Thơ và lời bình

"Chùa Hương" - Nguyễn Nhược Pháp

(Thiên ký sự của cô bé ngày xưa)

Hôm nay đi chùa Hương
Hoa cỏ mờ hơi sương
Cùng thầy me em dậy
Em vấn đầu soi gương.

Khăn nhỏ, đuôi gà cao
Em đeo dải yếm đào
Quần lĩnh, áo the mới
Tay cầm nón quai thao.

Me cười: "Thầy nó trông!
Chân đi đôi dép cong
Con tôi xinh xinh quá!
Bao giờ cô lấy chồng ?"

- Em tuy mới mười lăm
Mà đã lắm người thăm
Nhờ mối mai đưa tiếng
Khen tươi như trăng rằm

Nhưng em chưa lấy ai
Vì thầy bảo người mai
Rằng em còn bé lắm
Ý đợi người tài trai

Em đi cùng với me
Me em ngồi cáng tre.
Thầy theo sau cưỡi ngựa
Thắt lưng dài đỏ hoe.

Thầy me ra đi đò
Thuyền mấp mênh bên bờ.
Em nhìn sông nước chảy
Đưa cánh buồm lô nhô.

Mơ xa lại nghĩ gần.
Đời mấy kẻ tri âm?
Thuyền nan vừa lẹ bước
Em thấy một văn nhân.

Người đâu thanh lạ nhường!
Tướng mạo trông phi thường.
 Lưng cao dài, trán rộng.
Hỏi ai nhìn không thương?

Chàng ngồi bên me em.
Me hỏi chuyện làm quen:
"Thưa thầy đi chùa ạ?
Thuyền đông giời ôi chen!"

Chàng thưa vâng thuyền đông
Rồi ngắm giời mênh mông
Xa xa mờ núi biếc
Phơn phớt áng mây hồng.

Dòng sông nước đục lờ.
Ngâm nga chàng đọc thơ
Thầy khen hay, hay quá
Em nghe rồi ngẩn ngơ.

Thuyền đi, bến Đục qua
Mỗi lúc gặp người ra
Thẹn thùng em không nói:
 "Nam mô A-di-đà!"

Réo rắt suối đưa quanh
Ven bờ ngọn núi xanh
Dịp cầu xa nho nhỏ:
Cảnh đẹp gần như tranh.

Sau núi Oản, Gà, Xôi
Bao nhiêu là khỉ ngồi
Tới núi con voi phục
Có đủ cả đầu đuôi

Chùa lấp sau rừng cây
Thuyền ta đi một ngày
Lên cửa chùa em thấy
Hơn một trăm ăn mày.

Em đi, chàng theo sau
Em không dám đi mau
Ngại chàng chê hấp tấp
Số gian nan không giàu.

Thầy me đến điện thờ.
Trầm hương khói tỏa mờ.
Hương như là sao lạc
Lớp sóng người lô nhô.

Chen vào thật lắm công.
Thầy me em lễ xong
Quay về nhà ngang bảo:
 "Mai mới vào chùa trong".

Chàng hai má đỏ hồng
Kêu với thằng tiểu đồng
Mang túi thơ bầu rượu:
"Mai ta vào chùa trong".

Đêm hôm ấy em mừng!
Mùi trầm hương bay lừng.
Em nằm nghe tiếng mõ
Rồi chim kêu trong rừng.

Em mơ, em yêu đời,
Mơ nhiều... Viết thế thôi
Kẻo ai mà xem thấy
Nhìn em đến nực cười.

Em chưa tỉnh giấc nồng
Mây núi đã pha hồng
Thầy me em sắp sửa
Vàng hương vào chùa trong.

Đường mây đá cheo veo,
Hoa đỏ, tím, vàng leo.
Vì thương me quá mệt
Săn sóc chàng đi theo.

Mẹ bảo: "Đường còn lâu.
Cứ vừa đi ta cầu
Quan thế âm bồ tát
Là tha hồ đi mau"

Em ư? Em không cầu,
Đường vẫn thấy đi mau.
Chàng cũng cho như thế.
(Ra ta hợp tâm đầu).

Khi qua chùa Giải Oan
Trông thấy bức tường ngang
Chàng đưa tay, lẹ bút
Thảo bài thơ liên hoàn.

