Nghề săn vẹm ở lạch Vạn

NDO - Để bắt được con vẹm, người thợ phải lặn sâu xuống đáy sông, dùng dụng cụ “đặc chủng” mới bắt được. Gần đây, nhiều trang trại nuôi hải sản đã thu mua vẹm đen để làm thức ăn cho tôm hùm. Chính điều này nên đã tạo nên cơn sốt săn vẹm chưa từng có trong đánh bắt thủy sinh trên dòng lạch Vạn.
0:00 / 0:00
0:00
Thuyền đầy đặc sản - kết quả của một ngày mưu sinh ở đáy sông.
Thuyền đầy đặc sản - kết quả của một ngày mưu sinh ở đáy sông.

Để nguồn vẹm không bao giờ cạn kiệt, những người thợ lặn nơi đây đã không khai thác triệt để, mà chừa lại một ít để vẹm phát triển và sinh sôi. Họ còn kéo những dèo vẹm xanh từ ngoài khơi về gần để khoanh nuôi cho phát triển. Đây là sự sáng tạo của thợ lặn, vừa bắt vừa nuôi cho vẹm phát triển, giúp cân bằng sinh thái và cũng để gắn bó với nghề bền vững.

Cơn sốt săn vẹm

Lạch Vạn là đoạn cuối của con sông Bùng, dài khoảng 10km, chảy theo hướng tây bắc-đông nam đi qua các xã Diễn Kỷ, Diễn Vạn, Diễn Kim, Diễn Bích, Diễn Ngọc, Diễn Thành, huyện Diễn Châu (Nghệ An) rồi đổ ra Biển Đông. Con lạch này đã giúp cho người dân hai bên tả, hữu mưu sinh qua nhiều thế hệ bằng các nghề: đánh bắt cá, săn cua, câu cáy và những thủy sinh khác…

Nghề săn vẹm ở lạch Vạn ảnh 1

Vẹm xanh trở thành đặc sản ở các nhà hàng.

Điều đặc biệt là vẹm xanh, vẹm đen nơi dòng lạch này khai thác muôn đời không hết, ngày một sinh sôi. Hiện nay, săn vẹm đã thành cơn sốt trên con lạch này.

Tiếp cận lạch Vạn, đoạn chảy qua địa phận xóm Tiền Tiến, xã Diễn Kim, chúng tôi thấy hàng chục chiếc bè nứa chở đầy những bao vẹm đang cập bến.

Anh Nguyễn Văn Hà, một tay lặn bắt vẹm có thâm niên, cho biết: Những bè săn vẹm này một nửa là của dân tứ xứ, một nửa là người của địa phương, từ các xã: Diễn Kim, Diễn Bích, Diễn Hùng…

Hà tâm sự: “Trước đây, chúng tôi chỉ lặn săn vẹm xanh và bán với giá rẻ như bèo, chỉ 5-10 nghìn đồng/kg. Nhưng vài năm trở lại đây vẹm được tôn lên hàng đặc sản ở các nhà hàng, quán nhậu, nên giá cả tăng vọt đến 40-50 nghìn đồng/kg. Chính vì thế mà nhiều người đã bỏ nghề đánh cá biển xa theo nghề lặn vẹm".

Theo Hà thì săn vẹm xanh đi bè mỗi chuyến phải 2-3 người, mỗi ngày trung bình lặn bắt được 10-15 bao. Mỗi bao 50kg là có thu nhập tiền triệu.

Nghề săn vẹm ở lạch Vạn ảnh 2

Vất vả mưu sinh.

Gần đây, nhiều trang trại nuôi hải sản đã thu mua vẹm đen để làm thức ăn cho tôm hùm. Chính điều này đã tạo nên cơn sốt săn vẹm chưa từng có trong lịch sử đánh bắt thủy sinh trên dòng lạch Vạn. Những lúc cao điểm có hàng trăm người cùng đổ về lạch Vạn ngụp lặn bắt vẹm.

Hiện tại, ở lạch Vạn có 7 điểm thu mua vẹm. Có điểm 1 ngày thu mua đến 4-5 tấn vẹm...

Nghề nguy hiểm

Vẹm là loài động vật nhuyễn thể 2 mảnh, thường sống bám vào xác tàu đắm, kè, cống dọc bờ biển hoặc những trụ gạch đá, chân cọc dưới đáy sông...

Để hành nghề, những người thợ phải mặc đồ lặn chuyên dụng, cùng với máy nén cung cấp ô-xy, dây dẫn khí ô-xy hàng chục mét nối từ thuyền xuống người thợ lặn. Khi đồng nghiệp làm việc dưới nước, người trên bè ngoài việc trông máy còn phải quan sát mặt nước, bọt khí của thợ lặn để điều chỉnh công suất máy nén cho phù hợp, bảo đảm an toàn.

Nghề săn vẹm ở lạch Vạn ảnh 3

Người lặn vẹm luôn đối mặt với nguy hiểm.

Anh Hùng, một thợ lặn tâm sự: “Nghề lặn vẹm khá nguy hiểm, chỉ một chút bất cẩn là phải trả giá bằng tính mạng. Tôi đã làm nghề lặn vẹm hơn 20 năm, nghề này rất vất vả, nguy hiểm, cho nên cần phải có sức khỏe, nếu không khi lặn xuống sâu, áp lực của nước sẽ làm ù tai, hoa mắt, chảy máu tai, thậm chí đột quỵ".

Nghề này còn phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm chực chờ khác như: Mảnh vỡ thủy tinh, chai lọ, gạch đá, sắt vụn… nên cần có kinh nghiệm để xử lý tình huống. Ngoài ra, việc ngụp lặn lâu dưới đáy lạch làm chân tay người mò lở loét. Thêm việc ngấm nước lợ cũng làm nhiều người mau xuống sức và bị bệnh nghề nghiệp…

Theo Hùng thì mỗi lần người thợ lặn xuống thường kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ, bắt cho đầy bao 50kg mới ngoi lên mặt nước. Nghỉ ngơi lấy sức một lát rồi lại tiếp tục công việc. Thời gian làm việc của thợ lặn vẹm cũng tùy thuộc vào thời điểm nước lạch lên hay xuống, trong hay đục… Bởi khi triều xuống, nước trong thì thợ lặn vẹm mới dễ nhìn thấy từng chùm vẹm bám vào trụ gạch đá, chân cọc dưới đáy sông để dùng dao đặc dụng tách vẹm xanh cho vào bao.

Hùng chia sẻ, bình quân mỗi chuyến đi lặn bắt vẹm, nhóm anh thường được 400-500kg. Họ tranh thủ phân loại vẹm xanh, đen ngay ở ngoài sông trước khi đem bán. Vẹm xanh có màu xanh bắt mắt, con lớn bằng 3 ngón tay chụm lại. Còn vẹm đen nhỏ hơn, ít thịt, trước đây người dân không bắt, nhưng nay thương lái thu mua bán cho các trang trại nuôi cua, nuôi tôm hùm nên ai cũng ồ ạt lặn bắt vẹm đen này.

Được biết, nghề lặn săn con vẹm tuy vất vả, cực khổ là vậy, nhưng người mò vẹm có niềm vui sau một ngày miệt mài ngụp lặn. Mỗi ngày một người có thể lặn bắt được 200-300kg vẹm đen. Giá mỗi kg vẹm đen là 4.000 đồng, trung bình cho thu nhập 800.000 đến 1,5 triệu đồng/ngày, anh Hùng tiết lộ.

Nghề săn vẹm ở lạch Vạn ảnh 4

Lặn vẹm cho thu nhập khá.

Vẹm xanh, vẹm đen người dân bắt được bao nhiêu sẽ được thương lái sẽ mua hết. Cũng nhờ vào nghề bắt vẹm mà bà con ở đây có nguồn thu nhập khá ổn định. Một ngày, mỗi thợ lặn cũng có thu nhập trên dưới 1.000.000 đồng. Nhờ nghề săn vẹm ở đáy sông mà nhiều gia đình ở dọc dòng sông này có điều kiện cải thiện cuộc sống, nuôi con ăn học thành tài…

Nuôi vẹm, sáng tạo của thợ lặn

Biết giá trị của vẹm, những người thợ lặn nơi đây đã không khai thác triệt để mà chừa lại một ít để vẹm phát triển và sinh sôi.

Anh Kiên, một thợ lặn cho biết: "Những người thợ đều ý thức được điều này, nên khi lặn vẹm kiểu gì chúng tôi cũng chừa lại để mùa sau còn có vẹm mà bắt. Không những vậy, chúng tôi còn kéo những dèo vẹm xanh từ ngoài khơi về gần để khoanh nuôi cho chúng phát triển. Như vậy nguồn vẹm trên sông và biển không bao giờ cạn kiệt".

Đây là sự sáng tạo của thợ lặn, vừa bắt vừa nuôi cho vẹm phát triển giúp cân bằng sinh thái cũng như là cách gắn bó với nghề bền vững.

Vẹm xanh chế biến được nhiều món: Hấp sả, xào sả ớt, xào bơ tỏi, nướng mỡ hành, sốt cay; Cháo vẹm đậu xanh; Vẹm xanh nấu rượu vang; Vẹm xanh sốt chua ngọt… là món đặc sản bổ dưỡng được ưa chuộng hiện nay.