"Đừng đốt" lên ngôi!

Với năm giải Diều vàng, một giải phẩm hay nhất do khán giả bình chọn. Cùng với đó là sự ra về gần như “trắng tay” của các bộ phim mang nặng yếu tố giải trí. Điều đó chứng tỏ rằng, tiêu chí nghệ thuật vẫn luôn được đặt lên hàng đầu.

Tham dự giải Cánh diều Vàng 2009 có mặt các thể loại phim truyện video, phim truyền hình dài tập, phim tài liệu, phim hoạt hình nhưng được chú ý và mong đợi nhất (không chỉ ở giải Cánh diều Vàng hàng năm mà cả ở các kỳ Liên hoan phim Việt Nam diễn ra hai năm một lần), vẫn là  phim truyện nhựa.

Năm giải Cánh diều Vàng thể loại này năm nay được trao cho bộ  phim Đừng đốt (Đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh – Hãng phim Hội Điện ảnh): Phim xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất (Minh Hương), Âm thanh hiệu quả nhất, Hoạ sĩ xuất sắc nhất, không nằm ngoài dự đoán của những người trong cuộc. Cũng như trước đó, tại LHP VN lần thứ 16 vừa qua, Đừng đốt đã được nhiều người đặt niềm tin và đã đoạt giải Bông sen Vàng.

Sau khi gặt hái thành công ở Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16, Đừng đốt đã được trình chiếu rộng rãi trên toàn quốc và nhận được sự yêu mến của khán giả, nhất là tầng lớp khán giả trẻ. Bản thân chất liệu làm nên Đừng đốt là cuốn nhật ký của Liệt sỹ Đặng Thùy Trâm đã là một câu chuyện hấp dẫn, cảm động, lại được bàn tay tài hoa của đạo diến Đặng Nhật Minh xây đựng từ những câu chữ thành hình ảnh đầy chất thơ về cuộc đời nguời anh hùng liệt sỹ Đặng Thùy Trâm. Điều đó đã tạo nên sức cuốn hút mạnh mẽ của bộ phim Đừng đốt.

Qua những đợt chiếu cho thanh niên, sinh viên xem bộ phim Đừng đốt, chúng ta thấy rõ giá trị tư tưởng, hiệu quả xã hội của phim mang lại cho lớp trẻ ngày nay một nhận thức sâu sắc về sự hy sinh của thế hệ đi trước trong công cuộc chống Mỹ cứu nước.

Trong số  tám phim truyện nhựa tham dự giải Cánh diều Vàng 2009, có thể thấy được sự phong phú màu sắc, đề tài của điện ảnh Việt Nam trong năm 2009: đề tài chống tham nhũng ( Không cân sức ), hành động võ thuật (Bẫy rồng ), ca nhạc ( Những nụ hôn rực rỡ ), thể loại tâm lý mang tính chất hiện đại, phá cách, mang đậm dấu ấn của đạo diễn  như Chơi vơi… thì không khó để nhận thấy rằng, Đừng đốt đã đạt được tiêu chí nghệ thuật rõ nhất.

Nhưng cũng không ít những ý kiến tiếc cho Chơi vơi của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Đã từng được chú ý ở Liên hoan phim Venice và được trao giải của Hiệp hội phê bình điện ảnh quốc tế ( FIPRESCI) vào tháng 9 năm 2009; giải Taiga đồng tại Liên hoan phim Quốc tế Spirt of Fire ( Nga); giải Âm thanh xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Châu Á- Thái Bình Dương và được công chiếu ở Mỹ, Canada… Chơi vơi có thể được xem là “đối thủ” của Đừng đốt trước giờ trao giải.  Vì vậy,  không ít hy vọng nó sẽ đoạt một giải thưởng cao tại giải Cánh diều Vàng 2009.

Tuy nhiên, một thực tế mà dù cho có yêu mến Chơi vơi đến đâu, cũng không thể phủ nhận rằng những câu chuyện mang mầu sắc của những ẩn ức tâm lý, của triết lý sống hiện đại, hoặc vấn đề đồng tính, có thể là đề tài không còn mới mẻ với khán giả thế giới, nhưng khán giả Việt Nam vẫn chưa tiếp nhận được lối thể hiện hiện thực ấy. Chính vì vậy, Chơi vơi vẫn chưa được phiếu bình chọn của Ban giám khảo cũng như của công chúng.

Dẫu rằng Chơi vơi không được giải cao thì cũng vẫn phải thừa nhận một phong cách làm phim trẻ trung, mới mẻ, và là sự dũng cảm tìm một hướng thể hiện mới cho các bộ phim Việt Nam.

Sự tham gia dự giải của một loạt phim mang tính chất giải trí đơn thuần như Những nụ hôn rực rỡ (được làm giống với phim High School Musical - một bộ phim ca nhạc của Mỹ đang được giới trẻ say mê ), hay phim Bẫy rồng, một phim hành động, võ thuật được các nhà làm phim dũng cảm tung ra cùng thời điểm với bộ phim nổi tiếng thế giói – Avatar – những phim đạt doanh thu rất cao, nhưng cũng không được lựa chọn, một lần nữa khẳng định tiêu chí nghệ thuật của những bộ phim luôn được đặt lên hàng đầu.

Cái nghịch lý muôn thuở của điện ảnh nước ta là những bộ phim giải trí kiểu như Những nụ hôn rực rỡ hay Bẫy rồng lại luôn kéo được số lượng khán giả đến rạp đông (điều này đồng nghĩa với doanh thu của phim sẽ rất cao) mà những phim mang tính nghệ thuật cao nằm mơ cũng không có được. Một ngày nào đó, những yếu tố nghệ thuật – kinh tế có thể cân bằng, dung hòa được hay không, đó vẫn là một ẩn số với những người làm nghề, những nghệ sỹ tâm huyết với sự hưng thịnh của điện ảnh nước nhà.