Nghệ nhân ghép thành công đào Nhật Tân với đào Đà Lạt

Nghệ nhân ghép thành công đào Nhật Tân với đào Đà Lạt

Khu vườn rộng 6.000m2 ở thung lũng Bà Mun (số 15A đường Lê Hồng Phong, phường 4, TP Đà Lạt) từ sáu, bảy năm trở lại đây được nhiều người dân ở Đà Lạt và du khách biết đến với cái tên gọi mới: “Thung lũng hoa”. Chủ nhân của vườn hoa đào này là ông Bùi Văn Lời.

Ông Lời năm nay 67 tuổi, quê xã Đại Phong, tỉnh Quảng Nam. Ông vào Đà Lạt từ năm 1958, với mộng làm giàu từ nghề trồng đào Đà Lạt ăn trái. Thế nhưng, những cánh hoa phơn phớt hồng và hình ảnh vừa thi vị, vừa ấm cúng của cành hoa đào trong các gia đình mỗi độ xuân về và những gì học được sau chuyến đi tham quan ở trường Đại học Nông nghiệp I đã thôi thúc ông lai ghép hoa đào của hai miền nam - bắc thành một loài hoa mới có tên Đà-Tân.

Năm 2001, ông Lời đã 70 lần xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, được mời đi dự hội thảo tham quan, giao lưu tổ chức ở nhiều nơi trong nước và quốc tế, đạt nhiều tặng thưởng.

Từ năm 2002 đến 2004, các giáo sư, tiến sĩ chuyên nghiên cứu giống cây lai ghép; các giảng viên, sinh viên Khoa nông nghiệp thuộc các trường đại học, cao đẳng, trung học đến giao lưu, học hỏi, rút kinh nghiệm... trồng hoa lai ghép của ông Lời.

Họ để lại những dòng lưu niệm: “Chúng tôi cảm phục tinh thần lao động sáng tạo, cần cù và đầu óc kinh doanh của người làm vườn Đà Lạt, tiêu biểu là ông Bùi Văn Lời”, “... Ông không những là một nông dân sản xuất giỏi, một nông dân trí tuệ mà còn là một nông dân nghệ sĩ nữa”. Đáng chú ý là bút phê: "Nghệ nhân Bùi Văn Lời đã chiết ghép nhân vô tính loài hoa đào Hà Nội trên hoa đào Đà Lạt tạo thành loài hoa đào mới làm chiếc cầu nối giữa thủ đô Thăng Long với thành phố ngàn hoa Đà Lạt" - của Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng, người chủ trì hội thảo Tuần lễ xanh quốc tế - Việt Nam năm 2000.

Bây giờ, khi làng hoa đào Nhật Tân - Hà Nội đã nhường chỗ cho khu đô thị Nam Thăng Long, những vườn hoa đào lân cận cũng không còn nhiều thì vườn đào Đà-Tân với hơn 1.000 gốc của ông Lời thực sự thu hút bước chân du khách - những người yêu hoa, biết thưởng thức hoa đào tìm đến.

Ông Lời kể lại: "Năm 1997, có lần tôi được đi tham quan Hà Nội, được tận mắt thấy các nhà khoa học, sinh viên thực tập trường Đại học Nông nghiệp I chuyển giao, chiết ghép cây hoa đào Hà Nội trên hoa đào Đà Lạt, tôi trở về mày mò học hỏi, ghép thử và đã thực sự thành công".

Mùa xuân năm ấy, cây hoa đào ghép Đà-Tân được trao Huy chương vàng tại Hội chợ hoa xuân, đặc biệt đã được Hội khoa học Việt Nam trao cúp vàng vì sự nghiệp xanh trong cuộc triển lãm Tuần lễ xanh quốc tế lần thứ nhất năm 2000. Cũng với đề tài hoa đào ghép này, ông được mời đọc tham luận tại Tuần lễ xanh quốc tế - Việt Nam lần 2 được tổ chức vào dịp cuối năm 2001.

Ý tưởng lai ghép, nhân giống và lưu giữ hoa đào của người nông dân và cũng  là nghệ nhân Bùi Văn Lời được bắt đầu từ suy nghĩ: “Trong cuộc đời, tôi luôn luôn thích cây hoa đào và tôi muốn hoa đào có thật nhiều cánh chứ không phải chỉ năm cánh như hoa đào Đà Lạt. Tôi còn muốn và sẽ bắt hoa đào không chỉ có sắc mà còn có hương thơm...”.

Đào Nhật Tân nổi tiếng với những cánh hoa dày, đỏ thắm, kết từng chùm, cây nhiều nhánh và có khả năng tự tạo dáng, vừa  ý người thưởng ngoạn. Đào Đà Lạt thân cây cao, dáng thẳng, sắc hoa chỉ hơi phớt hồng, nằm rải trên các mắt của nhánh hoa. Ghép hai giống đào này, ông Lời đã tạo ra một vườn hoa đào thế (nghĩa là tạo dáng, tạo thế cho hoa đào) phong phú về chủng loại và màu sắc đa cánh hoa, dáng hoa với những gốc hoa có tên như: khúc thụ liên chi (cây cao nhiều nhánh), song thụ (hai gốc), dáng long (hình con rồng), ngũ phúc thụ (phúc, lộc, thọ, khang, linh), nhất trụ tam hoa tứ quý (một cây lên ba cành có đủ hoa, lá, trái), xòe cánh phượng, phu tử, mẫu tử... với ba loại: liễu đào, hồng đào, bích đào.

Ông Lời chơi hoa cũng vừa để phục vụ lợi ích làm giàu kinh tế từ vườn hoa đào Đà-Tân này. Những năm qua, vườn hoa của ông Lời được chăm chút vì nhiều mục đích: để làm giống nghiên cứu tái tạo, để bán và để đem đi triển lãm.

Nhưng mùa xuân này, ông Lời không lãng mạn với cái thú chơi hoa để “no” con mắt và quảng cáo nữa mà tính chuyện làm giàu từ hoa đào: “Người ta đặt mua hoa của tôi quá trời, người muốn bứng cả gốc, người muốn cắt cành... Hoa đào năm nay được giá lắm”.

Ông Lời nắm bắt thị hiếu các “thượng đế”: Người Đà Lạt khôn lắm, họ biết được lợi thế của Đà Lạt là khí hậu mát mẻ, hoa tươi lâu dù cây không có gốc, rễ, lại có phong lan thay thế để chơi xuân nên chủ yếu mua cành, chọn những cành đào “chất lượng”, bông nhiều, vừa vừa dễ thương chứ không mua cả cây như  người ngoài tỉnh. 

Với hơn 1.000 gốc đào đang rạo rực chớm nụ, nếu gặp “thiên thời”, năm nay ông Lời dự tính sẽ thu về khoảng vài trăm triệu đồng.

Có thể bạn quan tâm