Nghề nuôi cá lồng trên sông ở Thái Bình

Nghề nuôi cá lồng trên sông là nghề truyền thống ở tỉnh Thái Bình mang lại hiệu quả kinh tế do tận dụng được điều kiện tự nhiên thuận lợi cùng thế mạnh có nhiều dòng sông nước ngọt chảy qua. So với nuôi cá trong ao, hồ, thì nuôi cá lồng trên sông có nhiều ưu điểm nổi trội, đang trở thành hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản ở địa phương.
Mô hình nuôi cá lồng trên sông Luộc của gia đình ông Vũ Ngọc Ba, xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Phụ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình nuôi cá lồng trên sông Luộc của gia đình ông Vũ Ngọc Ba, xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Phụ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nghề nuôi cá lồng xuất hiện ở Thái Bình cách đây hơn 30 năm, đến năm 2013 có 82 lồng nuôi cá trên sông Hồng, sông Trà Lý và sông Luộc. Hạch toán hiệu quả kinh tế trên một lồng nuôi cá năm 2012 cho thấy lợi nhuận đạt 37,45 triệu đồng/lồng. Do hiệu quả kinh tế khá cao cho nên người dân các địa phương ở khu vực ven sông phát triển sản xuất tự phát.

Để công tác quản lý hoạt động nuôi cá lồng trên sông được thống nhất, đồng thời khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về diện tích mặt nước trên sông, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, giảm rủi ro, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân, năm 2015 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án Phát triển nuôi cá lồng trên sông giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025. Qua một thời gian triển khai, đến nay mô hình khẳng định được những hiệu quả ban đầu khá tích cực, các hộ nuôi có cuộc sống ổn định.

Một chiều cuối tháng 3, chúng tôi cùng cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Phụ đi thăm mô hình nuôi cá lồng trên sông Luộc của ông Vũ Ngọc Ba. Ông Ba chia sẻ, ông đầu tư lồng nuôi từ năm 2016 và hiện tại ông có 40 lồng với đủ các loại cá truyền thống cung ứng ra thị trường như cá trắm, cá chép, cá lăng, cá diêu hồng.

Theo ông Ba, những ưu điểm dễ thấy nhất là tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên, cá ít bị dịch bệnh, năng suất cao, thuận tiện trong chăm sóc và thu hoạch. Bên cạnh đó, môi trường ít bị ô nhiễm, lượng ô-xi trong nước cao, nguồn nước luôn được lưu thông cũng là những điều kiện để cá sinh trưởng, phát triển nhanh.. Mỗi chiếc lồng nuôi cá trên sông có kích cỡ khác nhau, chiếc nhỏ nhất có thể tích 54m3 và lớn nhất là 72m3. Trung bình mỗi năm hộ ông Ba xuất bán khoảng 100 tấn cá các loại, trừ chi phí cũng thu về vài trăm triệu tiền lãi.

Nối tiếp câu chuyện về nghề nuôi cá lồng trên sông, ông Lê Ngọc Quản, trú tại xã Quỳnh Hoa (huyện Quỳnh Phụ) chia sẻ: Chúng tôi tập trung vào nuôi cá lăng bởi giá trị kinh tế cao, dù thời gian từ khi nuôi đến xuất bán khá dài, khoảng từ 18 tháng đến 20 tháng. Tính cả chu kỳ nuôi, chi phí thức ăn vào khoảng từ 60-65 nghìn đồng/kg cá, nhưng khi xuất bán thời điểm được giá lên tới 120 đến 130 nghìn đồng/kg. Với một lồng nuôi cá trên sông trong điều kiện bình thường, hộ ông Quản thu lãi từ 20 triệu đến 25 triệu đồng/vụ.

Theo kinh nghiệm của các hộ dân, nuôi cá lồng trên sông có những ưu thế nổi trội hơn nuôi trong ao, hồ bởi nuôi trong ao, hồ không thể nuôi mật độ dày như ngoài lồng, ngoài ra, chi phí trong ao, hồ cũng nhiều hơn. Cá nuôi trên sông bao giờ cũng ngon thịt hơn và không có vị tanh như nuôi trong ao, hồ bởi nguồn nước luôn được luân chuyển. Đối với người nuôi cá lồng trên sông Luộc, điều lo ngại nhất chính là nguồn nước bị ô nhiễm, vì vậy cần kiểm soát tốt việc xả thải nước sản xuất và nước sinh hoạt của các nhà máy, của cộng đồng dân cư ra sông.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 654 lồng nuôi cá trên sông với tổng thể tích hơn 72.000m3. Địa phương phát triển được nhiều nhất mô hình này là huyện Hưng Hà với 275 lồng, tiếp đến là huyện Quỳnh Phụ 196 lồng, huyện Vũ Thư hơn 100 lồng.

Ông Nguyễn Quốc Huy, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vũ Thư cho biết: Hiệu quả của mô hình đã được khẳng định khá rõ rệt trong thực tế triển khai ở địa bàn nhiều năm qua. Như ở xã Nguyên Xá, một hộ dân có 13 lồng nuôi cá trên sông Hồng, cho lãi khoảng 130 triệu đồng/năm sau khi đã trừ chi phí. Hiệu quả là thấy rõ, tuy nhiên không phải hộ dân nào cũng có khả năng triển khai mô hình bởi vốn đầu tư ban đầu khá lớn, chủ yếu là chi phí làm lồng cá dao động từ 30 triệu đến hơn 40 triệu đồng/lồng, vì vậy huyện Vũ Thư chưa phát triển mạnh được nghề nuôi cá lồng trên sông một phần bởi lý do này. Ngoài ra, người dân còn chưa mặn mà với mô hình vì lo lắng những rủi ro, bất trắc có thể xảy ra khi nghề nuôi chịu tác động lớn bởi yếu tố thời tiết, nhất là khi mùa mưa bão đến, dễ phá hỏng lồng bè. Việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng cũng rất khó khăn bởi lồng bè trên sông không đủ cơ sở pháp lý để đem ra thế chấp vay vốn, do đó hầu hết hộ nuôi tự bỏ tiền túi hoặc vay ngoài với lãi suất khá cao.

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Thái Bình chia sẻ: Nghề nuôi cá lồng trên sông suy giảm trong thời điểm hơn 3 năm diễn ra dịch Covid-19, khi đó đầu ra bị ách tắc, trong khi chi phí thức ăn, rồi hóa chất, chế phẩm tăng cao, giá cả xuất bán bấp bênh đã làm giảm hiệu quả sản xuất. Mặt khác, vốn đầu tư nuôi cá lồng lớn, trong khi người nuôi không có nguồn vốn vay ưu đãi, một số hộ không có vốn để tái đầu tư sản xuất. Ở tỉnh Thái Bình chưa thực hiện đăng ký nuôi thủy sản lồng bè do những vướng mắc về thủ tục giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi được giao, cho thuê đất để nuôi trồng thủy sản. Điều này cản trở rất lớn khiến nghề nuôi cá lồng trên sông mới dừng lại ở mức độ duy trì mô hình, mà chưa có sự bứt phá mạnh mẽ, nhất là thu hút các doanh nghiệp có tiềm năng đầu tư, phát triển với quy mô lớn.