Tấm tắc thầy khen hay
Chữ đẹp như rồng bay.
(Bài thơ này em nhớ
Nên chả chép vào đây)

Ôi! Chùa trong đây rồi!
Động thẳm bóng xanh ngời.
Gấm thêu trần thạch nhũ
Ngọc nhuốm hương trầm rơi.

Mẹ vui mừng hả hê:
"Tặc! Con đường mà ghê!"
Thầy kêu mau lên nhé
Chiều hôm nay ta về.

Em nghe bỗng rụng rời!
Nhìn ai luống nghẹn lời!
Giờ vui đời có vậy
Thoảng ngày vui qua rồi!

Làn gió thổi hây hây.
Em nghe tà áo bay
Em tìm hơi chàng thở!
Chàng ôi, chàng có hay?

Đường đây kia lên giời.
Ta bước tựa vai cười
Yêu nhau, yêu nhau mãi!
Đi, ta đi, chàng ôi?

Ngun ngút khói hương vàng
Say trong giấc mơ màng
Em cầu xin Giời Phật
Sao cho em lấy chàng.

(Thiên ký sự đến đây là hết. Tôi tin rồi hai người lấy nhau, vì không lấy được nhau thì cô bé còn viết nhiều. Lấy nhau rồi là hết chuyện).

*Lời bình của nhà thơ Anh Ngọc

Đây là một bài thơ hay, có nhiều chi tiết và câu chữ thần tình, nhưng vì nó quá dài nên khó có thể bám sát từng câu chữ để phân tích. Mà xem ra cũng không nhất thiết phải làm như thế. Bởi tất cả ở đâu đều sáng rõ, người đọc bình thường nhất cũng thấy được cái hay của nó. Bởi vậy, công việc bình ở đây có lẽ chỉ cần gọi tên ra được một vài đặc thù chính đã khiến cho bài thơ có được một chỗ đứng trên thi đàn, được người đọc nhiều thế hệ yêu mến và chắc chắn còn sống với thế kỷ sắp tới.

Theo thiển ý của tôi, nét đặc thù trước hết của Chùa Hương chính là ở chỗ đây là một bài thơ kể chuyện, hay có thể gọi đây là một truyện thơ nho nhỏ. Cái hay của bài thơ vì thế trước hết cũng nằm trong tính truyện của nó.

Tất cả ở đây đều được nhìn qua đôi mắt của người kể chuyện: đấy là một cô gái "ngày xưa", con nhà gia giáo và đang ở tuổi mới lớn. Toàn bộ cách cảm, cách nghĩ và lời ăn tiếng nói đều mang rõ dấu ấn và bộc lộ tính cách của nhân vật này. Đó là cái nhìn hồn nhiên, ngơ ngác của người lần đầu đi chơi xa mà lại là đi hội, một lễ hội rất hấp dẫn - hội chùa Hương:

Em đi cùng với me
Me em ngồi cáng tre.
Thầy theo sau cưỡi ngựa
Thắt lưng dài đỏ hoe.

Người đọc, nhất là những thế hệ sau này, có cái thú là được sống lại, nói đúng hơn là được khám phá lại một cuộc sống đã lùi vào dĩ vãng, không chỉ về cảnh sắc, phong tục mà đến cả tâm lý, tâm hồn của lớp người xưa:

Khăn nhỏ, đuôi gà cao
Em đeo dải yếm đào
Quần lĩnh, áo the mới
Tay cầm nón quai thao.
 - Em tuy mới mười lăm
Mà đã lắm người thăm
Nhờ mối mai đưa tiếng
Khen tươi như trăng rằm

Đó còn là cái ngây thơ đáng yêu của lứa tuổi già trẻ con non người lớn :

Sau núi Oản, Gà, Xôi
Bao nhiêu là khỉ ngồi
Tới núi con voi phục
Có đủ cả đầu đuôi

Và nhất là câu này: "Lên cửa chùa em thấy/Hơn một trăm ăn mày - đúng là cách cân đong đo đếm tò mò kiểu trẻ em.

Còn với mấy câu sau đây .

Em đi, chàng theo sau
Em không dám đi mau
Ngại chàng chê hấp tấp
Số gian nan không giàu.

thực như vẽ ra trước mắt ta tính cách của nhân vật trong bối cảnh của nó, khiến người đọc không nén được một nụ cười thích thú và cảm mến.

