Nghệ nhân Lý Lết quê ở xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng), nơi có tới hơn 90% số dân là đồng bào Khmer, cho nên từ lúc mới sáu, bảy tuổi, Lý Lết đã được cha là cụ Lý Nghét (cũng là nghệ nhân xây chùa nổi tiếng), dạy cho cách chạm khắc hoa văn trên những công trình chùa Khmer.
Ngày cha mất, gia tài quý giá nhất để lại cho ông là một quyển sổ ghi chép đủ các loại mẫu hoa văn và quy cách, kỹ thuật làm chùa Khmer. May mắn được cha dìu dắt và truyền nghề, ông Lý Lết còn được học một cách chính quy về hội họa tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Gia Định (nay là Trường đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh). Chính vì thế, trong những công trình kiến trúc chùa Khmer do ông thiết kế, xây dựng thường có sự kết hợp nhuần nhuyễn, giao thoa giữa kiến trúc, điêu khắc, hội họa truyền thống và hiện đại. Cái tên Lý Lết bắt đầu nổi tiếng sau khi thực hiện thành công việc trùng tu công trình chùa Dơi ở Sóc Trăng vào năm 2009. Trước đó, vào tháng 8-2007, gian chánh điện của chùa Dơi rộng khoảng 200 m² bị cháy. Ngọn lửa thiêu rụi toàn bộ mái trên của chánh điện, cửa gỗ, cột, kèo, cùng hàng chục pho tượng Phật và nội thất. Chùa Dơi là di tích đặc biệt cấp quốc gia, được xây dựng cách đây hơn 400 năm và mang nhiều dấu ấn Phật giáo của người Khmer Nam Bộ cho nên việc trùng tu và phục dựng nguyên trạng gặp không ít khó khăn.
Làm bất cứ nghề gì cũng đòi hỏi cái tâm. Nhưng đối với xây chùa thì tôi nghĩ phần tâm đặt lên trên hết... Nghệ nhân Lý Lết trải lòng.
Đối với người Khmer Nam Bộ, ngôi chùa là trung tâm văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, và sinh hoạt cộng đồng, mang đậm bản sắc dân tộc. Chính vì thế, với nghệ nhân Lý Lết, được thực hiện công việc xây chùa là niềm hạnh phúc lớn lao, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc bằng cả trái tim nhiệt huyết.