Nghệ thuật ẩm thực Việt Nam lan tỏa bốn phương

Thời gian qua, ẩm thực Việt Nam ngày càng thăng hạng với nhiều dấu ấn: Được vinh danh tại những giải thưởng uy tín toàn cầu, gây ấn tượng tại các liên hoan và lễ hội quốc tế, được nhiều chính khách và doanh nhân nổi tiếng tích cực giới thiệu… Sự hấp dẫn và đa dạng, đậm đà bản sắc của nghệ thuật ẩm thực đã và đang là nguồn tài nguyên phong phú để khai thác, từ đó đóng góp tích cực trong việc quảng bá đất nước, con người Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Thực khách xếp hàng chờ thưởng thức món Việt tại “Ngày Việt Nam ở Saudi Arabia 2024”.
Thực khách xếp hàng chờ thưởng thức món Việt tại “Ngày Việt Nam ở Saudi Arabia 2024”.

Những ngày tháng 12/2024, hình ảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Chủ tịch Tập đoàn công nghệ NVIDIA Jensen Huang đi dạo phố cổ Hà Nội, thưởng thức ẩm thực đường phố… lan tỏa mạnh mẽ trên truyền thông và mạng xã hội trong nước lẫn quốc tế.

Vị doanh nhân hàng đầu ngành công nghiệp bán dẫn thế giới còn tự tay pha chế món cà-phê trứng đặc trưng của Hà thành để mời những người có mặt. Sự kiện một lần nữa khẳng định và truyền tải tới công chúng sức hấp dẫn của ẩm thực Việt Nam, cũng như môi trường thân thiện, con người mến khách.

Trước đó, việc các nguyên thủ quốc gia, người nổi tiếng các nước ca ngợi các món ăn khi đến Việt Nam đã không còn là điều xa lạ, dần trở thành một “đặc sản” để thông qua đó quảng bá văn hóa ẩm thực nói riêng và hình ảnh Việt Nam nói chung tới bạn bè khắp năm châu.

Có thể kể đến CEO Công ty công nghệ lớn nhất thế giới Apple Tim Cook ghé hai quán cà-phê Việt trong một ngày hồi tháng 4/2024; Thủ tướng Australia Anthony Albanese thưởng thức bia hơi Hà Nội, bánh mỳ, lạc luộc, chả cá tháng 6/2023; Thủ tướng Canada Justin Trudeau uống cà-phê vỉa hè khi đến Thành phố Hồ Chí Minh năm 2017; cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ăn bún chả Hà Nội năm 2016…

Bên cạnh đó là rất nhiều ban nhạc, diễn viên, ca sĩ: Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc… nổi tiếng và có độ nhận diện toàn cầu cũng chia sẻ những trải nghiệm ẩm thực tuyệt vời khi đến Việt Nam. Khi đó, họ không chỉ đơn thuần khám phá món ăn của một vùng đất mới mà còn góp phần đưa hình ảnh, tên gọi và nét đẹp của văn hóa ẩm thực Việt Nam tiếp cận người xem khắp thế giới.

Năm 2024, ẩm thực Việt Nam cũng ghi điểm tại nhiều sự kiện văn hóa-ngoại giao quan trọng, các lễ hội ẩm thực quy mô lớn. Nổi bật là Liên hoan Ẩm thực quốc tế 2024 với chủ đề “Ẩm thực kết nối” diễn ra tại Hà Nội với hàng trăm gian hàng đến từ 60 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Sự kiện giao lưu về văn hóa-ẩm thực-ngoại giao này có sự tham gia đông đảo của các đại sứ quán, các trung tâm văn hóa nước ngoài, sở ngoại vụ địa phương, các doanh nghiệp và các nhà tài trợ cùng các cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao. Bên cạnh khu vực bạn bè quốc tế giới thiệu ẩm thực bốn phương, gian hàng bày bán các món ăn ba miền Việt Nam cũng nườm nượp khách ngay từ khi mở cửa.

Món ngon từ bắc vào nam, miền núi lẫn vùng biển, truyền thống và sáng tạo… được chế biến thơm ngon, trình bày hấp dẫn, đã thu hút sự quan tâm của hàng nghìn người dân Thủ đô và du khách. Ngoài ra còn có Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024, Lễ hội ẩm thực đường phố Sài Gòn 2024, Festival Phở 2024 tại Nam Định…

Nhận thấy tiềm năng của ẩm thực trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, những năm qua, Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao) cũng tích cực đẩy mạnh “ngoại giao ẩm thực” trong các chuỗi sự kiện thường niên “Ngày Việt Nam ở nước ngoài”.

Mới đây, tại “Ngày Việt Nam tại Saudi Arabia 2024”, công chúng đất nước Trung Đông và bạn bè quốc tế tại đây đã có dịp thưởng thức và ấn tượng với tinh hoa ẩm thực Việt Nam. Những món ăn thuần Việt được làm mới theo văn hóa ẩm thực Halal của người Hồi giáo như phở bò hầm thảo mộc, gỏi cuốn thịt gà, nem rán nhân hạt sen... vừa mang đến sự cân bằng vị giác cho thực khách, vừa kể câu chuyện về lịch sử, văn hóa và phong cách sống của chúng ta. Lễ hội Phở Việt tại Hàn Quốc 2024, Ngày Phở và Nem Việt tại Italia năm 2024… đều đón nhận lượng khách đông đảo và hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong lĩnh vực ẩm thực, du lịch.

Thực tế, những năm gần đây, không chỉ có phở, nem mà còn rất nhiều món ngon khác của Việt Nam đã chinh phục thực khách khắp thế giới. Nhiều chuyên gia, tổ chức uy tín đều đánh giá nền ẩm thực Việt Nam đặc sắc ở việc kết hợp hài hòa các hương vị, nhiều nguyên liệu nguồn gốc thiên nhiên, hòa quyện các triết lý cuộc sống, đồng thời trang trí và sắp đặt món ăn cũng trở thành nghệ thuật.

Năm 2022, Giải thưởng Ẩm thực Thế giới - World Culinary Awards đã vinh danh Việt Nam là “Điểm đến ẩm thực tốt nhất châu Á 2022”, vượt qua nhiều tên tuổi khác trong khu vực. Năm 2024, giải thưởng này vừa vinh danh Hà Nội tại hai hạng mục là “Thành phố ẩm thực hàng đầu thế giới” và “Thành phố ẩm thực hàng đầu châu Á”. Phở bò, món ăn hầu như nhắc đến ai cũng biết là của Việt Nam, được hãng thông tấn Mỹ CNN đưa vào danh sách “20 món súp ngon nhất thế giới năm 2024”.

Mới đây nhất, đầu tháng 12/2024, cẩm nang ẩm thực thế giới Taste Atlas công bố danh sách giải thưởng năm 2024, trong đó, nhiều món ăn và địa phương của Việt Nam đoạt các giải thưởng quan trọng. Đặc biệt, trong hai năm gần đây, cẩm nang ẩm thực Michelin cũng đã bắt đầu trao sao Michelin cho một số nhà hàng, quán ăn Việt Nam, khẳng định vị thế của ẩm thực Việt và tạo thêm sức hút với du khách năm châu.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam Nguyễn Quốc Kỳ, ẩm thực giúp công chúng quốc tế hiểu hơn về Việt Nam, góp phần vào “quyền lực mềm” khi xây dựng hình ảnh quốc gia và quảng bá với thế giới. Ẩm thực có thể khơi gợi mong muốn đến Việt Nam du lịch, hoặc trở thành trải nghiệm níu chân du khách, được họ chủ động truyền thông và lan tỏa tới những người chung quanh. Mặt khác, khi văn hóa ẩm thực được đẩy mạnh thành thương hiệu quốc gia, đó còn là một kênh quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tiêu dùng của Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế.