1. Nguồn gốc lịch sử:
Người Hrê sinh tụ rất lâu đời ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên. Một số học giả cho rằng, nguồn gốc tộc người Hrê có thể liên quan đến nạn hồng thủy và quá trình di cư.
Dân tộc Hrê có tên tự gọi là Hrê, ngoài ra còn có một số tên gọi khác như: Chăm Rê, Chom, Thượng Ba Tơ, Mọi Luỹ, Mọi Sơn Phòng, Mọi Ðá Vách, Chăm Quảng Ngãi, Mọi Chòm, Rê, Màn Thạch Bích.
2. Phân bố địa lý:
Người Hrê sống chủ yếu ở miền tây tỉnh Quảng Ngãi (các huyện Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long) và tỉnh Bình Ðịnh (huyện An Lão), một số ít ở tỉnh Kon Tum (huyện Kon Plông).
Đồng bào dân tộc Hrê. (Ảnh: Báo Dân tộc và phát triển) |
3. Dân số, ngôn ngữ:
- Dân số:Theo số liệu điều tra 53 dân tộc thiểu số 1/4/ 2019, tổng dân số người Hrê: 149.460 người; dân số nam: 74.017 người; dân số nữ: 75.443 người; quy mô hộ: 3.6 người/hộ; tỷ lệ dân số sống ở khu vực nông thôn: 92.5%.
- Ngôn ngữ: Người Hrê dùng ngôn ngữ thuộc nhóm Môn-Khơ Me (Ngữ hệ Nam Á). Từ thời kỳ trước năm 1975, người Hrê đã có chữ viết dùng hệ thống kí tự La-tinh. Chữ viết này từng được sử dụng rộng rãi nhưng nay đã bị mai một.
4. Đặc điểm chính:
- Thiết chế xã hội truyền thống: Xã hội truyền thống của người Hrê vận hành dựa theo luật tục với các thiết chế phi quan phương, gắn với vai trò của già làng (cà rá)hay gốc làng (Kan plây). Trong xã hội có sự phân hóa khá sâu sắc, chế độ tôi tớ - đặc biệt là đi ở vì nợ - có phần khắc nghiệt hơn nhiều tộc Thượng khác, hiện tượng tranh chiếm và tập trung ruộng đất (theo đó là sự xác lập quyền thế của một số cá nhân) đã tương đối phát triển. Tuy vậy, quan hệ trong làng vẫn thể hiện tinh thần cộng đồng công xã.
Từ năm 1986 đến nay, mô hình quản lý xã hội trên đã được thay thế bằng bộ máy chính quyền địa phương, đứng đầu là trưởng thôn do Ủy ban nhân dân xã quyết định.
- Nhà ở: Nhà truyền thống của người Hrê là nhà dài và nhà sàn. Nhà ở trong làng đều dựng ngang triền đất dốc.
Phụ nữa Hrê. (Ảnh: Thành Đạt) |
- Trang phục: Nam giới Hrê thường đóng khố, dài tới 4-5m, có phần tua ở đầu khố, dài thêm 20cm. Phụ nữ Hrê mặc áo năm thân, cài khuy bên sườn phải, mặc dài xuống quá thắt lưng.
- Tôn giáo, tín ngưỡng: Trong thế giới tâm linh truyền thống, người Hrê tin vào sự tồn tại của linh hồn, họ tin có làng ma (goong kieesk chók) là nơi linh hồn người chết ở, có tính chất đối lập với thế giới con người. Họ thường thờ thần linh (Yang) với niềm tin Yang quyết định đến nhiều vấn đề trong cuộc sống (được hay mất mùa, bệnh tật, đau ốm...). Yang cao nhất là trời, ngoài ra còn rất nhiều Yang khác như đất, nước... Người Hrê cũng thờ cúng tổ tiên.
- Ẩm thực: Cơm gạo tẻ là thức ăn chính của người Hrê, vào các dịp lễ tết họ có thêm cơm nếp. Họ rất thích uống rượu cần, rượu của người Kinh, rượu tự nấu với men lá. Đàn ông và đàn bà Hrê thường xuyên hút thuốc và ăn trầu.
Vinh-vút - nhạc cụ dành riêng cho phụ nữ Hrê. (Ảnh: Báo Dân tộc và phát triển) |
- Nhạc cụ: Nhạc cụ thường dùng của người Hrê là bộ chiêng ba chiếc, bộ cồng ba chiếc, trống, các loại đàn ống tre hoặc có vỏ bầu làm hợp âm, sáo, nhị, đàn môi, nữ giới thì chơi bộ ống vỗ hai chiếc.
- Giáo dục: Theo số liệu điều tra 53 dân tộc thiểu số 1/4/ 2019: tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông là 67.8%, tỷ lệ người đi học chung cấp tiểu học 100.6%, tỷ lệ người đi học chung cấp trung học cơ sở là 90.1%, tỷ lệ người đi học chung cấp trung học phổ thông là 51.4%, tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường là 13.8%.
- Hôn nhân: Dân tộc Hrê thực hiện chế độ hôn nhân nội tộc người là chủ yếu và ngoại hôn dòng họ.
- Lễ tết: Người Hrê có nhiều nghi lễ, lễ hội trong cuộc sống như nghi lễ nương rẫy, nghi lễ liên quan đến chu kỳ nông nghiệp lúa nước, nghi lễ thờ cúng tổ tiên (vaha), hội mùa, hội đầu năm (htend), lễ hội đâm trâu và các nghi lễ liên quan đến vòng đời người. Trong các nghi lễ nông nghiệp, việc thờ thần lúa Yeang Sarì là quan trọng nhất.
5. Điều kiện kinh tế:
Phần lớn người Hrê sống dựa vào làm ruộng nước, chỉ có một bộ phận sống nhờ trồng lúa rẫy. Họ thường sử dụng phương pháp canh tác rẫy: phát - đốt - chọc trỉa, với bộ nông cụ đơn giản, khi thu hoạch thì dùng tay tuốt lúa. Cách thức làm ruộng của người Hrê tương tự như ở người Việt vùng nam Trung bộ (dùng cày, bừa có đôi trâu kéo, biết gieo mạ và cấy, dùng liềm và vằng để gặt...).
Phụ nữ Hrê dệt vải. (Ảnh: Thành Đạt) |
Các hộ gia đình Hrê còn nuôi thêm trâu, lợn, chó, gà, tiến hành hái lượm, săn bắn để tăng nguồn thức ăn. Người Hrê biết đan lát và dệt vải nhưng nay nghề này không phát triển, nhất là nghề dệt chỉ còn ở vài nơi. Họ tiến hành trao đổi hàng hoá thường theo hình thức đổi vật trực tiếp.
Theo số liệu điều tra 53 dân tộc thiểu số 1/4/ 2019: Dân tộc Hrê có: Tỷ lệ thất nghiệp 1.91%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ: 7.2%; Tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực phi nông nghiệp: 10.7%; Tỷ trọng lao động làm công việc quản lý hoặc CMKT bậc cao và trung: 2.0%; Tỷ lệ hộ nghèo: 30.3%; Tỷ lệ hộ cận nghèo: 12.7%; Tỷ lệ hộ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh: 80.2%; Tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới để thắp sáng: 96.2%.
● Français: L’ethnie Hrê
● English: H’re ethnic group