Và cứ lần theo mạch chuyện được nhân vật kể lại hết sức chân thực và hồn nhiên đến ngộ nghĩnh, ta dần dà bị cuốn vào thế giới tâm tình rất đỗi đáng yêu và thú vị của cô gái, không chỉ trong các chi tiết về phong cảnh và lễ hội, mà quan trọng hơn nhiều là mối tình mới nhóm trong lòng cô gái dành cho chàng văn nhân "tướng mạo trông phi thường", một mối tình đầy chất sét đánh, đến ngay vào tuổi đầu đời lại diễn ra giữa một cảnh trí nên thơ và say lòng hiếm có.

Có thể nói, người kể chuyện đã dựng dậy tất cả biểu hiện vừa diễn ra rất nhanh, nhưng vẫn rất có trật tự, lớp lang của một quá trình của một cảm xúc tình yêu. Kể ra thì dài dòng, nhưng tựu trung là câu chuyện gồm hết các cung bậc tình cảm; từ ngạc nhiên cảm mến, đến bất chợt "ngẩn ngơ", từ một thứ cảm tình tựa như duyên số không thể cắt nghĩa, đến nhận thứ lý tính "Chàng cũng cho như thế/Ra ta hợp tâm đầu", từ niềm vui thầm khấp khởi khi lửa tình mới nhóm:

Đêm hôm ấy em mừng!
Mùi trầm hương bay lừng.
Em nằm nghe tiếng mõ
Rồi chim kêu trong rừng.

(Còn nhớ, trong một lần bình giảng bài thơ này cho sinh viên khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhà phê bình Hoài Thanh đã lưu ý đến cái âm "ừng" với dấu huyền cuối mấy câu trên nó gợi về một cảm xúc gì đó vừa đang dâng lên, lại vừa như bị nén lại trong lòng - đọc kỹ, ta sẽ cảm thấy lời bình là có lý); và, cho đến cuối cùng, như một tất yếu trong tình yêu, một nỗi buồn da diết đã chờ sẵn ở cuối đường:

Em nghe bỗng rụng rời!
Nhìn ai luống nghẹn lời!
Giờ vui đời có vậy
Thoảng ngày vui qua rồi!

Hình như đó là một thứ định mệnh khắc nghiệt cho mọi thứ gì quá đẹp, cũng chẳng nên đổ tại một nguyên nhân xã hội hay ngoại cảnh nào - từ thuở nàng Kiều "bây giờ rõ mặt đôi ta/ biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao" cho đến Huy Cận của Thơ Mới "chân hết đường thì lòng cũng hết yêu" và đến tận Xuân Quỳnh sau bao năm cách mạng "lời yêu mỏng manh như mầu khói/ai biết lòng anh có đổi thay"... Tình yêu là thế và thân phận con người là thế", thôi đừng trách lẫn trời gần trời xa". Nhưng trong thất vọng tột cùng, con người vẫn không tuyệt vọng, con người vẫn tin rằng bằng sức mình rồi ra vẫn có thể giành lại được một chút gì, và họ còn tin hơn vào một lẽ công bằng hóa thân trong Giời Phật:

Ngun ngút khói hương vàng
Say trong giấc mơ màng
Em cầu xin Giời Phật
Sao cho em lấy chàng

Và chàng thi sĩ cũng đang tuổi măng tơ đã theo dõi từng bước đi của nhân vật của mình với mối thiện cảm không giấu giếm đã thay đấng Hóa công làm việc ấy, chàng dành cho cô lời tiên đoán kết cục vui vẻ, nghịch ngợm và có duyên đến nỗi mấy lời chú thích ấy đã thành ra một bộ phận không thể tách rời của bài thơ!

"Văn tức là người" - chỉ với một bài thơ xinh xắn và có duyên như bài thơ này, thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp đã khiến hậu thế yêu mến chàng biết chừng nào, nhất là khi ta biết chàng trai đa tài, đa cảm và tinh tế nhường ấy lại phải giã biệt cõi đời quá sớm, đến nỗi những bậc thức giả nghiêm ngắn như các tác giả Thi nhân Việt Nam cũng phải ngậm ngùi thốt lên: "người mất năm hai mươi bốn tuổi, lòng trong trắng như hồi còn thơ".