Săn “đặc sản” trên dòng Lạch Vạn

Lạch Vạn là đoạn cuối của con sông Bùng, dài khoảng 10 km, chảy qua sáu xã của huyện Diễn Châu (Nghệ An) rồi đổ ra Biển Đông. Con lạch này đã giúp cho người dân hai bên tả, hữu mưu sinh qua nhiều thế hệ bằng những nghề săn bắt “đặc sản” rất độc đáo.
0:00 / 0:00
0:00
Ngâm mình săn cua trong rừng ngập mặn Diễn Châu.
Ngâm mình săn cua trong rừng ngập mặn Diễn Châu.

Những độc chiêu săn “đặc sản”

Xã Diễn Kim có hơn 200 ha diện tích rừng sú vẹt ngập mặn trên bờ Lạch Vạn. Đây là nơi tập trung nhiều tôm, cua, cá khi thủy triều lên. Cua nơi này thịt thơm ngon, ít có nơi nào sánh được. Nó là con “đặc sản” có giá trị nên mỗi ngày có hàng chục người lùng bắt chúng đem bán. Anh Phan Duy, một thợ săn cua có thâm niên cho biết.

Cua di chuyển từ biển vào cửa lạch rồi tìm tới những khu vực bùn lầy, đất ẩm ướt trong rừng để cư trú nhưng lại không dễ để bắt được chúng. Bởi cua không di chuyển theo đàn mà đi riêng lẻ, nên muốn bắt chúng, cần phải có kinh nghiệm. Cua thường đào hang dưới gốc sú vẹt, hay nơi đất cứng, có những hang sâu nên người bắt phải dùng móc câu là thanh sắt nhỏ dài khoảng 1 m, có một đầu uốn cong như móc câu. Khi phát hiện hang có cua ở, lấy thuổng đào và dùng móc câu đưa nhẹ dụ cho con cua lấy càng kẹp vào móc câu rồi nhẹ nhàng kéo ra. Khi đó phải khéo léo bắt chúng từ phía sau để không bị cắp.

Duy chia sẻ: Có nhiều cách bắt cua. Đêm cua thường leo trên cành sú nên thợ săn soi đèn đi bắt. Chiêu bắt này phải nhanh nhẹn chộp, nếu nó “nhảy dù” xuống nước cũng phải xác định hướng bơi và tóm ngay. Kiểu tiếp theo là câu. Dùng mồi giun để câu. Cua câu được đa phần là con lớn cỡ từ 5 lạng trở lên. Mỗi ngày câu được vài con là “thợ săn” bỏ túi 200-300 nghìn đồng. Còn một cách bắt dễ dàng là bẫy cua bằng lưới bát quái. Mỗi ngày đặt bẫy cũng có thể kiếm được từ một đến hai kg cua thịt, khi gặp may thì nhiều hơn. Chưa kể có một vài chục con cua nhỏ (cua giống), bán cho các đầm nuôi cua. Về giá cả, cua thịt loại 1 từ 250 - 300 nghìn đồng/kg; cua giống giá mỗi con là ba nghìn đồng, thời điểm ít hàng giá 5 nghìn đồng/con…

Một số người dân nơi đây đã nhanh nhạy mua cua giống từ những thợ săn, lập hẳn trang trại nuôi cua, thu lãi mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay ở Diễn Vạn có hàng chục hộ nuôi cua thương phẩm cho lãi cao. Chính điều đó đã giúp cho bà con các xã: Diễn Kim, Diễn Bích và Diễn Vạn - nơi có rừng ngập mặn có thể thu về cả trăm triệu đồng/năm từ nghề khai thác và bán cua giống.

Săn “đặc sản” trên dòng Lạch Vạn ảnh 1

Kết quả một ngày đi săn vẹm.

Dưới chân rừng sú này, loài cáy phát triển rất nhiều, chúng đào hang chi chít. Người dân nơi đây lại đua nhau đi câu cáy. Câu cáy không chỉ đơn giản là để giải trí, tìm niềm vui mà còn mang lại hiệu quả về mặt kinh tế khi mỗi ngày cũng kiếm được ba đến bốn trăm nghìn đồng.

Một tuyệt chiêu câu cáy của người dân nơi đây: không cần phải dùng lưỡi câu cũng có thể bắt được cáy. Chỉ cần một đoạn dây cước dài khoảng hơn 1 m, một chiếc cần câu dài tầm hơn 2 m, buộc thêm chút bạc nhạc thịt bò vào đầu đoạn dây cước là có thể câu cáy. Cách câu cũng rất đơn giản, thả mồi vào miệng hang, hốc nơi cáy đang trú ngụ và nhử cho chúng ra ăn mồi. Sau khi chúng nhảy ra vồ lấy mồi bằng càng rồi, chỉ việc nhẹ nhàng kéo lên là bắt được cáy.

Chị Nguyễn Thị Năm, một cần thủ cho biết: Trước đây ở các bãi ở phía hạ lưu sông Bùng đều có cáy nhưng nhiều năm nay gần như bị tuyệt chủng bởi thuốc bảo vệ thực vật và ô nhiễm nguồn nước. Hiện nay, duy nhất chỉ rừng sú Lạch Vạn mới có nhiều cáy. Cáy Lạch Vạn thịt chắc và ngon nên giá thu mua cũng khá cao, khoảng trên dưới 100 nghìn đồng/kg. Giờ đây, hằng ngày có nhiều người câu cáy trong rừng sú. Sau khi câu về, người thì bán cho thương lái, người thì mang về nhà chế biến thành mắm cáy, hoặc xay nhuyễn bán nước dùng nấu canh riêu, chế biến bún riêu. Cáy là món đặc sản được nhiều vùng miền ưa thích, nên còn được cấp đông vận chuyển đi Hà Nội, Hải Phòng... tiêu thụ.

Trên dòng Lạch Vạn vào thời điểm này, việc lặn bắt vẹm xanh và vẹm đen đang là cơn sốt. Chúng tôi chứng kiến đoạn sông qua xóm Tiền Tiến xã Diễn Kim đã có hàng chục chiếc bè săn vẹm trở về. Anh Nguyễn Văn Hà, một thợ lặn tâm sự : “Bọn tui trước đây chỉ lặn săn vẹm xanh để bán, với giá rẻ như bèo, chỉ 5-10 nghìn đồng/kg, nhưng vài năm trở lại đây nó được tôn lên hàng đặc sản ở các nhà hàng, quán nhậu nên giá cả tăng vọt 40-50 nghìn đồng/kg. Còn vẹm đen khai thác lên sẽ bán cho thương lái tiêu thụ đến các trang trại nuôi hải sản làm thức ăn cho tôm hùm với giá bốn nghìn đồng/kg. Theo Hà thì săn vẹm đi bè mỗi chuyến phải từ hai đến ba người, mỗi ngày trung bình lặn bắt được 10 - 15 bao, mỗi bao khoảng 50 kg là có thu nhập tiền triệu…

Vẹm là loài động vật nhuyễn thể hai mảnh, thường sống bám vào xác tàu đắm, kè, cống dọc bờ biển hoặc những trụ gạch đá, chân cọc dưới đáy sông. Để hành nghề, những người thợ phải mặc đồ lặn chuyên dụng, cùng với máy nén cung cấp oxy, dây dẫn khí; dao, cào, xẻng chuyên dụng… “Nghề lặn vẹm khá nguy hiểm, chỉ một chút bất cẩn là phải trả giá bằng tính mạng. Nghề này rất vất vả, nguy hiểm nên cần phải có sức khỏe, nếu không khi lặn xuống sâu, áp lực của nước sẽ làm ù tai, hoa mắt, chảy máu tai, thậm chí đột quỵ và đối mặt với rất nhiều nguy hiểm chực chờ khác như: Mảnh vỡ thủy tinh, chai lọ, gạch đá, sắt vụn... Tuy vất vả nguy hiểm nhưng người lặn vẹm có niềm vui sau một ngày miệt mài ngụp lặn, có thu nhập trên dưới 1 triệu đồng”, Hà chia sẻ.

Nguồn lợi vô giá cần được gìn giữ

Huyện Diễn Châu có hơn 500 ha rừng ngập mặn tại các xã Diễn Kim, Diễn Bích, Diễn Vạn. Nơi đây có nhiều con sông lớn nối liền với biển như sông Diễn Kim, Sông Bùng, Lạch Vạn… nên có nguồn thủy hải sản khá dồi dào và phong phú. Ngoài thủy sản dưới lòng sông, nhiều loài giáp xác cũng cư trú, sinh sản. Đó chính là sinh kế cho hàng trăm người dân nghèo vùng ven biển. Mỗi năm có hàng trăm gia đình được hưởng lợi trực tiếp và lâu dài từ nguồn thu hoạch thủy hải sản ở chân rừng ngập mặn.

Để nghề săn “đặc sản” không bị mai một, các cấp chính quyền, ngành chức năng cần xử lý nghiêm những người hành nghề theo kiểu tận diệt. Cùng với đó là ý thức của cộng đồng trong bảo vệ môi trường sống, nguồn nước, nhất là các dòng sông, cửa biển để bảo vệ nguồn lợi lâu dài.

Thế nhưng, điều đáng lo ngại là cách săn bắt ồ ạt theo kiểu tận diệt với nhiều phương tiện như lưới bát quái, kích điện thì cua biển nói riêng và nguồn thủy hải sản nói chung sẽ không lâu bền. Ông Nguyễn Văn Hào, một thợ săn cua ở Diễn Vạn tâm sự: Trước đây, cua biển nhiều lắm, có ngày tôi săn được cả yến nhưng nay nhiều người bắt với nhiều phương tiện tận diệt nên cua đã hiếm rồi. Nay, may mắn lắm mỗi ngày cũng chỉ bắt được khoảng hơn kém 1 kg, có ngày về không.

Theo ông Hào thì ngoài việc săn bắt kiểu tận diệt, ô nhiễm nguồn nước từ thượng nguồn và biển đã làm cho nhiều loài hải sản biến mất khỏi rừng ngập mặn. Chính điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới hàng trăm người làm nghề săn cua biển, săn cáy trong rừng ngập mặn khiến sinh kế của họ ngày càng bấp bênh hơn bao giờ hết. “Không ai có thể cấm việc đánh bắt thủy hải sản của người dân, nhưng thiết nghĩ, chính quyền cần quy định cho người dân sử dụng phương tiện đánh bắt hợp lý và xử lý nghiêm những người cố tình vi phạm đánh bắt theo kiểu tận diệt để bảo vệ nguồn lợi thủy sản lâu dài. Bên cạnh đó, cần giữ gìn sạch môi trường, nguồn nước, nhất là các dòng sông, cửa biển”, ông Hào nói.

Hơn 500 ha rừng ngập mặn là nguồn lợi vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho dân nghèo nơi đây. Nguồn lợi này cần được bảo vệ và gìn giữ để bảo đảm sự sinh sản của loài cua, cáy, vẹm, các loài thủy, hải sản và giữ được hệ sinh thái của Lạch Vạn - rừng ngập mặn Diễn Châu.