Nghề nuôi cua ở miệt rừng Cà Mau

Cua Cà Mau nổi tiếng khắp cả nước bởi thịt ngọt, chắc, gạch béo và hàm lượng dinh dưỡng cao. Nhà nông chuyên canh loài thủy sản giá trị cao này có cơ hội phát triển nghề nuôi ổn định khi đã giải quyết được vấn đề đầu ra và chất lượng con giống.
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Huyện ủy Năm Căn Lượng Trọng Quyền (ngồi giữa) cùng nông dân miệt rừng xã Ðất Mới kiểm tra chất lượng cua nuôi sau thu hoạch.
Bí thư Huyện ủy Năm Căn Lượng Trọng Quyền (ngồi giữa) cùng nông dân miệt rừng xã Ðất Mới kiểm tra chất lượng cua nuôi sau thu hoạch.

Sau hơn bốn tháng thả nuôi, những ngày qua, gia đình ông Dương Văn Thum (ấp 5, xã Hiệp Tùng, huyện Năm Căn) bắt đầu thu tỉa dần vụ cua mới. Tuy cua chưa đạt trọng lượng như kỳ vọng nhưng trong tháng qua, gia đình ông thu về được gần 3 triệu đồng nhờ loài thủy sản này.

Gia đình ông Thum duy trì nuôi cua xen canh trong vuông nuôi tôm sú hàng chục năm qua. Với nguồn con giống tại địa phương, bình quân mỗi năm ông thả nuôi từ 7.000-10.000 con cua, cho thu nhập khoảng hơn 30 triệu đồng sau khi trừ hết các khoản chi phí. Ông Thum tự tin cho biết: "Ở đâu không biết chứ 2,5 ha đất canh tác nhà tôi, nếu thu nhập từ con tôm 10 phần thì huê lợi từ con cua chiếm từ 4-5 phần. Nhờ duy trì nuôi loài thuỷ sản này mà gia đình tôi dần có cuộc sống ổn định".

Tại Cà Mau, cua thường được nuôi xen canh chung với con tôm, phổ biến tại các địa phương vùng nước mặn, nổi tiếng phải kể đến miệt rừng ngập mặn huyện Năm Căn. Năm 2015, "Cua Năm Căn-Cà Mau" được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể. Ðến nay, vùng chuyên canh cua Năm Căn đã phát triển lên khoảng 25.000 ha, sản lượng hằng năm hơn 2.000 tấn. Ðây cũng là loài thủy sản thế mạnh thứ hai của địa phương này, chỉ sau con tôm.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Năm Căn Lê Văn Sin, để giúp nhà nông phát triển nghề nuôi cua đạt hiệu quả tốt, những năm qua, ngành chức năng địa phương tăng cường tập huấn, giúp nhà nông nắm vững kỹ thuật canh tác vận dụng vào sản xuất. Ðơn vị chuyên môn và chính quyền địa phương còn phối hợp các tổ chức, cá nhân nghiên cứu và đầu tư vào thực tiễn sản xuất các mô hình mới, như: Nuôi cua biển bán thâm canh hai giai đoạn, nuôi cua hai da, xây dựng các vùng nguyên liệu phát triển sản phẩm cua OCOP Năm Căn, nguyên liệu nuôi cua tập trung theo hướng VietGAP, nguyên liệu cua chứng nhận an toàn thực phẩm gắn với tiêu thụ sản phẩm, nuôi cua đẻ, ương gièo cua con,... góp phần nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống cho người dân.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp Cà Mau, phục vụ cho vùng nuôi rộng lớn tại Năm Căn nói riêng, Cà Mau nói chung là hơn 500 trại luân phiên sản xuất cua giống và tôm giống toàn tỉnh; trong đó có khoảng 70 trại chuyên sản xuất cua giống, sản lượng từ 700-800 triệu con/năm, không chỉ đáp ứng 100% nhu cầu cua thả nuôi trong tỉnh mà còn cung cấp giống cho một số vùng lân cận ngoài tỉnh. Những cơ sở cua giống thường xuyên được ngành chức năng kiểm tra nhằm bảo đảm chất lượng tốt nhất khi cung ứng đến tay người nuôi, giúp nhà nông yên tâm sản xuất.

