Những áp phích phim từ trong quá khứ

Từ những bộ phim đầu tiên...

Với chủ đề “Việt Nam, đất nước đi lên từ chiến tranh", triển lãm được chia thành ba giai đoạn: từ 1959-1975, từ 1976-1986 và từ 1987 tới nay. Giai đoạn 1959-1975 nhấn mạnh sự kiện điện ảnh Việt Nam ra đời trong khói lửa chiến tranh nhưng đã làm được nhiều tác phẩm xuất sắc, trong đó có nhiều phim đoạt giải thưởng trong nước và quốc tế.

Giai đoạn từ 1976-1986 xoay quanh chủ đề đất nước sau khi giành được độc lập, có nhiều thay đổi về kinh tế xã hội, xuất hiện nhiều mâu thuẫn giữa cái cũ và cái mới. Thời kỳ này điện ảnh đã khai thác nhiều đề tài phong phú chung quanh cuộc sống hơn, và có sự thay đổi mạnh mẽ về phong cách tiếp cận, khai thác đề tài, cách bố trí, xây dựng tình tiết...  Đây là giai đoạn của các tác phẩm tiêu biểu như “Về nơi gió cát”, “Mùa gió chướng”, “Chom và Sa”, “Đứng trước biển”, “Chuyến xe bão táp”...

 

Phim “Lưới trời”.

Thời kỳ từ 1987 đến nay, các tác phẩm điện ảnh bám sát cuộc sống, phản ánh đầy đủ những mặt khác nhau của thực tế, với nhiều đề tài phong phú, xoay quanh những vấn đề nóng bỏng được xã hội quan tâm... Có thể thấy những tấm áp phích của “Bông hoa rừng Sác”, “Chìa khoá vàng”, “Hải Nguyệt”, “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công”... hay poster những phim nổi đình đám của thế kỷ 21 như “Gái nhảy”, “Lưới trời”...

Áp phích bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt Nam
“Chung một dòng sông”.

Ngay tại gian đầu tiên của triển lãm, nhiều khán giả thế hệ 7x, 8x hay 9x rất ngỡ ngàng khi lần đầu được tận mắt thấy những tấm áp phích đầu tiên của điện ảnh Việt Nam như “Chung một dòng sông” của hoạ sĩ Đào Đức – cây đại thụ trong thiết kế mỹ thuật của điện ảnh Việt Nam, “Vợ chồng A Phủ”, “Con chim vành khuyên”, “Trên vĩ tuyến 17” hay “Đường về quê mẹ”... Những tấm áp phích phần lớn là vẽ tay, màu sắc đơn giản. Một vài bức sử dụng ảnh như “Chung một dòng sông” hay “Gió Đại phong”...

 

“Vợ chồng A Phủ” – phim
do nghệ sĩ lão thành Trần Phương thủ vai chính.

Đứng rất lâu trước tấm áp phích “Vợ chồng A Phủ”, nghệ sĩ lão thành, đạo diễn, diễn viên điện ảnh Trần Phương, mái tóc bạc phơ, bước chân ở tuổi 80 đã run run, nhưng đôi mắt vẫn sáng ngời khi nhớ lại những ngày đóng phim gian khổ. Ông kể: “Hồi đó chúng tôi còn trẻ lắm, đóng phim thời chiến, gian khổ, thiếu thốn đủ đường nhưng ai nấy đều đầy nhiệt huyết, đam mê. Giờ nhìn lại những tấm áp phích này, ký ức về những tháng ngày đó vẫn còn nguyên vẹn”. Ông bảo, bây giờ nhiều đạo diễn trẻ, giỏi giang, năng động, ngay cả cách thể hiện bộ phim trên áp phích cũng đầy sáng tạo. “Nhưng tôi vẫn thích những tấm áp phích cũ, có lẽ những sản phẩm được làm ra trong điều kiện thiếu thốn, gian khổ bao giờ cũng thấy quý hơn”.

Áp phích phim “Nguyễn Văn Trỗi”.

