Giải Cánh diều vàng 2011 : Phim tư nhân áp đảo

NDO - NDĐT - Hội Điện ảnh Việt Nam – đơn vị tổ chức giải Cánh diều vàng 2011 cho biết, trong số 12 phim truyện nhựa dự giải năm nay, có tới 10 phim thuộc về các hãng tư nhân. Phần lớn các phim tranh giải đều đã từng so kè nhau tại LHP Việt Nam lần thứ 17 tổ chức tại Tuy Hòa hồi tháng 12-2011, còn lại là một số phim vừa ra mắt dịp Tết và một phim chưa từng được biết đến của nữ đạo diễn Việt kiều Síu Phạm mang tên “Đó... hay đây”.

Thể loại phong phú

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết, 12 phim tranh giải thuộc về nhiều thể loại khác nhau, có cả phim chính luận, phim thương mại, có cả phim hài, phim tâm lý, phim kinh dị và phim thể nghiệm...

Hai bộ phim được Nhà nước đầu tư vốn sản xuất tham gia tranh giải là “Mùi cỏ cháy” và “Tâm hồn mẹ”, vốn là những ứng cử viên nặng ký từ LHP Việt Nam 17 vừa qua. “Mùi cỏ cháy” kể về cuộc chiến 81 ngày đêm giữ thành cổ Quảng Trị qua trải nghiệm của những sinh viên Hà Nội mặc áo lính. “Tâm hồn mẹ” là câu chuyện xoay quanh cuộc sống của hai mẹ con một phụ nữ bán hoa quả dưới gầm cầu Long Biên. Tại LHP 17, “Mùi cỏ cháy” giành giải Bông sen bạc” còn “Tâm hồn mẹ” giành giải Giám khảo.

10 bộ phim tư nhân còn lại bao gồm “Hot boy nổi loạn” (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, hãng BHD), “Lệ phí tình yêu” (đạo diễn Nguyễn Minh Chung, BHD và Hãng phim Việt), “Lời nguyền huyết ngải” (Bùi Thạc Chuyên, hãng Thiên Ngân), “Hello cô Ba” (Trần Kim Hoàng, Hoàng Trần film), “Vũ điệu đường cong” (Nguyễn Trọng Khoa, Cinebox – WE Entertaiment), “Long ruồi” (Charlie Nguyễn, Thiên Ngân, Hãng phim Việt và Early Rise Media group), “Ngôi nhà trong hẻm” (Lê Văn Kiệt, Crea TV), “Sài Gòn Yo” ( Stephan Gauger, Chánh Phương film) và “Đó... hay đây?” (Síu Phạm, HK Film). Trong số các phim này, có những phim vừa ra mắt khán giả gần đây (“Lệ phí tình yêu”, “Hello cô Ba”, “Long ruồi”, “Ngôi nhà trong hẻm”) và cũng có phim chưa ra rạp bao giờ như “Đó... hay đây?”.

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát cho biết, năm nay Hội Điện ảnh gửi lời mời đến các hãng phim trong và ngoài nước với tiêu chí, bất kỳ tác phẩm của người Việt hoặc người nước ngoài mang quốc tịch Việt Nam sản xuất, có người Việt tham gia... đều được dự thi. Lời mời này đã được các hãng hưởng ứng nhiệt tình, đặc biệt là các đơn vị tư nhân.

Ông Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh khẳng định, tại giải Cánh diều vàng năm nay, bất cứ phim nào đạt đủ các tiêu chí đề ra và được điểm cao đều được trao giải, không phân biệt phim tư nhân hay phim Nhà nước.

Kín bưng... Ban giám khảo

Không giống như các giải Cánh diều vàng trước đây, năm nay danh tính các thành viên của các ban giám khảo từ phim truyện nhựa cho đến phim tài liệu đều được ban tổ chức giữ kín. Ông Đặng Xuân Hải cho biết, các năm trước nhiều thành viên ban giám khảo đã than phiền rằng bị “quấy rầy”, hỏi han nhiều quá nên đề nghị không tiết lộ tên tuổi. Ban tổ chức chỉ cho biết Trưởng Ban giám khảo phim truyện nhựa là NSND Bùi Đình Hạc, Trưởng BGK phim ngắn là đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, Trưởng BGK phim truyền hình là đạo diễn Nguyễn Hữu Phần...

Ông Đặng Xuân Hải cũng cho biết thêm, các nghệ sĩ tham gia ban giám khảo phải chịu sức ép rất lớn khi chấm giải, vừa do sự “tế nhị” trong các mối quen hệ bạn bè, đồng nghiệp, vừa do những tiêu chí lựa chọn ban giám khảo: phải có uy tín, có những danh hiệu nhất định, có bề dày kinh nghiệm trong hoạt động nghề nghiệp, không có tác phẩm dự thi và phải công tâm...

Ban tổ chức cũng cho biết, tiêu chí của giải là tác phẩm phải có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực. Tác phẩm giành giải Cánh diều vàng phải đạt từ 9,1 – 10 điểm, Cánh diều bạc phải đạt từ 8,1 – 9 điểm và Bằng khen phải đạt từ 7,1-8 điểm. Ngoài các giải Cánh diều vàng, Cánh diều bạc và bằng khen cho các thể loại phim truyện nhựa, phim truyền hình, phim tài liệu, khoa học, phim hoạt hình và công trình nghiên cứu, lý luận – phê bình điện ảnh, còn có giải Báo chí – Phê bình điện ảnh dành cho phim truyện.

Ở các giải thưởng cá nhân như đạo diễn, nam – nữ diễn viên chính và phụ xuất sắc nhất, họa sĩ, nhạc sĩ, biên kịch..., mỗi thành viên trong BGK sẽ được đề cử hai người. Người nào được đề cử nhiều nhất sẽ được trao giải.

Nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày điện ảnh Việt Nam

Giải Cánh diều vàng là hoạt động quan trọng nhất trong dịp kỷ niệm Ngày điện ảnh Việt Nam hằng năm (15-3). Năm nay, do thỏa thuận với VTV về truyền hình trực tiếp và vướng sự kiện khác vào đúng ngày 15-3 tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt-Xô, lễ trao giải được dời sang tối 17-3 vào lúc 20h, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2.

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát cho biết, ngay từ ngày 10-3, nhiều hoạt động kỷ niệm trong cả nước đã bắt đầu khởi động. Tại cả 63 tỉnh thành, các bộ phim “Đường về quê mẹ” (NSND Bùi Đình Hạc), “Thương nhớ đồng quê” (NSND Đặng Nhật Minh) và “Đường lên sông Đà” (NSND Lê Mạnh Thích) được công chiếu rộng rãi. Hiện nay, phim đã được in sang đĩa DVD và gửi tới các công ty chiếu bóng và trung tâm điện ảnh địa phương.

Tại Hà Nội, một số phim tranh giải sẽ được chiếu miễn phí tại ba địa điểm: Rạp Tháng 8 (Hàng Bài), Trung tâm chiếu phim quốc gia (Láng Hạ) và CLB Hội Điện ảnh (51 Trần Hưng Đạo) từ ngày 9 đến 15-3. Các phim bao gồm “Lệ phí tình yêu”, “Hot boy nổi loạn”, “Tâm hồn mẹ”, “Mùi cỏ cháy”, “Lời nguyền huyết ngải”, “Sài Gòn Yo”, “Long ruồi”, “Vũ điệu đường cong”, “Hello cô Ba”, “Ngôi nhà trong hẻm”, “Lệnh xóa sổ”, “Đó... hay đây” (phim truyện) và “Sóng nhà giàn”, “Chuyện làng Then”, “Vị tướng với con đường huyền thoại”, “Đại tướng Đoàn Khuê” (phim tài liệu).

Ngoài ra, hoạt động nghề nghiệp không thể thiếu là hội thảo cũng được tổ chức với tiêu đề “Một thập kỷ điện ảnh Việt Nam – nhìn nhận và đánh giá”, với sự góp mặt của nhiều nhà quản lý, chuyên gia, nhà làm phim... cùng nhìn nhận những điều được và chưa được của điện ảnh trong 10 năm trở lại đây, và đóng góp ý kiến đưa nền điện ảnh Việt phát triển mạnh mẽ hơn.