Tăng cường lãnh, chỉ đạo, quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X, 15 năm qua hoạt động văn học, nghệ thuật ở Thanh Hóa tiếp tục có bước phát triển theo định hướng “chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc”. Mặt khác tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh xã hội hóa, có các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển văn học, nghệ thuật, biểu dương, khen thưởng kịp thời, quảng bá, giới thiệu đến công chúng những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật.
Hoạt động văn học, nghệ thuật ở Thanh Hóa góp phần giáo dục, bồi đắp “chân-thiện-mỹ” cho nhân dân, xây dựng môi trường văn hóa, nghệ thuật lành mạnh, cổ vũ, động viên các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng của quê hương, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ chính trị trên địa bàn tỉnh.
Đại biểu phát biểu, trao đổi tại hội nghị. |
Tham luận của các đại biểu tiếp tục trao đổi kết quả tập hợp, nâng cao vai trò, vị trí của tổ chức hội văn học, nghệ thuật, khơi dậy tiềm năng lao động sáng của các hội viên; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nhân lực văn hóa, nghệ thuật; chỉ ra những tồn tại, hạn chế cùng nguyên nhân, chia sẻ kinh nghiệm, các giải pháp phát triển văn học, nghệ thuật...
Lãnh đạo Tỉnh ủy Thanh Hóa trao tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc. |
Tỉnh Thanh Hóa trao tặng Bằng khen cho 10 tập thể, 20 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm, nhấn mạnh vị trí, vai trò, nhất là vai trò động lực của văn học, nghệ thuật trong đời sống xã hội, ghi nhận, chúc mừng những thành tựu, kết quả đạt được của tỉnh Thanh Hóa trong 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị.
Đồng chí Trần Thanh Lâm chỉ rõ những khó khăn, hạn chế cần quan tâm khắc phục, trao đổi những thời cơ, thách thức trong bối cảnh tình hình mới. Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị tỉnh Thanh Hóa tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa, văn học, nghệ thuật; quán triệt quan điểm chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần, bảo đảm quốc phòng an ninh là trọng yếu, thường xuyên; bám sát các Nghị quyết, chỉ thị của Đảng, kết luận của lãnh đạo Đảng, nhà nước về văn hóa, văn học, nghệ thuật, từ đó cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ sát với thực tiễn địa phương, đơn vị để tổ chức thực hiện hiệu quả.
Tỉnh cần chăm lo, xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa, văn nghệ sĩ; quan tâm xây dựng, đào tạo, phát triển cán bộ trẻ, hội viên, văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số; tạo điều kiện tốt nhất để cán bộ văn hóa, văn nghệ sĩ phát huy tài năng, trí tuệ, tâm huyết cống hiến, sáng tạo.
Lãnh đạo Tỉnh ủy Thanh Hóa trao tặng Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị khóa X. |
Tỉnh cần coi trọng công tác bảo vệ, giữ gìn, phát huy những giá trị di sản văn hóa truyền thống, đặc sắc của các dân tộc; khuyến khích, động viên văn nghệ sĩ, hội viên Hội văn học nghệ thuật tỉnh và các chi hội tích cực sáng tác, nghiên cứu, sưu tầm để có nhiều tác phẩm, công trình có giá trị; Làm tốt công tác giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa, văn học, nghệ thuật; nâng cao chất lượng hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch; đẩy mạnh hoạt động phổ biến, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật chất lượng đến công chúng, nhất là vùng nông thôn, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số; Phát huy vai trò hoạt động của các câu lạc bộ, đội văn nghệ quần chúng; coi trọng và phát huy vai trò phổ biến, truyền dạy của các nghệ nhân nhân dân; tăng cường đầu tư trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật cho thiết chế văn hóa, nghệ thuật ở cơ sở.