Nghệ sĩ phải biết tự đặt lằn ranh

Nghệ sĩ càng nổi tiếng, càng được nhiều người mến mộ, tin tưởng thì họ càng phải gương mẫu và có trách nhiệm cao đối với xã hội. Trong một xã hội đề cao chuẩn mực đạo đức, thượng tôn pháp luật, bất kỳ ai có lối sống thiếu chuẩn mực đều bị lên án, tẩy chay chứ không riêng gì người làm nghệ thuật. Nếu công chúng xuê xoa trước những hành vi tiêu cực của nghệ sĩ thì đồng nghĩa với việc dung túng cho hành vi sai trái của họ.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ sĩ phải biết tự đặt lằn ranh

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông mới đây đã ký quyết định về kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (giai đoạn 2021-2025).

Theo đó, dự kiến vào tháng 10 tới, quy trình xử lý những nghệ sĩ, người nổi tiếng trên mạng (KOL) vi phạm do Bộ Thông tin vàTruyền thông và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp ban hành sẽ được hoàn tất và đưa vào thực thi.

Các biện pháp xử lý hành vi vi phạm nêu trên được đề xuất là: Hạn chế phát sóng, biểu diễn quảng cáo đối với nghệ sĩ, KOL có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục. Kế hoạch cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, duy trì đấu tranh buộc các nền tảng xuyên biên giới chặn, gỡ thông tin xấu độc với tỷ lệ đáp ứng cao, từ 90-95%, thời gian xử lý dưới 24 giờ; khóa các trang, kênh vi phạm nghiêm trọng; phát triển thuật toán để chặn hiệu quả các quảng cáo sai sự thật…

Chưa bao giờ dư luận xã hội lại mạnh mẽ và quyết liệt đấu tranh đối với các hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức của một bộ phận nghệ sĩ như hiện nay. Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật (do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành tháng 12/2021) có mục đích hướng đến việc khuyến khích, phát huy, lan tỏa các giá trị tốt đẹp theo tinh thần “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lành mạnh hóa môi trường nghệ thuật.

Dù vậy, Quy tắc ứng xử chỉ mang tính khuyến cáo, không có chế tài xử phạt. Vì thế, cần có sự kết hợp và vào cuộc của các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, các đài truyền hình… là những nơi quản lý sự xuất hiện của văn nghệ sĩ. Thực tế đã xảy ra việc cấm chỗ này thì nghệ sĩ lại xuất hiện chỗ khác, đài A không mời thì đài B mời, báo này không đăng thì báo khác thấy “hợp” lại đăng. Rồi tranh thủ mạng xã hội tạo sóng lũng đoạn dư luận... Thậm chí, một số nhân vật còn cố tình tạo ra xì-căng-đan để gây chú ý bằng mọi giá.

Nghệ sĩ trước hết là công dân, vì vậy phải bình đẳng trước pháp luật. Ý thức thượng tôn pháp luật là cần thiết đối với tất cả mọi người, nghệ sĩ không phải là ngoại lệ. Nếu nghệ sĩ có các hành vi sai trái thì tùy mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Ngoài việc phải chịu những chế tài của pháp luật, nghệ sĩ còn phải đối diện với búa rìu dư luận khi có những hành vi thiếu chuẩn mực.

Có lẽ điều nghệ sĩ sợ nhất là bị “cấm sóng”. Làm sao để một khi “án phạt” được công bố thì nghệ sĩ vi phạm sẽ bị tước quyền xuất hiện trên bất cứ phương tiện truyền thông, hay phim ảnh, sân khấu nào… trong một thời hạn nhất định. Ðiều này nếu được thực thi nghiêm túc thì chắc chắn tiêu cực sẽ giảm. Bởi với người nghệ sĩ, án phạt cao nhất chính là bị cấm lên sóng, cấm biểu diễn. Bị từ chối, không được hoạt động nghề nghiệp, đương nhiên bản thân nghệ sĩ sẽ phải biết tự đặt ra lằn ranh cho mình.

Với người nghệ sĩ, án phạt cao nhất chính là bị cấm lên sóng, cấm biểu diễn. Bị từ chối, không được hoạt động nghề nghiệp, đương nhiên bản thân nghệ sĩ sẽ phải biết tự đặt ra lằn ranh cho mình.

Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật được cho là ra đời kịp thời và phù hợp xu hướng phát triển của văn hóa hiện đại, nơi các nghệ sĩ được xem là một phần quan trọng, có trách nhiệm tác động và ảnh hưởng đến đời sống của cộng đồng, của xã hội. Việc áp dụng Quy tắc sẽ giúp cho nghệ sĩ trở nên chuyên nghiệp hơn, tôn trọng văn hóa, đạo đức, pháp luật, đồng thời giúp cho hoạt động nghệ thuật phát triển lành mạnh, bền vững hơn. Tất nhiên, trước hết là một công dân, nghệ sĩ cần trang bị cho mình kiến thức pháp luật, nắm rõ các quy định liên quan hoạt động nghề nghiệp. Song các nhà quản lý, nhà tổ chức biểu diễn cũng cần phải bảo đảm rằng các nghệ sĩ của họ tuân thủ nghiêm Quy tắc ứng xử và các quy định pháp luật liên quan.

Hành vi vi phạm của nghệ sĩ nếu gây thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần cho cá nhân, tổ chức thì còn bị ràng buộc về trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành. Nghệ sĩ và người hoạt động nghệ thuật do tính chất đặc thù của công việc nên sẽ có thêm những quy định xử lý riêng. Chẳng hạn, Ðiều 3 của Nghị định 144/2020/NÐ-CP nêu rõ hành vi bị cấm là: “Sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội”.

Nghệ sĩ càng nổi tiếng, càng được nhiều người mến mộ, tin tưởng thì họ càng phải gương mẫu và có trách nhiệm cao đối với xã hội. Trong một xã hội đề cao chuẩn mực đạo đức, thượng tôn pháp luật, bất kỳ ai có lối sống thiếu chuẩn mực đều bị lên án, tẩy chay chứ không riêng gì người làm nghệ thuật. Nếu công chúng xuê xoa trước những hành vi tiêu cực của nghệ sĩ thì đồng nghĩa với việc dung túng cho hành vi sai trái của họ. Nếu nghệ sĩ sống buông thả, vi phạm pháp luật hay thuần phong mỹ tục thì báo chí, truyền thông có quyền lên án; cơ quan chức năng sẽ xử lý theo thẩm quyền, không có ngoại lệ, không có vùng cấm.

Thực tế cho thấy, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chức năng, dư luận và thì sự quay lưng, tẩy chay của công chúng chính là “quyền lực mềm” nhằm điều chỉnh hành vi của nghệ sĩ. Ðã có không ít người vừa phải chịu những hình thức xử lý nghiêm minh của pháp luật lại vừa bị chính những người từng là fan hâm mộ tẩy chay...

Bởi thế, đã đến lúc bản thân nghệ sĩ phải biết tự đặt ra lằn ranh cho mình và chúng ta có quyền kỳ vọng vào việc các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đang tích cực vào cuộc để xây dựng, đưa ra những giải pháp hiệu quả hơn, nhằm làm lành mạnh hóa môi trường nghệ thuật.