Sau nhiều năm gây dựng vùng nuôi, đến nay, diện tích nuôi cua ở Cà Mau đã phát triển lên hơn 250.000 ha, năng suất bình quân 100 kg/ha/năm, sản lượng khoảng 25.000 tấn/năm. Trong đó, diện tích nuôi cua kết hợp với tôm trong vùng rừng ngập nước được chứng nhận sinh thái, hữu cơ và các chứng nhận khác gần 20.000 ha (có chín loại chứng nhận), sản lượng đạt khoảng 2.000 tấn/năm; phần lớn diện tích còn lại được nuôi theo hình thức tự nhiên, theo hướng sinh thái trong vuông nuôi thủy sản.

Với các thông số trên thì Cà Mau trở thành địa phương có sản lượng cua nhiều nhất cả nước, tổng giá trị bình quân mỗi năm hơn 10.000 tỷ đồng. Cũng vì lẽ đó, cua Cà Mau được xác định là ngành hàng chủ lực tại địa phương, vị thế con cua chỉ đứng sau con tôm. Nhìn nhận về triển vọng của con cua, Bí thư Huyện ủy Năm Căn Lượng Trọng Quyền cho biết: Sản phẩm cua Cà Mau nói chung, huyện Năm Căn nói riêng đã được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý và bảo hộ với hình thức nhãn hiệu tập thể. Ðây là cơ sở và là công cụ về mặt pháp lý để địa phương tăng cường hơn nữa chỉ đạo trong quản lý, kiểm soát và quảng bá thương hiệu sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị ngành hàng cua.

Theo đề án phát triển bền vững nghề cua tỉnh Cà Mau đến năm 2030, tỉnh phấn đấu đến năm 2030 ổn định diện tích nuôi cua khoảng 265.000 ha, năng suất bình quân đạt 0,11 tấn/ha/năm, sản lượng chung khoảng hơn 29.000 tấn; đồng thời, đưa năng lực sản xuất cua giống đạt khoảng 1,4 tỷ con/năm, đáp ứng 100% nhu cầu thả nuôi trong tỉnh (khoảng hơn 530 triệu con/năm), phấn đấu xuất khẩu 30-35% sản lượng cua nuôi trong tỉnh và hình thành, phát triển chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm cua đạt 30%.

Ðể hiện thực hóa được mục tiêu nêu trên, chính quyền và ngành chức năng Cà Mau đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về kỹ thuật, hạ tầng phục vụ vùng nuôi; về chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm... Các doanh nghiệp thu mua cua trên địa bàn cũng dần quan tâm nhiều đến phát triển thị trường trong nước với các sản phẩm chuyên sâu nhằm cung cấp cho nhà hàng, khách sạn trong và ngoài tỉnh, tăng sự chủ động khi cua xuất khẩu gặp trục trặc.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử chỉ ra những khó khăn mà nghề nuôi cua tại địa phương đang đối mặt, như: Chất lượng cua giống có dấu hiệu bị thoái hóa; dịch bệnh trên cua vẫn còn diễn biến phức tạp, lặp đi lặp lại nhiều năm liền; nhãn hiệu tập thể chưa phát huy hết lợi thế; thực trạng cua Cà Mau bán đi không có nhãn hiệu nhưng cua nơi khác bán lại treo bảng "cua Cà Mau"… Ðồng thời ông cho biết, tỉnh đang tập trung khắc phục những khó khăn, bất cập nêu trên để tạo bước tiến quan trọng, tạo đột phá mới giúp nghề nuôi cua phát triển bền vững.

Tổng kinh phí thực hiện Ðề án phát triển bền vững nghề cua Cà Mau đến năm 2030 là hơn 219 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương là hơn 111 tỷ đồng, nguồn vốn ngoài ngân sách 108,5 tỷ đồng; do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau chủ trì. Kỳ vọng qua thực hiện, đề án đưa nghề cua trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả và phát triển bền vững; tăng sản lượng trên cùng một diện tích, tăng thu nhập và hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Phan Hoàng Vũ

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau