Hiện nay, cây dâu tằm được trồng ở khắp các vùng sinh thái trên cả nước, trong đó Tây Nguyên là nơi có điều kiện sinh thái phù hợp để sản xuất cây dâu tằm với diện tích hơn 10 nghìn ha, chiếm 76,16% diện tích cả nước.
Tạo việc làm ổn định cho nhân dân
Trưởng phòng Khuyến nông Trồng trọt và Lâm nghiệp (Trung tâm Khuyến nông quốc gia) Nguyễn Doãn Hùng cho biết: “Cả nước hiện có gần 40.000 hộ làm nghề trồng dâu, nuôi tằm, sản lượng kén hơn 16.800 tấn/năm, sản lượng tơ khoảng 2.000 tấn/năm. Việt Nam hiện đứng thứ ba trên thế giới về sản lượng tơ, giá trị xuất khẩu năm 2022 đạt 70 triệu USD/năm”.
Việt Nam là nước có truyền thống và nhiều lợi thế để phát triển trồng dâu, nuôi tằm, nhất là các địa phương như: Lâm Đồng, Sơn La, Yên Bái. Năm 2022, cả nước có 32 địa phương phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm với diện tích khoảng 13.210 ha.
Nghề trồng dâu, nuôi tằm có nhiều ưu điểm như: Mức đầu tư không nhiều, nhanh có thu nhập và hiệu quả kinh tế cao; thu hút nhiều lao động ở mọi lứa tuổi và trình độ văn hóa.
Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam Lê Quang Tú
Hơn nữa, cây dâu không kén đất nên không tranh chấp diện tích với cây trồng khác; thị trường tiêu thụ sản phẩm tơ tằm trong nước và thế giới tương đối ổn định, giá tơ, kén và các sản phẩm phụ liên tục tăng cao. Những năm gần đây, do thu nhập từ dâu tằm khá lên, một số nơi đã hình thành những vùng sản xuất diện tích lớn, sản lượng kén cao như: Yên Bái, Cao Bằng, Lào Cai, Sơn La, Thanh Hóa, nhất là các tỉnh như Đắk Nông, Gia Lai, Đồng Nai.
Qua thống kê, cả nước hiện có khoảng 50 cơ sở ươm tơ, dệt lụa, trong đó 35 cơ sở ươm tơ tự động và 15 cơ sở dệt lụa. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã và đang tích cực đổi mới công nghệ ươm tơ nên chất lượng tơ ngày càng được nâng cao, phục vụ tốt nhu cầu tiêu thụ trong nước và thế giới.
Cả nước có năm làng nghề ươm tơ, dệt lụa nổi tiếng như: Tơ lụa Vạn Phúc (Hà Nội), tơ lụa Duy Xuyên, tơ lụa Mã Châu (Quảng Nam), tơ lụa Nha Xá (Hà Nam) và tơ lụa Tân Châu (An Giang). Trong đó, làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông (Hà Nội) được hình thành và phát triển từ năm 868 đến nay. Hiện, làng nghề dệt lụa Vạn Phúc hoạt động sản xuất, kinh doanh vải lụa tơ tằm theo truyền thống với 284 cơ sở và khoảng 1.500 lao động tham gia; thu nhập bình quân của người lao động tại làng nghề khoảng 8 triệu đồng/tháng.
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, năm 2022, năng suất dâu nước ta đạt từ 20 đến 25 tấn/ha, sản lượng dâu đạt 252.000 tấn.
Thời gian gần đây, bình quân sản lượng tơ đạt khoảng 1.532 tấn mỗi năm, sản lượng lụa 5,5 triệu mét. Một số địa phương có hợp tác xã tơ tằm quy mô lớn và được liên kết tiêu thụ sản phẩm. Điển hình như tại tỉnh Lâm Đồng có Hợp tác xã dâu tằm Đạ M’rông, huyện Đam Rông với 93 ha trồng dâu, khoảng 200 hộ dân tham gia (phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số), thu nhập bình quân đạt từ 200 đến 300 triệu đồng/ha/năm.
Tổ hợp tác Dâu tằm tơ Thái Sơn, xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, thành lập từ năm 2018 đến nay với gần 300 tổ viên trồng dâu, nuôi tằm trên diện tích 250 ha. Trong đó, phần lớn tổ viên tham gia tổ hợp tác là đồng bào dân tộc thiểu số, thu nhập bình quân đạt từ 150 đến 200 triệu đồng/ha/năm. Còn tại tỉnh Nghệ An, Hợp tác xã Nông nghiệp Dâu tằm công nghệ cao Đồng Tiến, huyện Nam Đàn được thành lập từ năm 2020 với bảy thành viên, thuê 16 ha đất sản xuất kém hiệu quả, chuyển sang trồng dâu, nuôi tằm.
Hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng cây dâu giống cao sản thay thế giống cũ năng suất kém... Bình quân một tuần, hợp tác xã thu hoạch từ 2 đến 3 tạ kén, giá bán từ 18 đến 20 triệu đồng/tạ, mỗi năm cho thu nhập từ 1,5 đến 2,4 tỷ đồng.
Thiếu liên kết trong sản xuất
Nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Việt Nam còn nhiều khó khăn do việc đầu tư nghiên cứu và sản xuất trứng tằm trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng và chất lượng để phục vụ sản xuất; trứng giống tằm sử dụng chủ yếu được nhập từ Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch với tỷ lệ 95%, cho nên chưa được kiểm soát chất lượng và nguồn gốc; công tác quản lý nhà nước đối với việc sản xuất, kinh doanh trứng giống tằm còn nhiều bất cập.
Mặt khác, kỹ thuật chăn nuôi tằm còn hạn chế; nhiều hộ chưa đủ kinh phí đầu tư vào hệ thống nuôi theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, mà chủ yếu chỉ dựa vào kinh nghiệm nên tằm dễ chết, sản lượng kén thấp; tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dâu tằm tơ chủ yếu là tự phát; các địa phương chưa quy hoạch để hình thành các vùng nguyên liệu gắn với tổ chức sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Về vấn đề này, Cục Trồng trọt cho rằng, diện tích trồng dâu tằm hiện nay manh mún, phát triển chưa theo quy hoạch, thiếu khoa học; các cơ sở sản xuất chủ yếu quan tâm đến sản phẩm kén, ít chú trọng đến đầu tư thâm canh sản xuất dâu và kỹ thuật nuôi tằm. Người nông dân sản xuất chạy theo phong trào, khi giá tơ kén cao mở rộng diện tích, khi giá xuống lại chuyển đổi sang các cây trồng khác…
Đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho rằng, thời gian tới các địa phương cần quan tâm đầu tư có trọng điểm vào vùng nguyên liệu trồng dâu, nuôi tằm lấy tơ và công nghệ sản xuất vải lụa, mang lại giá trị kinh tế lớn để hình thành ngành công nghiệp chế biến tơ tằm tiên tiến, xây dựng liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ và chuyển giao công nghệ trong chuỗi. Trên cơ sở đó, các tỉnh có vùng nguyên liệu sản xuất tơ tằm hiện có cần tập trung xây dựng các mô hình liên kết hợp tác xã, tổ hợp tác với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ tơ tằm, bảo đảm sự ổn định, đủ nguyên liệu tơ tằm cho sản xuất lụa và xuất khẩu.
Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay cả nước có khoảng 50 hợp tác xã chuyên về tơ tằm, tập trung chủ yếu ở Lâm Đồng; khoảng 56 doanh nghiệp, 170 tổ hợp tác và 300 nghìn hộ tham gia sản xuất, kinh doanh xuất khẩu tơ tằm.