội tụ đặc trưng của làng quê Việt Nam, là tài nguyên văn hóa, lịch sử để khai thác các tour du lịch tham quan kết hợp xem múa rối nước hấp dẫn.

Theo ông Phạm Văn Tòng, Trưởng phường Rối nước Hồng Phong, trò múa rối nước được ông cha truyền miệng, xây dựng tích truyện bằng sự quan sát cuộc sống chung quanh, sự sáng tạo và trực tiếp trình diễn. Diều sáo, pháo đất, đấu vật chọi trâu, múa rồng, múa rắn… đều là văn hóa cổ xưa, mô tả, phản ánh đời sống sinh hoạt, nền sản xuất nông nghiệp, văn hóa, lễ hội, phong tục của cư dân vùng châu thổ sông Hồng. Người diễn sử dụng cây tre nứa lá, vật dụng chung quanh tái hiện công cụ thủ công lao động, chăn nuôi, sản xuất. Đây là lý do khách nước ngoài ưa thích xem rối cổ truyền đậm nét văn hóa Việt Nam.

Trước kia, múa rối nước chủ yếu phục vụ lễ hội làng và nhân dân trong vùng sau những ngày lao động sản xuất. Từ năm 1989 tái lập đến nay, với tâm niệm đây là di sản của quê hương, các nghệ nhân của phường rối nước Hồng Phong không ngừng nỗ lực, gìn giữ nghệ thuật truyền thống của ông cha, đồng thời nâng cao chất lượng biểu diễn, phục vụ du khách trong và ngoài nước. Nhiều năm nay, phường múa rối nước Hồng Phong đã đi giao lưu, phục vụ lễ hội các địa phương trong tỉnh, tham dự các liên hoan toàn quốc… để quảng bá nghệ thuật múa rối nước Hồng Phong. Các nghệ nhân múa rối nước còn năng động, tích cực chủ động tìm kiếm hợp đồng biểu diễn với các công ty du lịch.

Phường múa rối nước Hồng Phong hồi sinh góp phần khai phá tiềm năng của điểm du lịch vùng đất Bồ Dương. Việc được công nhận là điểm du lịch của Hải Dương không chỉ tạo điểm nhấn cho du lịch của tỉnh mà còn kết nối các điểm trong tuyến du lịch huyện Ninh Giang, bao gồm múa rối nước Hồng Phong-đền Tranh-đình Trịnh Xuyên-đền Khúc Thừa Dụ. Khi tiềm năng văn hóa và du lịch được khai thác tốt, thu nhập cho người dân địa phương sẽ tăng lên và mở ra cơ hội để phường múa rối nước Hồng Phong phát triển ổn định, có cơ hội đào tạo và truyền nghề cho thế hệ kế cận.

Trong đề án “Phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”, xác định rõ tám sản phẩm du lịch đặc thù để định hướng phát triển, trong đó có các sản phẩm: Về với nghệ thuật rối nước vùng Đồng bằng sông Hồng ở Hồng Phong (Ninh Giang); Con đường gốm Chu Đậu-Tinh hoa văn hóa Việt ở thôn Chu Đậu, xã Thái Tân (Nam Sách) kết nối với Bảo tàng tỉnh Hải Dương; Tìm về giá trị sinh thái cộng đồng đích thực vùng Đồng bằng sông Hồng tại đảo Cò, xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện). Phục hồi nghề truyền thống của cha ông, kết hợp sản phẩm truyền thống với phát triển du lịch làng nghề; đưa mỗi làng nghề trở thành địa chỉ du lịch trải nghiệm văn hóa... được coi là hướng đi phù hợp, là thí dụ bước đầu hiệu quả trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Trưởng phòng Quản lý văn hóa gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Hải Dương) Bùi Thị Ánh Ngọc cho biết: Công nghiệp văn hóa là lĩnh vực đang trên đà phát triển. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp các sở: Kế hoạch-Đầu tư, Công thương, Xây dựng đã tham mưu lãnh đạo tỉnh để phát triển lĩnh vực này. Mô hình phát triển làng nghề gốm Chu Đậu gắn với phát triển du lịch, nghề thêu ren Xuân Nẻo hay múa rối nước Hồng Phong… đang đóng góp vào phát triển du lịch cũng như kinh tế của tỉnh, trở thành một trong những điểm sáng trong phát triển công nghiệp văn hóa.

Trong thời gian tới, các ngành nghề thủ công mỹ nghệ có tiếng như mộc mỹ nghệ Đông Giao, đúc đồng mỹ nghệ, thêu Xuân Nẻo… sẽ tham khảo mô hình, hướng đi, cách làm phù hợp để các nghề thủ công mỹ nghệ phát huy nội lực, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của ngành công nghiệp văn hóa.