Còn đạo diễn, NSND Bùi Đình Hạc thì nhớ lại những ngày làm áp phích phim “Nguyễn Văn Trỗi”: “Chúng tôi băn khoăn giữa việc làm áp phích bằng ảnh hay bằng tranh vẽ, cuối cùng chọn giải pháp là vẽ lại ảnh anh Trỗi trước lúc ra pháp trường, như vậy sẽ tạo cảm xúc mạnh mẽ hơn”. Nhận xét về những tấm áp phích trong triển lãm, ông Bùi Đình Hạc cho rằng, mỗi tấm áp phích giới thiệu phim không chỉ có ý nghĩa về điện ảnh hay mỹ thuật, mà còn có cả những giá trị khác ngoài nghệ thuật. Nhiều tấm áp phích được các nhà sưu tầm bỏ công tìm kiếm, mua về... Những tấm áp phích trong triển lãm này phần nào cho thấy sự phong phú của điện ảnh nước nhà trong những giai đoạn khác nhau, phản ánh sự thay đổi của cuộc sống xã hội qua điện ảnh...

Để triển lãm không chỉ là lần đầu

Để có được những tấm áp phích trưng bày trong triển lãm này, Viện phim Việt Nam đã phối hợp với Viện Lưu trữ quốc gia Singapore scan lại từng tấm và in lại theo đúng màu bản gốc.

Áp phích phim “Con chim vành khuyên”.

Bà Nguyễn Thị Lan (Viện trưởng Viện phim Việt Nam) cho biết, những tấm áp phích gốc của Viện còn giữ được có chất lượng rất kém, do điều kiện giấy và mực in ngày xưa còn thiếu thốn, nhiều tấm còn rách nát do được bóc về sau khi dán trên tường, bảng thông tin... từ những đợt chiếu phim. Với kỹ thuật quét ảnh của Viện Lưu trữ quốc gia Singapore, rất nhiều bản áp phích đã được khôi phục lại, trong đó có những bản từ rất lâu như “Chung một dòng sông” (1959), “Vợ chồng A Phủ” (1961), “Con chim vành khuyên” (1962)...

Những bản phim trưng bày trong triển lãm, đều là bản sao sau scan. Trước đó, từ tháng 5 đến tháng 9-2008, triển lãm “Đất nước đi lên từ chiến tranh” đã được tổ chức tại Singapore trong khuôn khổ “Những ngày văn hoá Việt Nam tại Singapore”, thu hút gần 10 nghìn lượt người xem, trong đó có nhiều khách nước ngoài. Bà Irene Lim, Viện phó Viện Lưu trữ quốc gia Singapore cho biết, đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi tốt từ khách thăm triển lãm.

Thành công tại Singapore đã khích lệ Viện phim Việt Nam và Viện Lưu trữ quốc gia Singapore tiếp tục đưa những bức áp phích này về Việt Nam phục vụ khán giả nhân dịp 56 năm thành lập ngành điện ảnh.

Bà Lan cho biết, triển lãm này phần nào để khán giả hiểu thêm điện ảnh Việt Nam qua các thời kỳ khác nhau, và đây cũng là cơ hội để các tư liệu quý bấy lâu vẫn nằm trong kho phát huy được giá trị của mình. Bà Nguyễn Thị Lan chia sẻ: “Thời gian chuẩn bị cho triển lãm quá gấp, phải đến giữa tháng 2 các tấm áp phích mới được chuyển từ Singapore về Việt Nam. Trong khi đó, nhiều áp phích trong kho của Viện có giá trị về mặt nghệ thuật, thể hiện sự tiêu biểu cho một giai đoạn điện ảnh, nhưng lại quá cũ nát, không thể phục hồi kịp cho triển lãm. Vì vậy, khi chọn lựa các áp phích để triển lãm, chúng tôi đã đưa ra hai tiêu chí là phim đoạt giải, tiêu biểu cho một thời kỳ và chất lượng áp phích còn tốt”.

Với hơn 200 tấm áp phích, chưa thể nói là đầy đủ để phản ánh được một chặng đường dài phát triển của điện ảnh Việt Nam, nhưng cũng góp phần giúp cho thế hệ khán giả sau này hiểu được phần nào lịch sử điện ảnh, nhất là điện ảnh trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ và xây dựng đất nước. Sau triển lãm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, rất có thể Viện phim Việt Nam sẽ có tiếp những dự định khác, không chỉ là áp phích mà còn rất nhiều những tư liệu, hình ảnh...., và đó sẽ là những miếng ghép đầy đủ cho hình dung về con đường của điện ảnh Việt Nam.

Triển lãm mở cửa từ 17-3 đến 17-4 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội), và tại thành phố Hồ Chí Minh từ 19-5 đến 19-6.