Phạm Linh Đan: “Chơi vơi” được hoan nghênh tại Toronto

Liên hoan phim Venice lần thứ 66 này đối với tôi thật đặc biệt vì tôi có hai bộ phim cùng tham dự: “Mr. Nobody” của đạo diễn Jaco van Dormael trong giải Venezia 66 và “Chơi vơi” của anh Bùi Thạc Chuyên tranh cử ở phần Orizontti.

Tôi rất hồi hộp khi xem “Chơi vơi” lần đầu tiên trình chiếu trên màn ảnh rộng ở Venice. Anh Chuyên hỏi tôi có muốn xem phim bằng DVD không nhưng tôi nghĩ xem phim màn ảnh rộng thì phải xem trong rạp cùng với khán giả mới thấy hết được tầm vóc của nó. “Chơi vơi” được trình chiếu trong rạp lớn với sức chứa 1.300 chỗ ngồi mà không có ghế nào trống. Khi bộ phim kết thúc, khán giả vỗ tay nồng nhiệt tới 10 phút. Tôi thật xúc động và bộ phim thật tuyệt vời! Rất nhiều người đã tới chúc mừng đoàn làm phim và khen ngợi “Chơi vơi”. Tôi cũng chúc mừng anh Chuyên và rất tự hào đã tham gia đóng phim. Tôi hy vọng anh Chuyên sẽ sớm làm bộ phim mới và sẽ mời tôi tham gia… Tôi luôn sẵn sàng đóng trong bất cứ phim nào của anh Chuyên.

Tôi rất vui khi dự Liên hoan phim Venice với anh Chuyên mặc dù thời gian eo hẹp vì tôi cũng rất bận cho phim "Mr. Nobody” nữa. “Chơi vơi” ra mắt ở Venice rất đặc biệt và hết sức xúc động đối với tôi. Tôi rất tự hào và vui sướng khi nghe Ban giám khảo công bố “Chơi vơi” đoạt giải FIPRESCI. Đây là một giải thưởng tầm cỡ và hết sức quan trọng vì Ban giám khảo gồm những nhà phê bình chuyên nghiệp nổi tiếng trên thế giới. Họ ấn tượng rất sâu sắc với sự đậm đà và hoàn thiện của tình cảm thế hiện cũng như nghệ thuật quay phim trong “Chơi vơi”. Họ nhận xét rằng bộ phim thể hiện thành công những tình cảm hết sức tinh tế về con người cũng như bản năng giới tính rất riêng của các nhân vật trong phim tại một đất nước mà truyền thống gia đình và các mực thước đạo đức luôn luôn được coi trọng.

Liên hoan phim Quốc Tế Toronto (TIFF) rất quan trọng, đặc biệt đối với thị trường Bắc Mỹ. Tôi được biết, tất cả các buổi trình chiếu của “Chơi vơi” đã bán hết vé. Tôi rất hân hoan khi thấy “Chơi vơi” đã có được rất nhiều lời khen ngợi. Rất nhiều khán giả cũng như nhiều báo chí nói với tôi rằng họ rất thích bộ phim.

Tôi xin nhấn mạnh một điểm hết sức quan trọng là Việt Nam nên ủng hộ và tạo điều kiện hơn nữa để phát triển nền nghệ thuật nói chung và ngành điện ảnh nói riêng. Chẳng hạn như ở Pháp, nếu Bộ Văn hoá Pháp không giúp đỡ thì rất nhiều bộ phim đã không được dàn dựng. Trong trường hợp của “Chơi vơi”, theo như anh Chuyên cho biết, vì điều kiện ngân sách eo hẹp nên anh không làm được nhiều phiên bản của phim, và thậm chí không có thuyết minh bằng tiếng Ý để trình chiếu ở Venice. Ở Mỹ hay Pháp, để quảng cáo và làm tiếp thị cho phim, các công ty điện ảnh sẽ phải điều các đoàn tổ chức chuyên nghiệp tới những Liên hoan phim. Ở Pháp, tổ chức Unifrance trợ giúp các nhà làm phim về tài chính để đưa phim ra trình chiếu ở nước ngoài. Tôi cứ ước, giá mà “Chơi vơi” cũng được những ủng hộ và giúp đỡ như vậy ở các Liên hoan phim này!

Để làm được một bộ phim hay như vậy là rất khó, nhưng để đưa được phim ra mắt thế giới cũng không kém phần quan trọng. Phim cần có khán giả! Rất hay là “Chơi vơi” đã được lựa chọn đi dự nhiều Liên hoan phim, nhưng có lẽ sẽ còn tốt hơn cho “Chơi vơi” cũng như nền điện ảnh Việt Nam nếu bộ phim được phát hành rộng rãi trên toàn thế giới. Về phần công chiếu “Chơi vơi” ở Việt Nam, theo tôi biết thì vẫn chưa có ngày chính thức, nhưng tôi chắc chắn sẽ cố gắng có mặt để ra mắt cùng với đoàn làm phim. Tôi rất hãnh diện về “Chơi vơi” và tôi nghĩ rằng anh Bùi Thạc Chuyên là một nhà đạo diễn rất tài năng. Tôi rất vinh dự được làm phim với anh Chuyên, các diễn viên Đỗ Hải Yến, Johnny Trí Nguyễn và toàn thể đoàn làm phim ở Việt Nam.

Phạm Linh Đan

Phạm Linh Đan sinh năm 1974 tại Sài Gòn và sang Pháp với gia đình từ năm một tuổi. 18 tuổi, cô được đạo diễn Régis Wargnier mời đóng vai Camille, cô gái trở về Việt Nam tìm lại cội nguồn trong phim Đông Dương quay tại Việt Nam. Vai diễn đưa cô vào danh sách đề cử giải Nữ diễn viên chính giải César, một giải thưởng điện ảnh uy tín của Pháp. Khoảng thời gian 10 năm sau đó, cô theo học ngành thương mại và từng trở về Việt Nam làm giám đốc marketing cho một hãng rượu. Rồi Phạm Linh Đan đi học diễn xuất tại trường Lee Strasberg (Mỹ) và “tái xuất” ấn tượng trong vai cô giáo dạy piano Lu Ann trong bộ phim Trái tim lỗi nhịp của đạo diễn Balekdjian năm 2004. Cô đã đoạt giải Nữ diễn viên triển vọng tại giải César lần thứ 31 (2006) với vai diễn này. Cô tham gia Mr. Nobody năm 2008. Bộ phim của điện ảnh Pháp này sẽ công chiếu từ tháng 11 tới.

Năm 2007, Linh Đan trở về Việt Nam với bộ phim Vù lẹ lặn luôn của đạo diễn Régis Wargnier. Trong phim này, cô thủ vai Camille. 15 năm sau phim Đông Dương, Phạm Linh Đan và đạo diễn Régis Wargnier có dịp tái ngộ trên mảnh đất họ đã gắn bó nhiều kỷ niệm. Đạo diễn cho biết: “Trong vài năm nay, cô ấy rất nổi tiếng ở Pháp và được mời đóng vai chính trong một số bộ phim Pháp. Linh Đan có thể đảm nhiệm nhân vật châu Á và cả những nhân vật chính khác nữa vì cô ấy là một gương mặt đặc sắc và mang trong mình những hiểu biết của cả hai nền văn hóa Pháp- Việt”.

Linh Đan hiện sống ở Anh. Ngoài các phim điện ảnh, cô còn tham gia một số phim truyền hình.